Làng công nghệ đã có một năm đầy biến động với “kẻ thành công, người thất bại”. Apple vẫn là điểm sáng của năm 2011, trong khi đó, dù Android gây ấn tượng trên thị trường điện thoại nhưng trên phân khúc máy tính bảng thì là những kết quả “ê chề”.
Cùng điểm mặt những "thành công" của làng công nghệ trong năm 2011:
Siêu máy tính Watson
Siêu máy tính Watson đã chiến thắng xuất sắc hai nhà đương kim vô địch thành công nhất của trò chơi truyền hình hàng đầu của Mỹ có tên Jeopardy! Là Ken Jennings và Brad Rutter trong “cuộc chiến” kéo dài 3 ngày. Watson chứa 2.800 bộ vi xử lý Power 7 trên 10 phiến máy chủ. Hệ thống POWER7 có thể cung cấp những năng lực hàng đầu để phân tích hàng triệu hạng mục dữ liệu và xử lý hàng nghìn tác vụ đồng thời với tốc độ rất cao, một lĩnh vực mà trước đây chỉ có siêu máy tính mới thực hiện được.
iPhone 4S không phải là sản phẩm đột phá của Apple đúng như yêu cầu của giới công nghệ. Tuy nhiên, Apple đã gây ấn tượng với “nàng trợ lý” Siri, có thể nhận diện giọng nói và trả lời các mệnh lệnh của người dùng. Mặc dù Android và Windows Phone đã gia nhập vào “lãnh địa” này nhưng Siri tiến xa hơn một bước với khả năng “phiên dịch” ngôn ngữ tự nhiên, thay vì phải dựa vào các chỉ dẫn của văn bản.
Kindle Fire thực sự thành công với số lượng đơn đặt hàng ấn tượng. Chiếc máy tính bảng đầu tiên của Amazon trở thành “ứng cử viên” sáng giá để “truất ngôi” iPad. Với giá bán siêu rẻ - 199 USD, Kindle Fire được xem như là “chiêu” kinh doanh liều lĩnh của Amazon - chấp nhận chịu lỗ phần cứng nhưng sẽ “bội thu” ở các dịch vụ nội dung hỗ trợ trên Kindle Fire.
Apple không phải là công ty duy nhất sản xuất smartphone. Khảo sát mới đây của Strategy Analytics và IDC nhận thấy Samsung đã vượt mặt Apple về doanh số smartphone. Dòng điện thoại Galaxy SII với thiết kế siêu mỏng đã giúp Samsung có được một năm bội thu. Nhà sản xuất này cũng đang gây ấn tượng bằng điện thoại Galaxy Note “khổng lồ” và Galaxy Nexus.
Thiết thiết kế mỏng hơn, nhẹ hơn và tốc độ xử lý nhanh hơn, Apple đã khiến các đối thủ “hoang mang” bởi chiếc máy tính bảng iPad 2 của mình. Trên thị trường máy tính bảng, iPad vẫn đang là “vô đối”. “Quả táo” đã bán được 40 triệu iPad tính đến tháng 10/2011.
Máy ảnh Lytro
Trong kỷ nguyên smartphone đe dọa sự tồn tại của máy ảnh số thì Lytro đã tỏa sáng bằng cuộc cách mạng mới trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Chiếc máy ảnh “chụp trước, lấy nét sau” Lytro đặc biệt cả ở thiết kế dài, hình chữ nhật. Lytro cho phép người dùng lấy nét của ảnh sau khi đã chụp ảnh. Lytro sẽ được bán ra thị trường trong năm 2012.
Trình duyệt Google Chrome đang de dọa thị phần của đối thủ Firefox. Tốc độ phát triển nhanh như vũ bão đã giúp Google Chrome nhanh chóng chiếm hơn 25% thị phần trên thị trường trình duyệt. Và rất có thể, Chrome sẽ trở thách thức lớn nhất của Internet Explorer trong năm 2012.
Những sản phẩm thất bại trong năm 2011
Windows Phone 7
Windows Phone 7 được đánh giá cao bởi thiết kế giao diện Metro UI đẹp mắt, sáng tạo và nhanh nhạy, thậm chí là tích hợp cả Xbox. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thị trường dường như còn quá “thờ ơ” với những chiếc điện thoại chạy hệ điều hành này. Theo khảo sát của Gartner, Microsoft đã bán được 1,6 triệu Windows Phone trong 3 tháng đầu năm 2011. Trong khi đó, khảo sát mới nhất của ComScore nhận thấy điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone mới chỉ chiếm 5,8% thị phần của smartphone tại Mỹ, giảm từ 13,2% so với năm 2010. Windows Phone 7 cũng bị “chê” bởi chậm cập nhật để cải tiến tính năng.
Chiếc máy tính bảng đầu tiên của RIM mới đầu được xem như là “điểm sáng” trên thị trường tablet do iPad kiểm soát. Tuy nhiên, mức giá quá cao, tính năng không nổi bật và nhiều lỗi phần mềm đã khiến RIM phải “đại hạ giá” PlayBook của mình sau khi thừa nhận hãng mới chỉ bán được 500.000 máy tính bảng ra thị trường.
Trong khi đó, HP cũng gây bất ngờ trong làng công nghệ 2011 khi tuyên bố từ bỏ hệ điều hành WebOS của mình và “đại hạ giá” TouchPad.
Máy tính bảng Dell Streak 7 cũng đã nhanh chóng bị khai tử sau khi “người anh” Streak 5 inch “chết yểu”. Streak 7 là phiên bản kế tiếp của Streak 5 nhưng lại chứa đầy lỗi phần mềm, giao diện xấu, màn hình độ phân giải thấp. Vấn đề chính của tablet này chính là giá bán quá cao, khó lòng có thể cạnh tranh được với đối thủ iPad và hàng loạt tablet Android khác vốn nổi bật hơn.
"Mua chung" Facebook Deals
Cũng chạy đua mô hình “mua chung” của Groupon và LivingSocial nhưng dịch vụ Facebook Deals chỉ tồn tại trong 4 tháng. Facebook “nhẹ nhàng” tuyên bố “phá sản” dịch vụ “mua chung” của mình để “nhường sân” cho các đối thủ, đặc biệt là Groupon.