Nhịp sống số

Quan niệm sai lầm trong việc tìm mua màn hình LCD

Bạn đã từng hoa mắt trước chỉ số độ tương phản "khủng" hay những lời "có cánh" của nhà sản xuất về công nghệ "màn hình LED"?

Việc nhìn nhận đúng đắn các thông số không chỉ giúp người dùng tránh bị ‘đánh lừa’ bởi nhà sản xuất, mà còn giúp lựa chọn được những màn hình phù hợp với nhu cầu. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến những quan niệm sai lầm, mà nếu tin vào nó bạn chắc chắn sẽ mua phải một chiếc màn hình... chất lượng kèm, giá thành không hợp lý.

1. Độ tương phản càng cao càng tốt

Trước tiên, chúng ta cần hiểu được độ tương phản (contrast) của màn hình là gì. Nói một cách đơn giản, độ tương phản là sự khác biệt giữa hai màu đen và trắng. Mỗi bước giữa hai mức đen trắng gần nhau nhất được gọi là step, và càng có nhiều step trong khoảng giữa mức sáng nhất (max level) và tối nhất (min level), màn hình càng có khả năng hiển thị sắc nét. Từ đó, độ tương phản của màn hình được đo bằng thông số tỉ lệ ‘số step’:1. Ví dụ: 500:1, 600:1, 1000:1...

Tuy nhiên cần phân biệt được độ tương phản tĩnh (static contrast) và tương phản động (dynamic contrast). Độ tương phản tĩnh là tỉ lệ giữa 2 điểm sáng nhất và điểm tối nhất trên màn hình tại cùng một thời điểm xác định. Trong khi đó, độ tương phản động là chỉ số đo lường giữa điểm tối nhất và sáng nhất mà khả năng màn hình có thể đạt được. Có thể hiểu đơn giản hơn về cách đo độ tương phản động như sau: Nhà sản xuất cho màn hình chỉ hiện thị một màu tối nhất, sau đó cho màn hình chỉ hiển thị màu sáng nhất rồi đo chênh lệch giữa hai trường hợp.

 

Trong khi độ tương phản tĩnh rơi vào khoảng 1500:1 tới 2000:1 là đủ cho các màn hình hiện nay, độ tương phản động đã đạt tới con số hàng triệu, thậm chí vô hạn (?!). Có lẽ chức năng lớn nhất của độ tương phản động là để nhà sản xuất… ‘tung hỏa mù’ đối với người tiêu dùng. Như vậy, không phải cứ độ tương phản được ghi trên sản phẩm cao đã chắc là tốt.

 

2. Màn hình công nghệ LED cho chất lượng hình ảnh vượt trội so với màn LCD thông thường

 

 Trước hết, phải khẳng định cách gọi "màn hình LED" như một số quảng cáo tại Việt Nam là sai về kỹ thuật. Gọi theo cách này dễ khiến người ta lầm tưởng đây là công nghệ khác với màn LCD thông thường. "Màn hình LED" trong kỹ thuật được gọi đầy đủ và chính xác là màn hình LCD đèn nền LED (phân biệt với màn hình LCD sử dụng đèn nền âm cực lạnh CCFL).


 

 

Xét về cấu tạo, màn hình LCD bao gồm ba thành phần chính là lớp phủ, tấm phim (panel) và đèn nền. Đèn nền phía sau có nhiệm vụ chiếu sáng do lớp phủ và tấm panel không thể tự phát sáng. Do vậy nếu xét về các nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng màn hình như chất lượng màu sắc, góc nhìn…, việc đèn nền là LED hay CCFL không cho thấy sự khác biệt.

 

Không thể phủ nhận công nghệ đèn nền LED mang lại khá nhiều những lợi thế so với công nghệ CCFL truyền thống như cho độ sáng cao hơn, đồng thời tiêu thụ điện năng ít hơn so với CCFL. Nhờ đặc điểm cấu tạo, các màn hình đèn nền LED có ưu điểm thiết kế mỏng và bắt mắt. Tuy vậy, việc cân nhắc bỏ ra một khoản tiền kha khá để sử dụng màn hình LED có lẽ không quá cần thiết đối với người dùng có ngân sách eo hẹp. LCD đèn nền CCFL cũng cho chất lượng rất tốt, điện năng tiêu thụ cũng không quá cao, trong khi giá thành lại hợp lý hơn nhiều.


Xét cho cùng, những ưu điểm của đèn nền LED thực sự có ý nghĩa trên màn hình laptop - thiết bị vốn cần mỏng nhẹ, thời lượng pin dài - hơn là màn hình máy tính để bàn.

3. Thời gian đáp ứng (response time) phải thật nhanh

 

Được tính theo đơn vị ms (mili giây), thời gian đáp ứng là thời gian một điểm ảnh thay đổi từ trạng thái từ tối sang sáng rồi quay về tối (rise and fall) hoặc mức xám này sang xám khác (gray to gray). Thời gian đáp ứng càng nhanh, màn hình khi chơi game hay xem phim càng khó gặp hiện tượng bóng mờ khi hình ảnh di chuyển.

Các nhà sản xuất thường có xu hướng chạy đua về thời gian đáp ứng. Chỉ trong khoảng thời gian 5 năm, chỉ số này giảm từ 25ms xuống tới 5ms, 2ms, rồi 1ms. Tuy vậy, có cần thiết phải đầu tư những màn hình có response time thấp đến vậy?

Thực tế cho thấy, các màn hình có thời gian đáp ứng từ 8ms trở xuống, ở tần số 60Hz rất khó phát hiện thấy hiện tượng ‘bóng mờ’ với mắt thường. Chính vì vậy, việc chi thêm thêm tiền bạc cho những màn hình có thời gian đáp ứng siêu nhanh thật sự không cần thiết.

 

4. Bỏ qua yếu tố panel

 

Đã bao giờ bạn tự hỏi với cùng một kích thước, một chiếc màn hình Samsung với thông số kĩ thuật cao ngất ngưởng lại rẻ hơn rất nhiều so với LCD của Dell? Vấn đề là ở đây: 2 màn hình này sử dụng 2 loại panel khác nhau, cho chất lượng hình ảnh và góc nhìn cũng khác nhau hoàn toàn.

 

Panel hay tấm phim màn hình là một tấm phẳng chứa các tinh thể lỏng, đảm nhiệm nhiệm vụ thể hiện hình ảnh của màn hình LCD. Chất lượng hình ảnh của một chiếc màn hình được quyết định chủ yếu bởi tấm panel. Bởi vậy, tầm quan trọng của panel đối với màn hình LCD là cực kì lớn.

Phổ biến nhất hiện nay là ba loại panel TN, VA và IPS. Các sản phẩm màn hình giá rẻ thường sử dụng panel TN. Trong khi đó, IPS là panel cao cấp nhất với giá thành cũng cao rất cao, thường được sử dụng cho công việc thiết kế đồ họa đòi hỏi độ khắt khe, chính xác về màu sắc.

 

Nếu bạn chỉ quan tâm đến kích cỡ màn hình để phục vụ những công việc không đòi hỏi quá cao về chất lượng màu sắc, màn hình panel TN và VA sẽ là lựa chọn hợp lý với giá thành phải chăng. Ngược lại, nếu là một người khó tính với công việc thường xuyên phải thiết kế in ấn, LCD panel IPS là lựa chọn không thể thay thế.
 
Thời gian qua, thị trường khá "sốt" với sản phẩm màn hình Dell UltraSharp U2311H, Dell UltraSharp U2312H. Cũng không có gì quá khó hiểu bới với mức giá 4-4,5 triệu, sẽ rất khó để bạn mua được một sản phẩm màn hình LCD panel IPS như thế ở Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, một bộ phận người dùng có kinh nghiệm vẫn luôn quan tâm đến yếu tố panel.

 

5. Tỉ lệ khung hình 16:9 “chuẩn” hơn so với 16:10
  
 Nhìn thoáng qua, sự khác biệt giừa hai tỉ lệ trên là không nhiều. Trên thực tế, với cùng một kích thước đường chéo, màn hình có tỉ lệ 16:10 cho diện tích làm việc lớn hơn 16:9 khoảng 6%. Con số này tuy không lớn nhưng cho cảm giác về khác biệt tương đối rõ rệt.

 

Nhiều người vẫn có quan niệm màn hình 16:9 mới là “chuẩn” của màn hình wide, đặc biệt phù hợp đối với phim ảnh HD. Do đó khi xem phim, màn hình 16:9 sẽ cho hình ảnh vừa khít với màn hình màn hình. Tuy vậy cần phải nhìn nhận rằng, không phải bất cứ bộ phim nào hiện nay cũng sử dụng tỉ lệ này. Thay vào đó, tỉ lệ 21:9 đang dần dần trở thành một chuẩn mới. Như vậy nếu dùng để xem phim, màn hình 16:9 vẫn bị hai dải đen phía trên và dưới màn hình đối với bộ phim 21:9.

 

Một điều quan trọng, đối với bất kì người dùng máy tính nào, xem phim chắc chắn không phải công việc duy nhất thực hiện trên màn hình. Các game máy tính hiện nay hầu như đều hỗ trợ cả hai tỉ lệ màn hình với độ phân giải thích hợp. Cùng với đó, khi sử dụng các tác vụ văn bản, photoshop, duyệt web hay làm việc với nhiều cửa sổ cùng lúc, màn LCD 16:10 với diện tích lớn hơn chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.