<>>
Tuy nhiên, năm 2011 đã cho thấy loại hình truyền thông này cũng mang lại cho con người nhiều phiền toái và có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Truyền thông xã hội đã trở thành "Vị cứu tịnh" trong thảm họa kép động đất sóng thần tại Nhật Bản. |
<>"Vị cứu tinh">
Nhiều người vẫn chưa quên thảm họa động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay. Ngay sau khi thảm họa kép ập đến, truyền thông xã hội bỗng chốc trở thành "người đưa tin" và "nhân viên cứu trợ" đắc lực, thậm chí nhiều người còn "tung hô" truyền thông xã hội như một "vị cứu tinh".
Trong lúc các dịch vụ viễn thông tại Nhật Bản gần như bị tê liệt hoàn toàn thì Facebook, Twitter cũng như các mạng xã hội phổ biến nhất tại Nhật Bản như Mixi vẫn hoạt động hiệu quả. Người ta liên lạc, chia sẻ thông tin, đăng tải những hình ảnh, video clip về thảm họa tại Nhật Bản. Những số điện thoại khẩn cấp, những cảnh báo về sóng thần, lịch tàu chạy đến danh sách những nơi trú ngụ cho những người bị mất nhà cửa được cập nhật liên tục.
Nhiều hoạt động cứu trợ, kêu gọi quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản cũng được tiến hành thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. "Gã khổng lồ" Google đã triển khai thanh công cụ "Tìm kiếm người" (Person Finder) - một cơ sở dữ liệu mang tính tương tác, cho phép người dùng tìm kiếm những người bị lạc online hoặc đăng tải thông tin về những người bị thương hay bị lạc.
Apple chấp nhận cho Hội chữ thập đỏ Mỹ quyên góp tiền cho các nạn nhân của trận động đất sóng thần tại Nhật Bản thông qua iTunes Store. Trong khi đó, trang Amazon.com và Yahoo cũng có những đường link trên trang chủ của mình kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ cho các nạn nhân sóng thần tại Nhật Bản. Ấy là chưa kể đến việc, Zynga - "gã khổng lồ" chuyên tạo ra các trò chơi online - và Facebook đã khuyến khích người chơi hỗ trợ tiền cho "Quỹ Cứu giúp các trẻ em Nhật Bản" thông qua việc mua những lương thực ảo trên City Ville, FrontierVille, Farm Ville và các trò chơi trực tuyến khác.
Cuộc chiến chống ma túy ở Mexicô có sự đóng góp tích cực của truyền thông xã hội chống lại cái ác. |
Bên cạnh việc góp phần trong công tác cứu trợ và liên lạc mỗi khi thảm họa, thiên tai, truyền thông xã hội cũng được sử dụng như một công cụ tuyên truyền. Tại Mexico, khi báo chí vẫn dè chừng trong việc đăng tải các thông tin về những vụ việc liên quan đến các băng đảng ma túy thì các phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển nở rộ tại quốc gia Nam Mỹ này như: các website ẩn danh, blog của các chuyên gia và các mạng xã hội nổi tiếng như Nuevo Laredo en Vivo (Cuộc sống tại Nuevo Laredo) lại tỏ rõ ưu thế của mình.
Người ta đăng tải trên đó những hình ảnh chân thực về các nạn nhân bị sát hại do tham gia các hoạt động chống lại các băng đảng ma túy, kêu gọi mọi người cùng nhau hành động chống lại chúng và đăng tải những số điện thoại khẩn cấp cho cảnh sát và quân đội để tố giác tội phạm.
Ấy là chưa kể đến trong lĩnh vực kinh doanh, giải trí, truyền thông xã hội được xem như một công cụ quảng cáo, một kênh bán hàng và PR hiệu quả. Nhất là trong lĩnh vực giải trí, chỉ cần một clip trên YouTube cũng có thể biến một người từ "vô danh tiểu tốt" trở thành một người nổi tiếng trên toàn thế giới. Có thể nói, truyền thông xã hội đang ngày càng thâm nhập vào đời sống xã hội, mang lại lợi ích đáng kể cho con người .
"Truyền thông xã hội" là một thuật ngữ để chỉ một cách thức truyền thông kiểu mới, trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến của công nghệ web 2.0. Với tính tương tác cao, khả năng truy cập ở khắp mọi nơi và các kỹ thuật truyền thông mở rộng, truyền thông xã hội đã thay đổi căn bản cách thức giao tiếp giữa các tổ chức, cộng đồng cũng như mỗi cá nhân.
Hoạt động truyền thông xã hội được thực hiện thông qua nhiều "kênh" khác nhau như các diễn đàn trên Internet, các mạng xã hội, weblog, blog xã hội, các tiểu blog (microblogging), các website mở (wiki), podcast, ảnh, video,...
<>"Kẻ phá bĩnh">
Những lợi ích mà truyền thông xã hội mang lại là không thể phủ nhận nhưng loại hình truyền thông này cũng là "mối nguy hiểm khó lường". Mới đây, một loạt các quốc gia trên thế giới không khỏi "rúng động" trước phong trào "Chiếm phố Wall" do người Mỹ khởi xướng.
Bắt đầu từ hồi giữa tháng 9 với một nhóm thanh niên tại hạ Mahattan, New York, "Chiếm phố Wall" đã lan ra nhiều nước trên thế giới. Đáng chú ý nhất là vào ngày 15-10 ("Ngày chiếm đóng toàn cầu"), khi người dân tại 82 nước trên thế giới đồng loạt xuống đường biểu tình với mục đích: phản đối các ngân hàng, các chính trị gia "phá hoại nền kinh tế" đã đẩy hàng triệu người vào cảnh khốn khó vì "lòng tham và cách quản lý yếu kém của họ". Các cuộc biểu tình có lúc lên đến hàng chục nghìn người thậm chí còn biến thành bạo động tại Italia. Một trong những tác nhân chính khiến virus "Chiếm phố Wall" lan truyền nhanh một cách chóng mặt đó chính là truyền thông xã hội.
Ngay từ khi "Chiếm phố Wall" xuất hiện tại Mỹ, các cuộc tranh luận trực tuyến về phong trào này đã nóng dần trên các diễn đàn xã hội trong lòng nước Mỹ và bùng nổ trên toàn thế giới khi "ngày chiếm đóng toàn cầu" diễn ra.
Thông qua điện thoại di động và các phương tiện truyền thông xã hội, những người biểu tình đã chia sẻ những hình ảnh đang diễn ra tại thành phố họ trong "ngày chiếm đóng toàn cầu". Họ đăng tải những hình ảnh, video lên YouTube sau đó chia sẻ các đường link đó thông qua các mạng xã hội như Twitter, Facebook hay các trang web chia sẻ hình ảnh như Bambuser và Yfrog.
Truyền thông xã hội khiến phong trào "Chiếm phố Wall lan truyền nhanh chóng". |
Tại Tây Ban Nha, những người biểu tình đăng tải những hình ảnh trực tiếp từ Madrid trên trang chia sẻ video Ustream. Trong khi đó, những người phát động biểu tình tại thành phố New York cũng sử dụng kênh "Cách mạng toàn cầu" (Global Revolution) trên Livestream truyền những hình ảnh trực tiếp về các cuộc biểu tình tại New York. Những người biểu tình cũng chuyển hướng đến Meetup.com và Foursquare - các trang web cung cấp dịch vụ định vị - để tìm kiếm nhau và tổ chức các cuộc biểu tình.
Trước đó, thế giới cũng đã chứng kiến "khả năng tàn phá" của truyền thông xã hội trong cuộc bạo loạn vô chính phủ ở Anh hay biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Điểm chung của tất cả các cuộc biểu tình nói trên là những nhân vật khởi xướng liên lạc, kêu gọi mọi người tham gia biểu tình thông qua các mạng xã hội và điện thoại di động. Tại Anh, ngoài việc sử dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter, những kẻ nổi loạn đã sử dụng mạng tin nhắn bảo mật của BlackBerry để tổ chức, lôi kéo nhau cùng tham gia cướp bóc. Còn tại Hy Lạp, những người khởi xướng liên lạc với nhau qua hệ thống chat của Google để lên kế hoạch biểu tình và lôi kéo người tham gia.
Theo một khảo sát của AP, sau hai tháng, Mỹ đã phải chi ít nhất 13 triệu USD để đối phó với phong trào "chiếm phố Wall" do lực lượng cảnh sát phải làm việc tăng ca và cả ngày nghỉ để duy trì an ninh trật tự tại các cuộc biểu tình. Trong khi đó, cuộc bạo loạn vô chính phủ ở Anh đã gây thiệt hại vật chất ước tính hơn 100 triệu bảng (khoảng 170 triệu USD), chưa kể thiệt hại do gián đoạn kinh doanh.
<>Truyền thông xã hội tại Việt Nam - cần phát triển có định hướng>
Trong ba năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến bước chuyển mình của truyền thông xã hội. Sự bùng nổ các mạng xã hội thuần Việt diễn ra từ năm 2007 với hàng loạt tên tuổi lớn như Cyworld, Clip.vn, Yume, YoBanBe, ... nhưng tất cả không vượt qua nổi Yahoo 360.
Từ giữa năm 2008, khi Yahoo rậm rịch ngưng cung cấp dịch vụ blog tại Việt Nam, các mạng xã hội khác đã nhanh chóng tận dung cơ hội này để vươn lên chiếm lĩnh thị trường. VinaGame phát triển Yobanbe thành mạng Zing Me, Facebook cho ra đời phiên bản tiếng Việt, Yume cũng tranh thủ các hoạt động quảng bá để lôi kéo người dùng Internet...
Cùng với đó là sự phát triển của các diễn đàn trên Internet với số lượng thành viên không ngừng tăng lên. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ 3G các hãng viễn thông tại Việt Nam từ cuối năm 2009 đã cung cấp nhiều tiện ích mới cho người dùng đặc biệt là các dịch vụ Internet di động tốc độ cao.
Theo Tổng Cục thống kê, tính đến tháng 12-2010, Việt Nam có gần 154 triệu thuê bao di động và khoảng 27,4 triệu lượt người số người sử dụng Internet. Hiện nay, Zing Me là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 7,3 triệu người dùng.
Phần lớn những người sử dụng truyền thông xã hội tại Việt Nam là để cập nhật thông tin, giải trí, chia sẻ, giao lưu với các thành viên khác. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng sử dụng truyền thông xã hội như một phương tiện để quảng bá, thúc đẩy hoạt động kinh doanh hay kêu gọi cộng đồng mạng cùng tham gia đóp góp cho các hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, truyền thông xã hội tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đối với những người sử dụng đặc biệt là giới trẻ - đối tượng chính sử dụng loại hình truyền thông này. Nhiều người công khai lăng mạ nhau, tung tin thất thiệt, đăng tải các hình ảnh, video clip có nội dung không lành mạnh trên các diễn đàn, blog, mạng xã hội. Những trào lưu mang hơi hướng tiêu cực được lan truyền với tốc độ chóng mặt và được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt tình.
<>Tạm kết>
Phát minh lớn nhất của Alfred Nobel lúc sinh thời là thuốc nổ đinamit. Nhờ sự trợ lực của loại thuốc nổ này, những công trình vĩ đại nhất của nhân loại như đường hầm St Gothard, kênh đào Panama mới được hoàn thành.
Tuy nhiên, cũng chính loại thuốc nổ ấy đã gây ra những con số thương vong kinh hoàng khi người ta sử dụng nó trong các cuộc chiến tranh, điều mà khi nghiên cứu, Nobel không hề nghĩ tới.
Truyền thông xã hội cũng vậy, nó mang lại cho con người nhiều tiện ích nhưng ít ai có thể lường trước hết được những "tai họa" mà nó có thể gây ra. Thế giới ngày nay là một thế giới mở, việc phát triển của truyền thông xã hội là điều tất yếu. Vì vậy, cần phải có sự định hướng đúng đắn để tránh cho loại hình truyền thông đang "nở rộ" này trở thành "bản sao" của thuốc nổ đinamit.
<>Bông Mai>
(Theo Nhân dân)