Đúng 5 giờ 13 phút sáng nay 16/5, vệ tinh viễn thông Vinasat-2 đã được phóng thành công vào quỹ đạo địa tĩnh bằng tên lửa Ariane 5 ở vị trí 131,8o Đông, gần vị trí phóng Vinasat-1.
<>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu trên VTV1 cho rằng việc phóng thành công Vinasat-2 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam.
"Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Tên lửa Ariane 5 thuộc Công ty Vận tải hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace đã được phóng từ bãi phóng Kouru (Guyana, Nam Mỹ), cũng là nơi đã phóng thành công vệ tinh VINASAT-1.
Tên lửa Ariane 5 có trọng lượng 4,5 tấn, cũng mang theo một vệ tinh khác của Nhật Bản.
Ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế, Tập đoàn VNPT mới đây cho biết trong suốt 4 năm hoạt động chưa từng xảy ra bất cứ một lỗi kỹ thuật nào xảy ra đối với VINASAT-1. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi toàn bộ qui trình vận hành, khai thác đều do 100% các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Các kỹ sư cũng nhận được sự tham vấn của Lockheed Martin.
Để “lái” Vinasat-1, luôn có khoảng 20 cán bộ túc trực tại trung tâm điều khiển. Và để chuẩn bị cho vệ tinh Vinasat-2, đã có thêm khoảng 10 kỹ sư được tăng cường. Theo ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các Công trình Viễn thông, Tập đoàn VNPT, về cơ bản số nhân lực trên có thể đáp ứng yêu cầu để điều khiển cả 2 quả vệ tinh. Với kinh nghiệm vận hành VINASAT-1 và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, VNPT khẳng định chắc chắn rằng đội ngũ kỹ sư Việt Nam sẽ vận hành tốt 2 quả vệ tinh.
Như vậy, sau 4 năm Việt Nam có thêm một vệ tinh nữa, hợp thành một hệ thống có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro. Với nhiều hoạt động về công ích, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các trường hợp khẩn cấp, sự cố như bão lụt, thiên tai và an ninh quốc phòng của đất nước, vệ tinh là phương thức truyền dẫn duy nhất.
<>MP