Với Trash Tycoon, cộng đồng người chơi game trên mạng xã hội Facebook có thể đóng góp những lợi ích thực tế cho cuộc sống ngay khi họ đang chơi.
<>Social Games – lợi bất cập hại
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các hình thức social game cũng đang ngày càng phổ biến. Theo thống kê của Allfacebook.com, 53% người sử dụng Facebook có tham gia các trò chơi, 69% game thủ là phụ nữ và 20% người chơi đã từng bỏ tiền ra cho các trò chơi này. Nếu bạn đang nghĩ những con số này là cao, thì hãy thử chờ đợi bảng thống kê của năm 2011 sắp tới. Thị trường social game – bao gồm cả Facebook – ước đoán sẽ đạt 8,4 tỷ USD doanh thu vào cuối năm 2014 (chưa kể tiền quảng cáo) theo thống kê của Superdata và Viximo.
Các doanh nghiệp và tập đoàn đã nhận ra giá trị to lớn từ thị trường trò chơi xã hội. Bạn còn nhớ Myspace? Người sáng lập ra trang web này – Christopher DeWolfe – đã thành lập một công ty mới tên là Mind Jolt, chính là công ty đang sở hữu Social Gaming Network và Hallpass Media. Hallpass Media là một cổng trò chơi có khoảng 4 triệu người sử dụng hàng tháng và 1500 webgames. Còn Social Gaming Networks đã tạo ra nhiều trò chơi được yêu thích iPhone, các thiết bị Android cũng như Facebook.
Thực tế, chúng ta không thể kiểm soát được sự phát triển của social game, nó sẽ tiếp tục tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ. Đây không phải là kết quả tiêu cực, nhưng cũng không hẳn tích cực. Ví dụ như các game trên Facebook, chúng cho phép mọi người có thể vui chơi và tiến hành quá trình xã hội hóa đối với những người khác. Nhưng nó cũng trở nên tiêu cực nếu có những con nghiện game như đối với trò chơi Farmville.
Những câu như “Hãy giúp tôi trong Farmville” hay “Vừa giành được một Architect Ribbon Yellow trong Farmville” có lẽ bạn đã từng nhìn thấy trên tường (wall) của bạn bè. Rất nhiều người – đặc biệt là dân công sở, văn phòng – có thể tốn hàng giờ cho những trò chơi như thế. Lý do khiến trò chơi trở nên gây nghiện là bởi chúng có một quá trình, bạn cần phải chờ đợi để “thu hoạch” sản phẩm, bổ sung nguồn lực. Bạn không cần “cắm đầu” vào máy liên tục hàng giờ như với game online, nhưng sự thực là bạn vẫn tiêu tốn khá nhiều thời gian trên mạng mỗi ngày. Ngoài ra, giao diện và các chức năng của trò chơi rất đơn giản, thân thiện với người sử dụng đến nỗi hầu như chẳng ai cần phải đọc hướng dẫn.
<>Vừa chơi vừa học
Mới đây, trò chơi có tên gọi là “Trash Tycoon” ra đời. Đây là một trò chơi “xanh” trên Facebook, nó chuyển tải các thông điệp vì môi trường và phát triển bền vững cho người chơi.
Trò chơi đề cập đến một quá trình tên gọi là “upcycling” (tái chế) – nghĩa là chuyển đổi những vật liệu phế thải thành những sản phẩm có giá trị sử dụng và giảm bớt áp lực lên tài nguyên môi trường. Người chơi sẽ nhập vai một doanh nghiệp đi thu thập rác, phân loại và tái chế chúng thành những sản phẩm có thể sử dụng được. Hoàn thành nhiệm vụ, người chơi kiếm được điểm, tiền bạc, và 10% số tiền đó sẽ được đóng góp cho quỹ CarbonFund.org để chống lại biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp có thực cũng tham gia quảng cáo trong game (và đóng góp tiền cho quỹ vì môi trường) khi mà các loại “rác” có gắn thương hiệu của họ, như vỏ kẹo Wrigley chẳng hạn. Đây cũng là những doanh nghiệp tham gia chương trình TerraCycle (tái chế các chất thải trong quá trình sản xuất hoặc sản phẩm cũ), và quá trình hoạt động của họ được tái hiện đầy đủ trong chính game Trash Tycoon.
Guerillapp – nhà sản xuất trò chơi này đã mời về hai nhà thiết kế game hàng đầu là Greg Costikyan và Naomi Clark (đã từng hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như PBS, Disney, Fisher Price, Wizards of the Coast, Electronic Arts, Nintendo, Major League Baseball) để làm cho Trash Tycoon ngày càng hấp dẫn hơn. Guerillapp cũng ấp ủ ý định xây dựng những mô hình game vừa mang tính giải trí vừa có ý nghĩa giáo dục tương tự Trash Tycoon, hướng tới nhiều chủ đề khác như năng lượng, y tế, giáo dục gia đình v.v…
Sự thực là chúng ta không thể ngăn cấm mọi người chơi social game, nhưng ít nhất chúng ta có thể hướng họ tới những game có ý nghĩa và đóng góp giá trị thực cho đời sống. Mỗi 10% lợi nhuận kia nhân với hàng nghìn, hàng triệu lần thực sự sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.