Nhịp sống số

Những sai lầm lớn đẩy Nokia xuống sát vực thẳm

Những sai lầm lớn đẩy Nokia xuống sát vực thẳm

Nhiều người cho rằng Nokia đã dại dột khi trao quyền vào tay Stephen Elop và khiến họ đánh mất ngôi vương, nhưng thực ra, công ty Phần Lan đã gặp nhiều vấn đề từ trước khi CEO này tới đây.

Nếu Nokia phá sản và thất bại, không ai có thể đổ lỗi cho Stephen Elop. Ngai vàng của Nokia bắt đầu lung lay từ khá lâu, có chăng chỉ là Elop đã góp phần đẩy nó đổ xuống nhanh hơn.

Ảnh
Nokia đang đón một tương lai ảm đạm, trừ khi họ thành công với dòng điện thoại Lumia

Họ trải qua một năm thua lỗ nặng nề, bán thương hiệu điện thoại hạng sang Vertu với giá "rẻ mạt" 250 triệu USD, chuẩn bị sa thải 10.000 nhân viên (khoảng 10% nhân lực của hãng) và đóng cửa hàng loạt nhà máy trên khắp toàn cầu trong năm 2013.

Dù Nokia đang đến hồi kết, giới phân tích cho rằng Elop vẫn có cơ hội để vực lại công ty này bằng cách nhìn nhận và rút kinh nghiệm từ những "mầm mống thất bại" trước đó. Vậy những nguyên nhân này do đâu?

Nokia không chịu sản xuất điện thoại gập

Một trong những sai lầm đầu tiên và lớn nhất của Nokia là không bắt kịp xu hướng điện thoại vỏ sò, từng làm mưa làm gió ở Mỹ và nhiều thị trường khác đầu thập kỉ trước.

Trước khi trào lưu đó xuất hiện, Nokia có vị trí rất cao tại Mỹ. Người ta có cảm giác ai ai cũng sở hữu một điện thoại dạng thanh của hãng Phần Lan. Nhưng các sản phẩm thời trang của đối thủ dần đẩy người dùng sang xu hướng vỏ gập. Đáng nhớ nhất là Motorola RAZR. Thành công của nó thể hiện rõ qua việc nó ăn dần thị phần của Nokia.

Nokia phản hồi bằng việc cho ra lò nhiều hơn nữa... điện thoại dạng thanh. Vị trí thống trị (có thời chiếm tới 2/3 thị phần) giú hãng bán được những model giống hệt nhau ra nhiều nước mà vẫn thu về lợi nhuận lớn thay vì phải vất vả tùy biến chúng cho phù hợp từng nhóm người dùng. Việc không sản xuất điện thoại vỏ gập không làm ảnh hưởng đến ngai vàng của, nhưng Nokia phải trả giá bằng việc đánh mất thị trường Mỹ và báo hiệu cho sự đi xuống về sau.

Ảnh
Motorola RAZR và xu hướng máy gập là dấu hiệu đầu tiên về sự đi xuống của Nokia

Sau sai lầm, Nokia tảng lờ thị trường Mỹ

Việc không thể (hoặc không muốn) cho ra đời điện thoại tùy biến phù hợp với thị trường Mỹ khiến Nokia khó hợp tác với các hãng viễn thông. Họ "một mình trên xa lộ" tiến vào Mỹ bằng cách mở cửa hàng riêng tại các thành phố lớn và bán trực tiếp thiết bị cho người dùng thay vì thông qua nhà mạng. Nhưng do không được trợ giá, giá bán sản phẩm cao ngất nên chỉ những người thực sự trung thành mới sẵn sàng mua.

Trong khi đó, với vị trí khiêm tốn hơn, Samsung, LG và Motorola rất sẵn lòng đàm phán để mang đến các gói sản phẩm - dịch vụ phong phú cho người dùng. Nokia dần bị cô lập.

Nokia không nhận ra mối đe dọa từ Apple

Trong khi người ta đã quá quen với các nền tảng Windows Mobile, Palm OS hay Nokia Symbian. iPhone bất ngờ xuất hiện, làm rúng động thị trường và thay đổi quan niệm của mọi người về điện thoại thông minh. Còn Nokia thì vẫn mải mê trên đỉnh cao với thị phần bỏ xa đối thủ nên không nhận ra nguy cơ sắp đến.

Họ chủ quan một phần vì mức giá 500 USD của iPhone cách đây nửa thập kỉ là khá đắt, khiến nó được xếp vào phân khúc hạng sang. Nhưng sau khi Apple thỏa thuận xong với AT&T để hạ giá xuống 200 USD, nó lập tức thành sản phẩm đại trà và đủ mạnh để đe dọa bất cứ công ty điện thoại nào. Nó còn có một vũ khí là App Store, nơi "trói chân" khách hàng trong thế giới ứng dụng chỉ hoạt động duy nhất trên nền iOS. Vị trí của Nokia bắt đầu bị xói mòn.

Nokia dựa vào Symbian quá lâu

Trước đây, người sử dụng chấp nhận Symbian vì nó không thua kém các nền tảng khác. Nhưng iPhone ra đời, Symbian lập tức thành một sản phẩm già cỗi, không năng động. Khi Nokia chưa kịp trở tay, họ tiếp tục bị giáng một đòn mạnh nữa là sự nổi lên của Google Android.

Android mang đến một hệ điều hành hiện đại, đủ sức để cạnh tranh với iPhone và lập tức, một loạt hãng sản xuất đi theo. Motorola đang loay hoay tìm sự sáng tạo thời kì "hậu RAZR" nên toàn tâm toàn ý cho Android. HTC nhờ Android đã nổi lên thành một thương hiệu lớn trong làng điện thoại. Samsung và LG gia nhập chậm hơn nhưng cũng gặt hái thành công. Món quà cho Samsung khi chọn Android chính là danh hiệu hãng smartphone số một thế giới hiện nay.

Nokia, một lần nữa "chủ quan khinh địch", vẫn chìm đắm với Symbian cho tới khi Stephen Elop xuất hiện, họ mới quyết định không coi Symbian là hệ điều hành chủ đạo trong sản phẩm của họ nữa.

Nokia chọn sai nền tảng tiếp theo

Khi đã không coi là nền tảng chính, họ vẫn tiếp tục dùng dằng với Symbian sau đó vì nỗ lực tạo ra một hệ điều hành smartphone hoàn toàn mới của họ thực sự là một thảm họa. Ai còn nhớ Maemo? Nokia hẳn muốn người ta đừng nhắc đến nữa.

Maemo ra đời với sứ mệnh trở thành nền tảng thế hệ mới cho điện thoại Nokia. Intel, cũng muốn tham gia thị trường smartphone, đã phát triển một nền tảng riêng có tên Moblin. Năm 2010, hai công ty hợp nhất sản phẩm của họ thành MeeGo - một sự hợp tác không mang lại lợi ích gì mà chỉ làm chậm hơn lộ trình của Nokia. Meego hiện hoạt động trên N9 - một chiếc điện thoại đẹp mắt, sang trọng, nhưng hệ điều hành thì đã chết vì hãng Phần Lan không còn mở rộng nó nữa.

Ảnh
Nokia vẫn còn một cơ hội nữa là điện thoại Lumia.

Họ đã có một quyết định khác: bắt tay với Microsoft sản xuất điện thoại Windows Phone. Elop từng ví Nokia như người đàn ông đứng trên con thuyền bốc cháy giữa sông và họ buộc phải vật lộn với dòng nước lạnh thay vì đứng chờ chết cháy trên thuyền. Và giới phân tích chỉ hi vọng, với dòng Lumia, Nokia sẽ đủ sức, đủ niềm tin và đủ sáng suốt để bơi vào được tới bờ.

Theo VnExpress/CNET