Điện thoại

Vì sao Proview “cắn chặt” Apple không buông?

Vì sao Proview “cắn chặt” Apple không buông?

Theo hãng tin AP hôm 21/2, luật sư Xie Xianghui của Shenzhen Proview Technology, hãng đang giằng co bản quyền thương hiệu "iPad" với Apple, tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán để có dàn xếp ổn thỏa giữa 2 bên về cuộc kiện tụng vô tiền khoáng hậu này.

 

  • Apple phản hồi đe dọa của Proview, iPad tiếp tục bị cấm bán
  • Proview muốn hải quan Trung Quốc cấm xuất khẩu iPad

 

Luật sư Xie Xianghui cho biết, kể cả khi Proview và Apple tranh chấp pháp lí dữ dội trong việc sử dụng thương hiệu “iPad” tại Trung Quốc và chưa có phán quyết cuối cùng, hai bên “vẫn có thể ngồi lại với nhau để dàn xếp mà không cần phải ganh nhau trước tòa”.

Theo AP, tuyên bố của ông Xie khiến nhiều chuyên gia đưa tới nhận định rằng, Proview đã lộ rõ âm mưu móc túi Apple, bởi hiện hãng công nghệ Trung Quốc này đang vật lộn với nguy cơ phá sản và một món tiền hấp dẫn từ nhà sản xuất iPad sẽ giúp họ rất nhiều.

Thực tế là mới đây, khi đề nghị hải quan Trung Quốc cấm xuất nhập khẩu iPad, Yang Long, Chủ tịch Proview, đã "nhiệt tình" trả lời báo chí rằng, "việc cấm xuất khẩu máy tính bảng của Apple ở Trung Quốc không dễ vì nó quá phổ biến và được nhiều người ưa thích".

Ông này còn gợi ý, cách giải quyết tốt nhất cho tranh chấp là thương lượng bên ngoài tòa án, cho thấy mục tiêu của Proview là kiếm được 1,6 tỉ USD từ Apple, bởi việc iPad bị cấm bán không đem lại lợi lộc gì cho họ. iPad của Proview thực chất là máy tính để bàn.

Bằng chứng về vấn đề này càng trở nên thuyết phục hơn, khi trang công nghệ MIC Gadget và tờ Nhật báo Quảng Châu mới đây đã công bố loạt hình ảnh về nhà máy Proview ở Thâm Quyến, cùng những thông tin về khoản nợ lên tới 1 tỉ USD của hãng công nghệ này.

Proview từng là hãng sản xuất màn hình phẳng lớn thứ tư trên thế giới. Hàng của họ chủ yếu được xuất sang các nước đang phát triển. Nhưng nay nhà máy này đã trở nên hoang phế, với tấm biển cấm vào to đùng bên ngoài.

Nhà máy tại Thâm Quyến của Proview được xây dựng từ năm 1991 với hơn 5.000 công nhân. Giờ qua bức ảnh này có thể thấy sự hoang vắng ở nhà máy tới mức nào.

Bên ngoài nhà máy trông khá xơ xác, thật khó có thể hình dung đây là nơi từng trả lương khá cao cho nhân viên vào giai đoạn thịnh vượng.

Vào năm 2010, kế hoạch sản xuất của Proview gặp một số khó khăn và hãng không còn thuê công nhân nữa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Proview chứng kiến sự ra đi của hàng nghìn công nhân viên và vào cuối năm 2010, Proview đã rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính với sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.

Proview hiện đang ngập đầu trong nợ nần, cổ phiếu của hãng tại sàn chứng khoán Hồng Kông đã bị ngừng giao dịch.

Nơi này từng đặt bảng báo cấm tham quan, nhưng giờ có thể đi lại thoải mái vì hết người trông nom.

Toàn bộ tài sản của họ gồm cả thương hiệu "iPad" hiện bị cầm cố tại 8 ngân hàng ở Trung Quốc. Nếu vụ kiện thành công, các ngân hàng sẽ được hưởng lợi.

Các phân xưởng đã bị khóa chặt. Nhiều người cho rằng, chúng sẽ được mở lại khi Apple chấp nhận chi tiền.

Tấm biển nhà kho cũ kĩ và nhàu nát. Thời hoàng kim của Proview có vẻ đang cố chờ đợi ngày trở về bằng cuộc chiến thương hiệu với Apple. Theo như đơn kiện của Proview hồi năm 2011, công ty này đòi Apple phải bồi thường với mức giá 10 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 1,6 tỉ USD.