Nhịp sống số

Viettel, VNPT sẽ cùng cạnh tranh trên đất Myanmar?

Viettel, VNPT sẽ cùng cạnh tranh trên đất Myanmar?
Nếu lời Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà trở thành hiện thực thì lần đầu tiên, hai tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam là Viettel và VNPT sẽ cùng "hội tụ" và cạnh tranh ở một quốc gia khác ngoài lãnh thổ quê nhà.

<>

Thông tin Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang chờ được cấp giấy phép để mở mạng di động ở Myanmar được ông Trần Bắc Hà cho biết tại một cuộc họp đầu tư song phương tại Hà Nội mới đây, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Myanmar Thein Sein.

Công ty viễn thông của Việt Nam đầu tư ở ngoài lãnh thổ, đến giờ không còn là một khái niệm mới, đặc biệt với cái tên Viettel. Hiện tại, Viettel đã đầu tư mở mạng lưới viễn thông và đang hoạt động ở 5 quốc gia gồm Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti và Peru. Và trong năm 2012, tập đoàn này đặt mục tiêu sẽ mở thêm ở 3 - 4 nước nữa.

Tuy nhiên, với VNPT, mở mạng lưới ở thị trường nước ngoài có thể xem là "điều khá mới lạ". Nếu Myanmar hoặc đất nước nào đó được VNPT đầu tư mạng lưới thành lập mạng di động của mình thì đó sẽ là mạng viễn thông ở nước ngoài đầu tiên của VNPT.

picture Nếu cùng đầu tư vào Myanmar, không biết hai doanh nghiệp Nhà nước Viettel và VNPT có dùng chung hạ tầng?

"Con đường" đi ra nước ngoài của các doanh nghiệp viễn thông Việt, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel là do, thị trường trong nước nhìn thì lớn nhưng vẫn là manh áo chật và bắt buộc doanh nghiệp phải ra nước ngoài. Vì thế, chả ai bảo ai, doanh nghiệp cứ "lóp ngóp" kéo nhau đi.

Quan điểm đầu tư ra nước ngoài của Viettel khá rõ ràng. Đó là chiến lược "kỹ thuật đi trước, kinh doanh theo sau". Nghĩa là Viettel sẽ đầu tư hạ tầng riêng của mình ở quốc gia đó hoặc có thể mua lại hạ tầng của doanh nghiệp khác và đầu tư thêm - làm chủ về hạ tầng mạng lưới để phát triển kinh doanh dịch vụ, chứ không liên doanh liên kết với nhà mạng khác để khai thác dịch vụ.

Trong khi đó, ban đầu, một lãnh đạo của VNPT cho rằng, VNPT khả năng sẽ không đi theo hướng của Viettel mà theo hướng hợp tác và đầu tư, không theo hướng đầu tư mạng lưới hạ tầng và tổ chức. Tức là hợp tác với các mạng lớn để đầu tư dài hơi hơn và tham gia góp vốn vào các nhà khai thác đó. Nhưng nay, có lẽ, chiến lược ban đầu của VNPT ít nhiều đã thay đổi.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, do cùng là doanh nghiệp Nhà nước, cùng nguồn vốn Nhà nước nên, nếu cả VNPT và Viettel cùng đầu tư xây dựng mạng lưới tại Myanmar hoặc quốc gia khác, không biết Viettel và VNPT có xây dựng và dùng chung hạ tầng không? Điều mà cả Viettel và VNPT chưa làm được ở thị trường Việt Nam!

Trong nhiệm kỳ của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, một trong những điều mà ông trăn trở nhất chưa làm được là giải quyết vấn đề dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông. Theo ông, doanh nghiệp viễn thông cứ phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm "dựng cột" (trạm BTS) thoải mái sẽ vừa lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia, vừa lãng phí nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước chưa thật hiệu quả.

Một chuyên gia kỳ cựu về viễn thông cho rằng, nếu cả Viettel và VNPT cùng đầu tư vào Myanmar hay một quốc gia nào khác thì nên đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung để tránh làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Ông phân tích, rất khó để đưa ra con số cụ thể tương đối về nguồn vốn đầu tư cho một hạ tầng mạng lưới mới mà một doanh nghiệp viễn thông đầu tư, vì còn phụ thuộc và về chính sách đầu tư, diện tích quốc gia, dân số... nhưng số tiền sẽ không thể tính đến hàng chục mà phải là hàng trăm triệu USD.

Trong khi đó, theo tính toán của ông, hạ tầng trạm BTS hiện nay của cả ba nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel lãng phí gấp đôi số tiền cần thiết phải đầu tư, tức lãng phí gấp đôi so với nhu cầu cần thiết của đất nước.

"Doanh nghiệp dùng chung hạ tầng sẽ kinh doanh trên những khu vực dải tần khác nhau, hạ tầng dùng chung không làm ảnh hưởng, hạn chế đến chiến lược, hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp", vị chuyên gia này nói.

Tất nhiên, phân tích là vậy nhưng câu trả lời lại thuộc về "hai anh cả" viễn thông và các đơn vị cấp trên.

Sự lớn mạnh của ngành viễn thông và của các tập đoàn viễn thông Việt Nam là điều rất đáng khích lệ và tự hào, nhưng đầu tư và phát triển một cách hiệu quả, đem lại nguồn lợi và nguồn lực tốt nhất cho quốc gia, nhân dân mới thực sự là điều cần cân nhắc.

<>Mạnh Chung

(Theo VnEconomy)