Một công nghệ mới được kì vọng sẽ thay thế công nghệ chế tạo TV truyền thống vừa được các nhà khoa học đến từ nước Anh giới thiệu, công nghệ điểm lượng tử (quantum dots - QD).
Cụ thể, các nhà khoa học đã phát triển thành công một dạng thạch anh phát quang mới, được gọi là các điểm lượng tử (QD), sẽ đóng vai trò nguyên liệu chủ chốt để chế tạo các màn hình siêu mỏng và siêu linh hoạt.
Những hạt thạch anh, vốn có kích cỡ nhỏ hơn chiều rộng sợi tóc con người đến 100.000 lần, sẽ được rải lên bề mặt của những tấm nhựa có độ dẻo cao, từ đó tạo ra một màn hình hiển thị có thể dễ dàng di chuyển và bố trí.
Nhóm nghiên cứu hi vọng dòng sản phẩm TV dựa trên công nghệ điểm lượng tử (vốn có khả năng hiển thị màu sắc và độ mỏng tốt hơn các dòng màn hình phẳng hiện tại) đầu tiên sẽ bắt đầu xuất hiện trong các cửa hàng từ cuối năm 2012. Phiên bản màn hình “dẻo” (có độ co dãn linh hoạt như một tờ báo) thì phải mất ít nhất ba năm phát triển trước khi tung ra thị trường.
Michael Edelman, giám đốc điều hành hãng Nanoco, công ty được các nhà khoa học đứng đằng sau công nghệ nói trên thành lập, thuộc Đại học Manchester, cho hay công ty đang tiến hành những buổi tiếp xúc với các hãng điện tử lớn trong việc đưa vào sản xuất hàng loạt các sản phẩm TV dựa trên công nghệ điểm lượng tử. Đây được xem như công nghệ sẽ thay thế cho các dòng TV đang có mặt trên thị trường vào thời điểm hiện tại.
Phần lớn các TV hiện tại đều được dựa trên một màn hình tinh thể lỏng (LCD) được chiếu sáng bởi đèn LED, với độ dày thiết bị ít nhất từ 5-7 cm. Nếu thay thế dàn đèn LED bên trong TV bằng các điểm lượng tử, con số này sẽ còn giảm đi nhiều.
Chưa hết, việc chế tạo TV LCD truyền thống còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp tài nguyên đất hiếm, vốn đang ngày càng cạn kiệt nên góp phần đẩy cao giá thành sản phẩm. Trong khi đó, các điểm lượng tử lại được chế tạo từ những vật liệu bán dẫn rẻ tiền mà vẫn đảm bảo khả năng phát sáng khi tiếp xúc với điện hoặc ánh sáng tử ngoại.