Theo thống kê mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, thị phần của Google Android trên tổng số smartphone bán ra tại thị thị trường Mỹ đã không ngừng tăng trưởng kể từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, đạt 53%. Trong khi đó, Apple iOS chiếm thị phần 29% và có dấu hiệu chững lại. Đáng buồn nhất là RIM khi thị phần của BlackBerry OS tiếp tục giảm xuống còn 11%. RIM và nhiều công ty khác đã từng nắm giữ các vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng của NPD, tuy nhiên, do những quyết định kinh doanh sai lầm trong quá khứ, họ đang mất dần vị thế của mình trên thị trường smartphone Mỹ.
Giám đốc điều hành bộ phận Connected Intelligence của NPD Group - Ross Rubin nói: "Viễn cảnh cạnh tranh trong thị trường smartphone vốn đang được tái định hình bởi Apple và Google đã buộc mọi nhà sản xuất thiết bị phải thực hiện các động thái chuyển đổi quan trọng. Đối với họ, năm 2012 sẽ là một năm quyết định để xác định tầm ảnh hưởng của mình."
Google mua lại Motorola:
Thị phần kinh doanh smartphone của Motorola từng chiếm 1/3 thị trường Mỹ (36%) vào quý 4 năm 2006. Tuy nhiên, vào quý 3 năm 2009, thị phần của Motorola đã sụt giảm thê thảm, chỉ còn 1%. Sau khi tiếp nhận Android, thị phần của hãng tăng trở lại đến 16% vào quý 4 năm 2010 trước khi giảm còn 12% vào quý 3 năm 2011. Theo Rubin: "Android đã giúp Motorola trở lại thị trường smartphone mặc dù hiện tại Google đang tìm cách sử dụng các bằng sáng chế của Motorola để bảo vệ Android."
Sự sa sút của RIM:
Rubin cho biết: "Một số công ty như RIM cảm thấy sự tác động tiêu cực từ việc thay đổi sang giao diện cảm ứng và tăng kích thước màn hình, tuy nhiên, công ty này cũng đang khởi động trở lại với nền tảng kĩ thuật mạnh mẽ và hệ điều hảnh cải tiến." Nếu như hồi quý 2 năm 2006, RIM chiếm đến một nửa trên tổng số smartphone bán ra thì đến quý 3 năm 2011, tỉ lệ chỉ còn 8%. Nhằm chuẩn bị trước khi giới thiệu các smartphone hoạt động trên nền tảng thế hệ mới, RIM cũng đã thực hiện một số cải tiến đáng kể trong năm nay với việc cho ra mắt BlackBerry OS 7. RIM hiện tại xếp thứ 5 trong số các nhà sản xuất smartphone, đứng sau Apple, HTC, Samsung và Motorola.
Nokia tiếp nhận Windows Phone:
Một trong những câu chuyện động trời nhất trong năm nay chính là việc Nokia hợp tác với Microsoft để sử dụng nền tảng Windows Phone trên các smartphone của mình. Theo Rubin: "Nokia và Microsoft gần như phải tạo dựng mọi thứ từ con số 0 để ghi dấu ấn thành công giữa tính nhất quán của iPhone và tính linh hoạt của Android." Mặc dù hệ điều hành kì cựu Windows Mobile của Microsoft từng chiếm đến 50% thị phần vào quý 2 năm 2007, thế nhưng người kế nhiệm Windows Phone 7 tính đến nay chỉ đạt trên dưới 2% thị phần kể từ thời điểm phát hành quý 4 năm 2010.
Nhìn chung, cục diện về thị phần các nền tảng di động trong năm nay vẫn thiên về Android và iOS. "Gã già gân" BlackBerry OS đang tìm cách vực dậy trong khi "chàng trai trẻ" Windows Phone vẫn chưa ghi được dấu ấn nào đáng kể. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng Windows Phone là một nền tảng đầy tiềm năng và BlackBerry OS 10 cũng được cho là con bài chiến lược của RIM. Vì vậy, năm 2012 dự đoán sẽ là một năm cực kì sôi động và chúng ta hãy chờ xem liệu RIM có vực dậy một cách ngoạn mục như Motorola đã làm hay không và Windows Phone có thực sự mang tính đột phá để giành lại thị phần đã mất của Windows Mobile hay không. Hạ hồi phân giải!
Được biết, thông tin do NPD cung cấp được lấy từ các hệ thống Mobile Phone Track và Smartphone Track. Cả 2 hệ thống đều thu thập dữ liệu từ người tiêu dùng Mỹ, độ tuổi trên 18, không tính các công ty/tổ chức.