Nhịp sống số

Spaceport America - Sân bay vũ trụ tư nhân đầu tiên

Spaceport America - Sân bay vũ trụ tư nhân đầu tiên

Sân bay vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới Spaceport America đã chính thức khai trương tại sa mạc bang New Mexico, Mỹ vào hôm 18/10.

Spaceport America đã chính thức khai trương tại sa mạc bang New Mexico, Mỹ vào hôm 18/10. Đây là sân bay vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới, thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ nhằm mục đích khám phá không gian.
 
Tỷ phú Richard Branson nổi tiếng với những ý tưởng khác người. Năm 2004, ông đã sáng lập nên công ty Virgin Galactic, chủ đầu tư của dự án này.
 
Năm 2005, Virgin Galactic đã đạt được thỏa thuận với bang Mexico về việc xây dựng Spaceport America để thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ.
 
Cấu trúc Spaceport America
  
 Spaceport America (trước đây được gọi là trạm không gian khu vực Tây Nam) là một trạm không gian nằm trong vùng del Jornada Muerto, sa mạc bang New Mexico, Mỹ.
 
 
Đây là kết quả của gần hai thập kỷ những nỗ lực để thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ. Được bắt đầu xây dựng vào ngày 4 tháng 4 năm 2006 với các thiết bị khởi động tạm thời đầu tiên, cho đến nay diện tích của trạm không gian lên đến 62.000 m 2, với các thiết bị hỗ trợ và một nhà chứa máy bay có diện tích 10.233 m 2. Trạm không gian có đường băng rộng 60m với tổng chiều dài 3,2 km được xây dựng phục vụ cho việc cất cánh và hạ cánh của White Knight.
 
Trạm có 3 khu vực chính. Khu vực phía tây là các cơ sở hành chính và văn phòng điều hành Virgin Galactic và Cơ quan quản lý trạm không gian New Mexico (do thống đốc bang New Mexico bổ nhiệm, giám sát hoạt động của Spaceport America). Khu vực trung tâm bao gồm các nhà chứa máy bay, có chiều cao gấp đôi bình thường để lưu trữ White Knight và tàu vũ trụ SpaceShipTwo. Khu vực phía đông là nơi thực hiện các bài tập, các thử nghiệm để đảm bảo hành khách có đủ sức khỏe tham gia các chuyến bay, phòng khởi hành, phòng thay đồ du hành không gian, và là khu vực để tổ chức các hoạt động truyền thông.
 
Trạm được thiết kế như một máy điều hòa không khí tự nhiên, thân thiện với môi trường. Nó sẽ kết hợp với các hệ thống gió làm mát tòa nhà, hạn chế tối đa khí carbon, sử dụng năng lượng mặt trời bằng các tấm kính được lắp trên nóc tòa nhà, làm mát vào mùa hè và sưởi ấm dưới sàn vào mùa đông. Thiết kế của tòa nhà đã đáp ứng các yêu cầu của chứng nhận LEED uy tín.

 

Hiện tại Virgin Galactic đang lên kế hoạch để xây dựng một trạm vận chuyển ở trung tâm thành phố Truth hoặc lân cận để cung cấp các dịch vụ xe buýt đưa đón đến trạm không gian nhằm mục đích tham quan và khám phá.
Chi phí và vận hành
  
 Trải qua hơn 5 năm xây dựng và hoàn thiện, cho đến nay, tổng số vốn đầu tư cho Spaceport America lên đến 209 triệu USD. Các chuyến bay thử nghiệm vào không gian dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới và các chuyến bay thương mại của Virgin Galactic có thể bắt đầu không lâu sau đó. Để được triển khai các dịch vụ bay vũ trụ của mình, Virgin Galactic cần xin giấy phép từ Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA). Trước đấy, chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2007 nhưng đã không thực hiện được do gặp phải nhiều khó khăn.

 

Để được tận hưởng cảm giác 2,5 giờ trên một con tàu vũ trụ, và trải qua cảm giác không trọng lực trong 5 phút trên SpaceShip Two, du khách sẽ phải bỏ tổng chi phí là 200.000USD, số tiền đăt cọc ban đầu là 20.000 USD.
 
Trước mỗi chuyến bay, hành khách sẽ phải tham gia chương trình "Kiểm tra trước chuyến bay”, bao gồm ba ngày tại trạm không gian nhằm kiểm tra nhịp tim, sức khỏe, khả năng cân băng…để đảm bảo hành khách có thể chất và tinh thần phù hợp để thực hiện các chuyến bay.
 
Với chiều dài 18,29 m, sải cánh 8,23 m và chiều cao 4,57 m, kích thước của SpaceShipTwo khá lớn so với các thiết bị bay khác. Mỗi chuyến bay SpaceShipTwo mang trong mình sáu hành khách và hai phi công. Hành khách được ngồi cạnh hai cửa sổ lớn, một ở ngay bên cạnh và một ở ngay trên đầu cho phép quan sát được không gian vũ trụ khi đang bay. Cabin phi hành đoàn SpaceShipTwo dài 3,66 m và đường kính 2,28 m cho phép một cách thoải mái các nhà du hành vũ trụ nổi trong tình trạng không trọng lượng
 
Khi cất cánh lên từ mặt đất, tàu mẹ White Knight II sẽ mang trong mình tàu vũ trụ SpaceShipTwo bay lên đến độ cao 15.200m, sau đó tên lửa động cơ hybrid hoạt động, lúc này SpaceShipTwo tách ra khỏi White Knight II và bay với vận tốc 4.200 km/h. SpaceShipTwo sẽ giảm tốc độ khi đi qua bầu khí quyển, và mất 25 phút để lướt qua trạm không gian.
 
Cảm giác ngoài không gian là một trải nghiệm không phải ai cũng có được. Khi trở về Trái Đất, các hành khách sẽ được nhận một con tem chuyến bay vũ trụ và họ sẽ được trao giải thưởng “Nhà du hành vũ trụ” tại một buổi lễ trao giải của Virgin Galactic. Họ cũng có thể hồi tưởng lại chuyến bay của mình từ đoạn phim được quay trong các thiết bị ghi hình trên SpaceShipTwo.
 
Theo thông tin từ Virgin Galactic, đã có hơn 450 người đặt vé cho các chuyến bay vào vũ trụ. Ngoài ra, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cũng đã ký hợp đồng trị giá 4,5 triệu USD với Virgin Galactic để thực hiện 3 chuyến bay phục vụ công tác nghiên cứu. Branson và hai con của mình sẽ là những hành khách tận hưởng dịch vụ này trên chuyến bay đầu tiên của SpaceShipTwo sắp tới.