“Chúng ta được sinh ra, chúng ta sống trên đời một thời gian ngắn ngủi, và rồi chúng ta mất đi. Chuyện đời trước giờ vẫn thế”
– Steve Jobs, 1993
Đó là quy luật cuộc sống, mỗi cuộc sống đều bắt đầu như nhau, kết thúc như nhau, chỉ có cuộc đời ở giữa là khác nhau giữa mỗi người.
Sáng lập ra Apple cùng với vài người bạn năm 1979, Apple vươn lên kể từ con số 0, trải qua những năm đầu khá thành công, nhưng như vậy không đủ, 9 năm sau đó, Steve Jobs bị sa thải khỏi chính công ty do mình sáng lập, khi việc kinh doanh trở nên khó khăn.
Nhiều người nghĩ rằng, hay ít nhất John Sculley, CEO của Apple tại thời điểm năm 1985 nghĩ rằng, Steve Jobs đã hết thời, và việc sa thải ông là một hành động cần thiết để Apple có thể thoát khỏi tình trạng trì trệ không phát triển và vươn lên một lần nữa.
Việc Steve Jobs có hết thời hay không thì còn phải bàn, nhưng việc sa thải ông khỏi Apple quả thực là nền tảng cho sự thành công của Apple. Ông thành lập NeXT Computer, một công ty èo uột về mặt tài chính nhưng đi trước thời đại về mặt tầm nhìn, hệ điều hành, hay đúng hơn là nền tảng phần mềm của NeXT chính là nền tảng cho Mac OS X, và xa hơn nữa là iOS.
Năm 1996, Apple mua lại NeXT Computer, Steve Jobs quay trở lại Apple với tư cách “người ngoài”. Không lâu sau đó, ông trở lại vị trí CEO, và những việc đầu tiên ông làm là “chém” hết những dự án vớ vẩn đang bao bọc sự phát triển của Apple, mà theo lời ông là “bóc vỏ hành, để rồi đôi khi những gì còn lại là những gì tinh túy nhất”.
Năm năm sau đó, năm 2001, Mac OS X được hoàn thành trên nền tảng của NeXT và lần đầu ra mắt công chúng, cùng với Apple Store, cùng với iPod và iTunes.
Apple chỉ trở thành một cơn sốt khiến vô số “hội những người phát cuồng vì Apple” và “hội những người phát cuồng vì hội những người phát cuồng vì Apple” mở ra ở khắp nơi trên thế giới kể từ năm 2007, khi iPhone xuất hiện, kèm theo đó là việc chuyển qua nền tảng x86 cho các máy tính của mình, cùng với những sản phẩm “cứ như của tương lai” – làm cho không biết bao nhiêu “dân trong nghề” nghi ngờ về tính thực tiễn của chúng khi ra mắt.
Ra đi quá sớm ở tuổi 56, Jobs bỏ lại một Apple mà đôi khi thành công ngoài sự tưởng tượng của chính ông. Tương lai của Apple sẽ ra sao? Sẽ thành công hơn nữa, chứng tỏ rằng vẫn còn những người như Steve Jobs ở Apple, hay sẽ chững lại cùng với sự thiếu vắng của ông, một thiên tài cả về tầm nhìn lẫn về kinh doanh cái tầm nhìn đó. Chúng ta sẽ phải chờ xem sao.