Nhịp sống số

Nước Mỹ- từ Đông sang Tây (kỳ 8)

Kỳ 8: California và Little Saigon

<>

California, còn được gọi tắt là Cali, là tiểu bang đông dân nhất của Hoa kỳ với dân số lên tới 36 triệu người trên diện tích 410 ngàn km2, diện tích lớn thứ 3 trong các tiểu bang ở Hoa kỳ. California nằm ven bờ biển phía Tây nước Mỹ và có tới hàng trăm khu đô thị. Hai khu vực đô thị lớn nhất California là Los Angeles và vùng vịnh San Francisco chiếm tới 68% dân cư của bang, hai thành phố lớn khác là San Diego và San Jose. Californiacũng là bang có nhiều người gốc Việt sinh sống nhất.

Có khoảng 3 triệu người gốc Việt sinh sống tại Hoa kỳ, và là cộng đồng dân tộc gốc Á lớn thứ tư tại Mỹ, sau cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc Ấn Độ và người Mỹ gốc Philipin. Tại bang California, người Việt tập trung sinh sống làm ăn buôn bán khá đông tại quận Cam (Orange). Đối với nhiều người gốc Việt đang sinh sống trên đất Mỹ, Little Saigon tại quận Cam, California được xem như một trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Việt, nhất là vào dịp lễ tết.

Tuy nhiên khi đi từ bờ Đông sang bờ Tây đất nước cờ hoa này, trên đường đi ta có thể nhiều lần bắt gặp hình ảnh quen thuộc mô phỏng chợ Bến Thành hay những biển hiệu “Phở”, “Hủ tiếu’, vài ngôi chùa được viết tên bằng chữ quốc ngữ Việt Nam trước cửa một căn nhà hay trên lầu hai của một tòa chung cư, không có mái cong và chạm trổ rồng phượng, cạnh đó có thể lại là phòng khám nha khoa hay cửa hiệu làm móng, cửa hàng bán quần áo…Những cửa hàng này được sắp đặt mang dáng vẻ Việt Nam. Đối với phần lớn người Mỹ, Little Saigon là tên gọi chung cho các khu thương mại của người Việt cũng như China Town là tên gọi chung cho các khu phố người Hoa trên lãnh thổ của Hợp chủng quốc.

Cửa hiệu của người Việt ở Hoa kỳ

Chúng tôi đến tham quan một khu thương mại Little Saigon của người Việt ở California. Ấn tượng đầu tiên ngay khi bước chân vào là nhìn thấy tượng võ thần tài Quan Công mặt đỏ râu dài, bức tượng rất lớn, đó là khu vực thờ cúng, tâm linh. Sàn gạch men sạch bong, một tấm thảm lớn được trải thay cho chiếc chiếu dành cho người quỳ lễ. Hòm công đức được đặt ngay kế bên. Trên một chiếc bàn đặt phía trước tượng Quan Công còn có cả một cái ống đựng những chiếc thẻ tre ghi số để người đến lễ có thể gieo quẻ. Thế thì quẻ sẽ viết tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hoa và ai sẽ là người đọc quẻ, giảng quẻ? Khá tò mò, chúng tôi cũng xin gieo quẻ để lấy số và được chỉ dẫn để tìm tờ giấy ghi quẻ của mình ngay trong chiếc tủ mái cong cạnh đó. A, nó được viết bằng tiếng Việt và là những câu thơ khá trúc trắc khó hiểu. Có tiếng rì rầm phía sau, thì ra một bác cao tuổi người Việt, khoảng U70, đang giảng quẻ cho một anh U50, cũng người Việt. Các cửa hàng quanh đó, tầng trên, tầng dưới đều là người Việt bán hàng, có người khoe mới sang cách đây hai tháng trước. Hàng hóa được bán ở Little Saigon tương tự như hàng hóa bán ở chợ Bến Thành hay chợ An Đông. Mặt hàng quần áo có màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ có lẽ chủ yếu để bán cho người Việt. Không nhiều người Mỹ gốc Âu hay gốc Phi ra vào mua sắm ở đây.

Đi dạo một lúc mỏi chân, tôi nhìn thấy hai chiếc ghế matxa chân và một người phụ nữ khoảng hơn sáu chục tuổi đon đả mời “Chỉ 2 đô la thôi”. Tôi ngồi xuống và đưa hai tờ 1 USD cho người phụ nữ lớn tuổi đó. Nhưng bà không cất vào ví mà cẩn thận nhét từng tờ 1 USD vào cái khe ở tay ghế, bấm nút và máy matxa chân bắt đầu chạy. Bà giải thích rằng ghế đó tự động nhận tiền bà chỉ hướng dẫn giúp bởi hàng ngày ngồi nhà buồn quá, bà bắt xe bus đi hai giờ đồng hồ đến đây để được nói chuyện với đồng hương rồi đến chiều lại đi xe bus hai giờ đồng hồ trở về nhà. Bà sang đây ở với con gái đã sáu năm, hàng ngày con và cháu đi làm, bà không biết tiếng Mỹ và cũng không thể ghé sang hàng xóm chơi như ở Việt Nam. Bà đi lại khá nhanh nhẹn với đôi giày thể thao nhưng lại vận áo quần kiểu bà ba nam bộ. Chút rầu rĩ trong giọng nói khi bà kể về một làng quê miệt vườn Châu Đốc, bà nhớ những đứa con, đứa cháu nghèo vẫn đang sống ở đó cùng những hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn chia nhau miếng trầu lá thuốc, nơi “khổ vật chất nhưng sướng tinh thần” còn sống trên đất Mỹ đối với bà là nơi “sướng vật chất khổ tinh thần”. Một bà lớn tuổi khác cũng đi giày thể thao và ăn vận theo lối cũ kỹ đi qua rồi dừng lại, sau khi gạ tôi xem bói với giá “chỉ 5 USD thôi” nhưng gặp cái lắc đầu quầy quậy của tôi thì bà mới đến quay sang nói chuyện với bà ngồi cạnh ghế matxa. Họ đều chung nỗi niềm xa xứ, không có tiền nên dẫu nhớ quê hương cũng chẳng thể trở về, sống trên đất Mỹ mà không hiểu được tiếng Mỹ…Little Saigon quả là một may mắn cho các bà và những ai cùng cảnh.

Đã hết mỏi chân, tôi tiếp tục dạo bước trong Little Saigon. Phòng vé máy bay ở tầng hai, toàn nhân viên trẻ, họ làm việc nhanh nhẹn, tự tin và chu đáo với khách hàng. Hầu hết sinh ra, lớn lên và được học hành trên đất Mỹ, họ không có nỗi niềm của người xa xứ và việc về Việt nam (hay là đến Việt Nam) chỉ là hơn chục giờ ngồi trên máy bay mà những người họ hàng hay bạn bè thì có thể trò chuyện hàng ngày trên internet. Với những người hay di chuyển, Little Saigon hay California chỉ là điểm dừng chân trong hành trình.

<>Lời kết:

Ký sự “Nước Mỹ - từ Đông sang Tây” đăng trên ICTpress cũng xin được dừng ở đây bởi Little Saigon, Las Vegas, San Francisco, California, Washington DC hay NewYork… chỉ là những điểm dừng chân tham quan trong hành trình du lịch nước Mỹ và du lịch nước Mỹ cũng chỉ là một trong vô số những chuyến đi thú vị. Sẽ gặp lại các bạn với những bài viết về các chuyến du hành đến các địa danh hấp dẫn khác. Chúc các bạn may mắn trong hành trình của mình. Cảm ơn và hẹn gặp lại.  

<>Anna Nguyễn

Những con tàu chờ rời bến ở San Francisco bang California