Như vậy là thương vụ sáp nhập tập đoàn lớn nhất trong năm đã không thể xảy ra. Sau nhiều tháng chờ đợi phê chuẩn của Ủy ban truyền thông liên bang (FCC), cũng như đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm cả một đơn kiện của Bộ Tư Pháp Mỹ (DOJ), AT&T trong ngày hôm nay đành phải tuyên bố "đầu hàng" và chấp nhận từ bỏ cố gắng mua lại nhà mạng T-Mobile với giá 39 tỷ USD. Trước đó, một số nguồn tin cho biết những nỗ lực của AT&T để đáp ứng yêu cầu của bên chống đối đã không thành công. Dưới đây là tuyên bố chính thức của AT&T:
Những hành động của FCC và DOJ nhằm ngăn cản thương vụ mua lại T-Mobile của chúng tôi sẽ không thể thay đổi những thực tế đang diễn ra trong ngành viễn thông không dây Mỹ. Nó là một trong những ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới, với nhu cầu mở rộng phổ sóng đang ngày càng tăng cao và cần phải được đáp ứng ngay lập tức. Sự kết hợp giữa AT&T và T-Mobile Mỹ sẽ cung cấp một giải pháp tạm thời cho sự thiếu hụt về phổ sóng của thị trường. Với thất bại này, khách hàng sẽ là những người chịu thiệt.
Từ bỏ thương vụ đồng nghĩa với việc AT&T phải trả cho T-Mobile khoản tiền hủy hợp đồng trị giá 4 tỷ USD. Số tiền này đã được AT&T chuẩn bị để trả trong quý 4, bao gồm 3 tỷ USD tiền mặt và 1 tỷ USD giá trị sổ sách của phổ sóng mà AT&T mắc nợ từ cam kết sáp nhập.