Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Thị trường Viễn thông Việt Nam chưa hoàn hảo, còn nhiều điều phải làm..."
Ảnh minh họa |
“Ngành Viễn thông hiện đã ở giai đoạn bão hòa. Việc cạnh tranh về giá cũng bão hòa. Năm 2012, doanh thu sẽ không có gì đột biến, tăng trưởng người dùng sẽ không nhiều. Xu thế 2012 nếu tăng doanh thu trung bình trên một thuê bao (ARPU) thì doanh nghiệp sẽ phải tăng giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp được cấp phép 3G sẽ phải chú ý tới các giá trị gia tăng để đem lại lợi ích cho khách hàng” là trao đổi của Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) về triển vọng thị trường Viễn thông Việt Nam 2012 do Câu lạc bộ nhà báo CNTT tổ chức chiều nay 28/12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Thị trường Viễn thông Việt Nam chưa hoàn hảo, còn nhiều điều phải làm. Nghị định 25/2011/NĐ-CP thể hiện mong muốn tạo thị trường lành mạnh của Nhà nước. Về phía Bộ TT&TT, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ hướng tới thị trường cạnh tranh hơn, cương quyết cổ phần hóa để có thị trường cạnh tranh, những bất cập, ì xèo như VNPT ì xèo về cơ chế chính sách Viettel đang được ưu đãi,... sẽ không còn".
Thái độ của Nhà nước sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề gò ép, không cho phép ra những gói cước mang tính chém giết nhau hay còn gọi là gói cước “khủng”. Điều này sẽ không mang lại lợi ích khách hàng và cho chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ bị kiệt quệ.
Trả lời quan tâm của các nhà báo ICT về việc tái cấu trúc doanh nghiệp như VNPT có phù hợp Nghị định 25/2011/NĐ-CP không? Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết việc tái cấu trúc VNPT có phù hợp hay không cần có thời gian nhưng trong giai đoạn dài là phù hợp.
Đồng quan điểm và cụ thể hơn về vấn đề cổ phần hóa để các thị trường, doanh nghiệp viễn thông phát triển, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho biết bức tranh thị trường viễn thông nên là 4 doanh nghiệp lớn còn đơn vị ủy quyền (reseller) có thể tồn tại hàng ngàn. Ví dụ, Viettel nên 100% Nhà nước; VNPT 51% Nhà nước; 1 đến 2 doanh nghiệp khác cổ phần hóa. Đàm phán WTO đã có lộ trình, phía Việt Nam chiếm cổ phần khống chế 51% so với doanh nghiệp quốc tế.
Theo ông Mai Liêm Trực 2 năm gần đây (2010 - 2011), thị trường viễn thông Việt Nam đã bộc lộ nguy cơ, thách thức của giai đoạn mới đó là nguy cơ phát triển không bền vững. Nếu đà này tiếp tục, viễn thông Việt Nam sẽ đi vào khó khăn (dù không sụp đổ). Do khủng hoảng kinh tế, đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông hạn chế, chất lượng mạng dịch vụ (rớt mạng)... Do vậy, thị trường viễn thông cần có sự điều chỉnh chiến lược.
10 năm qua, doanh nghiệp nhà nước vẫn phát triển tốt nhờ có thị trường tốt (mật độ tăng dần, giá giảm dần). Nhưng khi thị trường không còn tốt, nếu giữ 100% vốn Nhà nước thì chắc chắn chỉ còn trụ được 1 đến 2 doanh nghiệp. Dân và Nhà nước sẽ phải gánh chịu. Trong điều kiện viễn thông 10 năm tới, Chính phủ và Bộ phải vững tay sắp xếp lại doanh nghiệp, ông Mai Liêm Trực cho biết ý kiến cá nhân.