Nhịp sống số

Tìm hiểu về Tử thần - Sứ giả của cái chết

>Cái chết là gì?
 
Theo các nhà sinh vật học, bất cứ sinh vật nào dù là thực vật hay động vật đều cũng phải chết đi. Chúng ta cũng hiểu rằng, bất cứ điều gì cũng có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Tuy nhiên, những kiến thức của con người vẫn không thể đưa ra một câu trả lời hoàn hảo cho những câu hỏi về cái chết. Nhắc đến cái chết, rất nhiều người trong chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh một khuôn mặt xương xẩu, lạnh lùng, ẩn sau tấm áo choàng đen với chiếc lưỡi hái sắc bén trên tay - Tử thần.
 
Khi thời gian của một người trên cõi đời sắp hết, tử thần sẽ đến bên người ấy, kiên nhẫn chờ đợi. Và khi thời điểm đến, chiếc lưỡi hái bén ngót sẽ cắt lìa linh hồn ra khỏi cơ thể và đưa linh hồn người chết sang thế giới bên kia. Tại sao hình ảnh của tử thần lại có mặt trên cõi đời? Tại sao tử thần trong mắt loài người ngày nay lại lạnh lùng, độc ác? Tại sao Tử thần lại có dáng vẻ như ngày nay?
 
 
Chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi ấy.
 
1. Nguồn gốc
 
Trong một số tôn giáo, con người được sinh ra hoàn hảo, bất tử như các vị thần nhưng sau đó bị trừng phạt và đánh mất đi sự bất tử của mình. Một trong những ví dụ có thể tìm thấy trong Sách Sáng thế - Book of Genesis, câu chuyện về những con người đầu tiên: Adam và Eva. Chúa giao cho Adam trọng trách trông coi và thu hoạch vườn Địa đàng, nhưng duy nhất cây của trí tuệ là không được động vào. Satan, trong lốt một con rắn, đã lừa Eva ăn trái cấm. Adam cũng ăn quả cây trí tuệ mặc dù biết đó là hành động sai. Chúa đã trừng phạt họ bằng cách đày họ xuống hạ giới và lấy đi sự hoàn hảo của họ.
 

Nếu như không vì sai lầm của Adam và Eva, con người vẫn sẽ được hưởng cuộc sống bất tử tại Vườn địa đàng?

Trong một số nền văn hóa khác, miêu tả con người được sinh ra trần tục và đang cố gắng tìm kiếm sự bất tử nhưng không thành công. Sử thi Gilgamesh kể lại một câu chuyện như vậy. Gilgamesh là con trai của một nữ thần và một vị vua loài người, tuy nhiên, như những bán thần khác, ông ta không được kế thừa sự bất tử từ mẹ. Gilgamesh trên con đường đi tìm sự bất tử của mình đã gặp Utnapishtim – một người được thần thánh ban cho cuộc sống vĩnh viễn. Utnapishtim đã hứa ban cho Gilgamesh sự sống bất tử giống như của ông nếu Gilgamesh có thể thức trắng 1 tuần liên tục. Tuy thất bại trong thử thách này nhưng Gilgamesh vẫn nhận được phần thưởng là một cái cây có thể biến chủ nhân của nó trẻ lại. Trên đường về quê nhà, một con rắn đói đã ăn mất cái cây thần kỳ đó, Gilgamesh mãi mãi mất đi cơ hội để trở nên bất tử.
 
Trong huyền thoại của người Mesopotamia, người anh hùng Gilgamesh quay trở về nhà và chấp nhận cuộc sống của một người phàm trần. Tuy nhiên, những con người trong cuộc sống bình thường lại không muốn như vậy. Nỗi ám ảnh về cái chết treo trên đầu mỗi người, ý niệm về cái chết sẽ đến một ngày nào đó không phải là ý tưởng hay ho gì cả. Con người vẫn luôn mơ tưởng về một cuộc sống vĩnh hằng, không còn đau đớn, chết chóc.
 
 
Như trong một bài viết trước, chúng ta đã thấy được những gì con người làm để đối phó với cái chết. Không chỉ chạy trốn hay chiến đấu chống lại cái chết, con người còn tái định nghĩa cái chết, biến nó thành một khái niệm dễ chịu hơn là sự tan biến đơn thuần. Tử thần là một khái niệm được con người đặt ra để cụ thể hóa cái chết, để làm cho cái chết nhẹ nhàng hơn.
 
2. Những hình ảnh gốc về Tử thần
 
Cần phải nói rõ hơn, Tử thần không phải là những người cai quản địa ngục như Hades hay Diêm vương, Tử thần thường là những sứ giả đưa linh hồn con người vào cõi âm. Nếu như con người muốn đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng hơn, tại sao hình ảnh của Tử thần không đẹp đẽ, thân thiện?
 
Thật ra, những hình ảnh nguyên gốc của Tử thần khá dễ chịu.
 
Trong thần thoại Hy Lạp, Tử thần có tên là Thanatos, người anh em song sinh của vị thần cai quản giấc ngủ Hypnos. Thanatos xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp với khuôn mặt đẹp đẽ, đôi cánh thiên thần và đem theo một ngọn đèn leo lét, mờ ảo. Nhiệm vụ của Thanatos là đưa linh hồn người chết đến thế giới của Hades, trao những linh hồn này cho người lái đò Charon để đưa họ xuống cõi âm. Có thể nói, Tử thần của người Hy Lạp cổ - Thanatos là người đưa đường tận tâm, hấp dẫn.
 
 
Một hình ảnh khác cũng vô cùng đẹp đẽ về Tử thần là những nữ thần Valkyrie của Nauy. Trong bộ phim Max Payne, hình ảnh của những nữ thần Valkyrie cũng được nhắc đến bởi những người lính một cách đắm đuối. Những nữ thần Valkyrie là những người phụ nữ trẻ, sứ giả của thần Odin. Trong trận chiến, những Valkyrie bay trên chiến trường, lựa chọn những chiến binh dũng cảm để gia nhập vào đội quân của những vị thần. Hình ảnh Valkyrie giống như những thiên thần, trong một số truyền thuyết, Valkyrie là những người đưa tin, mang đến tin tức để mọi người tránh được tai họa. Trong một số câu chuyện khác, Valkyrie cũng là những người sẽ trừng phạt những linh hồn tội lỗi.
 
 
Một số hình ảnh khác về những Tử thần trong văn hóa, tín ngưỡng như Michael và Gabriel của Kito giáo cũng là những thiên thần có bề ngoài đẹp đẽ. Azrael là Tử thần trong Đạo Hồi cũng có hình tượng tương tự một thiên thần với đôi cánh đẹp đẽ.
 
Để có thể dễ dàng đón nhận cái chết, hình ảnh về Tử thần ban đầu mang hình tượng là những sứ giả, những thiên thần thân thiện đến dẫn đường cho chúng ta vào cõi âm. Nhưng, những hình tượng ban đầu này đã bị thay đổi rất nhiều qua thời gian.
 
3. Sự thay đổi
 
Hình tượng Thiên thần của cái chết đã tồn tại cho đến thời Trung cổ. Nhưng vào thể kỷ 14, một sự kiện khủng khiếp đã thay đổi điều này.
 
Thời kỳ này, lịch sử loài người ghi nhận một chuỗi những sự kiện kinh hoàng kéo dài mãi nhiều thế kỷ sau đó. Dịch bệnh được gọi tên là Cái chết đen này đã giết chết 25 triệu người khi mới bùng phát và hàng triệu người khác nhiều thế kỷ sau đó. Dân số châu Âu khi ấy là 450 triệu người đã bị hạ xuống còn khoảng 350 triệu người vào năm 1400. Đỉnh điểm của dịch bệnh là vào năm 1348 đến năm 1350. Dịch bệnh còn quay trở lại nhiều lần sau đó trong lịch sử, mãi cho đến thế kỷ 19, Cái chết đen mới biến mất.
 

Bệnh dịch đã khiến hình ảnh của Tử thần thay đổi.
 
Dịch bệnh được gọi là Cái chết đen vì cơ thể nạn nhân nổi những nốt hạch, da chuyển sang màu đen và bị hoại tử. Người bệnh sẽ chết trong đau đớn, tuyệt vọng. Vào thời điểm này, người ta không tìm ra nguyên nhân cũng như cách chữa trị cho căn bệnh, một nỗi sợ hãi bao trùm lên toàn châu Âu.
 
Nỗi sợ này ảnh hưởng đến các tác phẩm nghệ thuật trong thời gian này. Chẳng bao lâu sau, hình ảnh Thiên thần của cái chết bị vứt bỏ, thay thế bằng hình tượng những bộ xương cầm vũ khí với màu đen bao trùm lên khung cảnh. Món vũ khí mà hình tượng Tử thần mới sử dụng được phá họa là một lưỡi sắc cong vút, với cán cầm rất dài – Những chiếc lưỡi hái.
 
Trong rất nhiều bức vẽ của thời kỳ này, chúng ta sẽ thấy hình tượng Tử thần vung lưỡi hái chết chóc của mình vào đám đông, thể hiện sự tàn phá trên diện rộng của dịch bệnh trong thời kỳ này. Tuy nhiên, cũng có nhiều bức vẽ miêu tả một người phụ nữ đi cùng với Tử thần, cho ta thấy rằng sự sống và cái chết luôn đi kèm với nhau, là những thành phần không thể thiếu trên cõi đời này.
 
 
Tuy nhiên, bản chất của Tử thần so với trước đây vẫn không thay đổi. Nhiều tác phẩm thể hiện Tử thần tuy trong hình ảnh những bộ xương đáng sợ nhưng vẫn là sứ giả dẫn đường cho con người. Những bức họa như Điệu nhảy của cái chết cho ta thấy hình ảnh của Tử thần nhảy múa, đi theo từng bước chân con người trong cuộc sống, dẫn chúng ta đến cái đích mà không ai có thể tránh khỏi.
 
Trong sách Khải Huyển, hình tượng Tử thần được miêu tả là một trong bốn kỵ sĩ của ngày tận thế với cái tên là Death – Chết Chóc – cưỡi trên con ngựa xanh xám và là kỵ sĩ cuối cùng của ngày tận thế. Trong những bức họa về những kỵ sĩ của ngày tận thế, Chết Chóc cũng được phác họa với hình ảnh một bòng hình ẩn sau tấm áo choàng đen, trên tay cầm chiếc lưỡi hái với dáng vẻ đe dọa.
 
 
Dù với hình dạng này, hay hình dạng khác, Tử thần vẫn luôn là một hình tượng để con người dễ nhìn nhận hơn về cái chết. Chúng ta không hề chết đi, con người chỉ đi theo sự dẫn dắt của những vị thần để đến một thế giới khác.
 
4. Hình tượng của Tử thần
 
Mỗi một đặc trưng của Tử thần đều mang một ý nghĩa khác nhau, từ hình dáng, quần áo, những thứ Tử thần mang trên tay đều có ý nghĩa đặc biệt.
 
Bộ xương di động. Như đã nói ở trên, Cái chết đen tàn phá xã hội loài người trong một khoảng thời gian rất dài, giết chết hàng triệu người trên một lãnh thổ rộng lớn. Mỗi khi dịch bệnh bùng phát, cái chết là việc nhìn thấy từng ngày, từng giờ, ở khắp mọi nơi. Những họa sỹ, nhà văn trong thời kỳ này đã lấy hình tượng những xác chết mục ruỗng, những bộ xương khô để miêu tả về Tử thần, không chỉ đơn thuần vì nó là hình ảnh gắn liền với cái chết. Những bộ xương xuất hiện sau khi chúng ta chết đi, phân hủy, sau khi những loài sâu bọ đã hoàn thành công việc của chúng. Hình ảnh bộ xương được sử dụng với Tử thần cũng nói lên một điều về loài người chúng ta: sợ hãi nếu một ngày kia bị tan biến.
 
Áo choàng đen. Màu đen là màu gắn với cái chết, sự buồn bã, chúng ta thường mặc đồ đen trong những đám tang. Màu đen cũng là màu gắn liền với ma quỷ, tà ác. Chiếc áo choàng đen đem đến cho Tử thần sự huyền bí, khó nắm bắt. Cũng giống như dịch bệnh bí ẩn thời Trung Cổ, những người họa sỹ vẽ nên Tử thần ẩn sau chiếc áo choàng đen kỳ bí, bất ngờ đưa con người đến cõi chết cũng giống như dịch bệnh vậy.
 
Lưỡi hái. Vũ khí ban đầu của Tử thần bao gồm cả giáo, cung, nỏ, kiếm… nhưng tất cả dần dần bị thay thế bởi hình tượng chiếc hái. Hình ảnh lưỡi hái ban đầu gắn liền với nông nghiệp, mùa màng. Như mỗi vụ mùa, con người thu hoạch và kết thúc một vụ mùa vào mùa thu, và sau đó sẽ tiếp tục vào năm sau. Hình ảnh chiếc lưỡi hái gắn liền với Tử thần cũng gắn liền với vụ mùa, thay vì thu gặt mua màng, Tử thần thu gặt linh hồn của con người.
 
Đồng hồ cát. Hình ảnh chiếc đồng hồ cát với dòng cát là hình tượng mạnh mẽ nhất để nói về sự trôi đi của thời gian. Thậm chí hình ảnh chiếc đồng hồ cát vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Tử thần cũng cầm trên tay một chiếc đồng hồ cát khi xuất hiện. Chiếc đồng hồ cát này cho biết thời gian còn lại của con người còn lại trên cõi đời.
 
 
5. Tử thần trong văn hóa
 
Những vở kịch như Điệu nhảy của cái chết được biểu diễn tại nhà thờ để giáo dục những tín đồ sẵn sàng đón nhận cái chết đến với mình. Những vở kịch như vậy thường diễn ra ở sân nhà thờ hoặc tại nghĩa trang. Trong vở nhạc kịch, hình ảnh của những bộ xương nhảy múa cùng con người trong từng bước đi, từng hành động cho đến khi người ấy nhắm mắt xuôi tay. Không ai có thể thoát khỏi cái chết.
 
Trong tác phẩm “A Christmas Carol” của Charles Dickens, hình ảnh của Linh Hồn Của Những Kỳ Giáng Sinh chưa tới là hình ảnh của Tử thần. Linh hồn đến và cho nhân vật Scrooge thấy trước cái chết của ông ta.
 
Bộ phim “Meet Joe Black” năm 1998 với nam diễn viên Brad Pitt thủ vai thần chết. Bộ phim được làm lại từ “Death Takes a Holiday” được sản xuất vào năm 1934. Kịch bản nói về Thần chết dừng công việc của mình lại và sống thử cuộc sống của một người bình thường.

 
Trong bộ phim kinh dị “Scream” sản xuất năm 1996, tên sát nhân đi theo, giết chết nạn nhân trong một bộ đồ giống như hình ảnh của Tử thần.
 
Rất nhiều tác phẩm trong xã hội ngày nay sử dụng hình ảnh cái chết làm trung tâm của câu chuyện.
 
6. Kết
 
Bao giờ thì Tử thần sẽ đến với chúng ta?
 
Chúng ta sẽ được đưa đến nơi đâu?
 
Chúng ta sẽ phải làm gì?
 
Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào?
 
Những câu chuyện về chết chóc tràn ngập trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, không cần biết những câu chuyện ấy đã được kể bao nhiêu lần. Không cần biết rằng người kể chuyện đã mệt mỏi đến mức nào. Vẫn sẽ luôn tồn tại một hình bóng kiên nhẫn chờ đợi và đến với chúng ta khi quỹ thời gian của mỗi người đã cạn.