Nhịp sống số

Những điểm sáng tối trong lịch sử của Apple

Apple dưới sự chèo lái của “thầy phủ thủy” Steve Jobs luôn nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm thành công, nhưng không ít trong số đó, là những sự thất bại đáng quên. Dưới đây là những thành công tiêu biểu và sự thất bại đáng thất vọng nhất trong lịch sử Apple.

5 thành công đáng nhớ nhất của Apple

Hệ điều hành MacOS X

Tháng 5 năm 2000, CEO của Apple lúc đó, Steve Jobs đã giới thiệu hệ điều hành dành cho máy tính cá nhân Mac OS X tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu WWDC. Đây là phiên bản hệ điều hành nâng cấp từ hệ điều hành Mac OS trước đây mà Apple đã từng phát triển từ năm 1984.

Steve Jobs giới thiệu Mac OS X tại Hội nghị WWDC 2000

“Quả táo” đã đặt rất nhiều tham vọng vào hệ điều hành Mac OS X trong việc “chạy đua” với Microsoft trên thị trường hệ điều hành máy tính, tuy nhiên, Mac OS X vẫn chưa thể vượt qua Windows trên thị trường này.

Dù vậy, Mac OS X vẫn được xem là một sự thành công dưới triều đại của Apple, khi nó đã trở thành hệ điều hành phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau Windows và số lượng người dùng vẫn liên tục tăng trong thời gian qua.

Máy tính cá nhân iMac G3

Năm 1998, Apple trình làng chiếc máy tính iMac G3, là phiên bản đầu tiên của dòng sản phẩm máy tính cá nhân iMac nổi tiếng của Apple và vẫn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Tương tự như dòng iMac ngày nay, iMac G3 là chiếc máy tính tất cả trong 1, khi tất cả các đơn vị của hệ thống được tích hợp chung vào chiếc màn hình. Đây cũng là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới không trang bị ổ đĩa mềm, và nổi trội với chuột máy tính hình trong đặc trưng.

iMac G3 đã giúp Apple có lại một năm lợi nhuận đầu tiên, sau thời kì khủng hoàng từ năm 1995, và giúp Apple vượt qua nguy cơ đổ vỡ.

Máy nghe nhạc iPod

Kể từ khi được ra đời vào năm 2001, nhiều người đã gọi iPod là “cuộc cách mạng” làm thay đổi cách thức mà mọi người nghe nhạc. Người dùng đã dần từ bỏ các loại máy nghe nhạc di động bằng đĩa CD để thay thế bằng iPod, một thiết bị mà Steve Jobs đã gọi là “thiết bị chứa mọi thư viện nhạc bạn yêu thích nằm gọn trong túi”.

iPod đã giúp Apple lập nên những doanh thu kỉ lục trong nhiều năm sau đó, và hiện nay, đây vẫn là thiết bị nghe nhạc di động bán chạy nhất trên toàn cầu, chiếm đến 70% thị phần thiết bị máy nghe nhạc. Đây chính là tác nhân dẫn đến “cái chết” của tên tuổi Walkman danh tiếng của Sony và trên hết, với sự ra mắt iPod, Apple đã dần một thường hiệu trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

iPhone - Điện thoại đầu tiên mang thương hiệu Apple

Nếu iPod được xem là “cuộc cách mạng” làm thay đổi cách nghe nhạc, thì iPhone chính là sản phẩm “cách mạng” đã làm thay đổi cả nền công nghệ di động. Được giới thiệu lần đầu vào năm 2007, đây là chiếc smartphone đầu tiên được trang bị màn hình cảm ứng đa điểm, cho phép người dùng điều khiển thiết bị với một giao diện tương tác mà không cần thông qua nút bấm.

Doanh số của iPhone vẫn liên tục tăng đều trong những năm qua, mỗi phiên bản mới của iPhone được ra mắt đều được xem là “một quả bom tấn” của Apple. Tháng 6/2010, Apple trình làng chiếc điện thoại thế hệ thứ 4 của mình, iPhone 4, và đây là sản phẩm thành công nhất trong lịch sử của Apple, với lượng tiêu thụ 1,7 triệu chiếc chỉ trong vòng 3 ngày. Mới đây nhất, vào hồi tháng 10 vừa qua, thế hệ mới nhất, iPhone 4S cũng đã Apple trình làng.

Máy tính bảng iPad

Thêm một sản phẩm mang tính tiên phong mới của Apple, và mở ra một chương mới trong thời đại công nghệ.

Đã từ lâu, Apple đã cố gắng để lấp đầy khoảng trống giữa điện thoại di động và máy tính cá nhân, nhưng đa phần đều thất bại. Nhưng rồi cuối cùng, khi Apple trình làng máy tính bảng iPad vào năm 2010, thì đây thực sự là một sản phẩm thành công. Hơn 1 triệu chiếc iPad đã được tiêu thụ trong vòng chưa đầy 1 tháng sau khi được trình làng, nhanh hơn gấp 2 lần so với iPhone.

Cùng với sự ra mắt của iPad, một thị trường công nghệ mới được nổ ra, với sự ganh đua của hàng loạt những chiếc máy tính bảng khác. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, iPad vẫn cho thấy sự thống trị của mình trên phân khúc thị trường do chính Apple tạo ra này.

5 thất bại đáng quên nhất của Apple

Máy tính cá nhân Power Mac G4

Khác với “người anh em iMac”, Power Mac G4 là chiếc máy tính có kích cỡ nhỏ gọn, nhưng yêu cầu một màn hình riêng để sử dụng, được Steve Jobs giới thiệu vào năm 2000, với niềm tự hào và gọi “đây đơn giản là chiếc máy tính tuyệt vời hơn bao giờ hết”.

Tuy nhiên, rất tiếc mọi điều không diễn ra đúng như Steve Jobs và Apple mong đợi. Chưa đầy 1 năm sau dó, Apple đã phải đưa ra thông báo tuyên bố “khai tử” Power Mac G4 vì doanh thu thảm hại.

Máy tính cá nhân Apple Lisa

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1983, Steve Jobs đã sử dụng tên gọi của người con gái ngoài giá thú mà mình đã từng phủ nhận (Lisa Brennan-Jobs) để đặt cho thế hệ máy tính cá nhân nay, như một cách để bày tỏ sự ân hận vì hành động đó của mình.

Tuy nhiên, với mức giá lên đến gần 10.000 USD, là một mức giá quá cao cho một chiếc máy tính cá nhân vào thời điểm bấy giờ, kèm theo đó, Apple Lisa bị đánh giá là hoạt động khá chậm. 1 năm sau đó, Apple đã phải “lên đời” sản phẩm bằng Lisa II tuy nhiên, kết cục vẫn không hề khá khẩm hơn, và Apple đã phải “khai tử” sản phẩm của mình một thời gian ngắn sau đó.

Nhiều nguồn tin cho biết, Apple đã phải “thải” những chiếc máy tính Lisa chưa tiêu thụ của mình ra một bãi rác ở bang Utah, Mỹ.

Thiết bị cá nhân MessengePad

Quay trở lại vào năm 1990, khi PDA đang thống trị trên thị trường công nghệ, thì Apple cũng đã “bắt kịp xu thế” khi cho ra mắt chiếc PDA của riêng mình, với tên gọi MessagePad, hoạt động trên nền tảng hệ điều hành Newton OS do chính Apple xây dựng và phát triển.

Tuy nhiên, đây lại là một thất bại khác của Apple, khi trang bị quá nhiều tính năng phức tạp khiến người dùng khó khăn trong việc sử dụng, thiết kế nặng nề, rườm rà và khả năng nhận diện chữ viết tay kém cõi… chính là những lí do chính khiến MessagePad bị xem là một trong những “sự thất vọng” của Apple.

Máy ảnh QuickTake

QuickTake là chiếc máy ảnh đầu tiên và duy nhất của Apple, là một trong những chiếc máy ảnh kĩ thuật số xuất hiện sớm nhất trên thị trường, ra mắt vào năm 1994. QuickTake cho phép người dùng chụp được 8 hình ảnh với kích cỡ 640x480, 32 hình ảnh kích cỡ 320x240 hoặc kết hợp cả 2.

Với mức giá khá cao (gần 750 USD), QuickTake không có doanh thu tốt và không thể cạnh tranh với các “ông lớn” trong thị trường máy ảnh như Kodak, Fujifilm, Canon hay Nikon… vốn đã có mặt trên thị trường máy ảnh trước Apple khá lâu, điều này khiến Apple đã phải “khai tử” chiếc máy ảnh kĩ thuật số của mình vào năm 1997, 3 năm sau khi được chính thức trình làng.

Dịch vụ MobileMe

Được ra mắt vào năm 2008, tuy nhiên, ngay cả bản thân Steve Jobs cũng tiên đoán vào một sự thất bại của hệ thống lưu trữ dữ liệu trên nền điện toán đám mây MobileMe của Apple.

Dịch vụ này sau đó đã chịu nhiều sự đánh giá khắc nghiệt và không được hoan nghênh bởi người dùng. Thậm chí, ngay trong thời gian đầu được xuất hiện, MobileMe đã gặp phải những khó khăn với các hệ thống máy chủ và nhiều vấn đề khác, khiến Apple phải gửi lời xin lỗi đến người dùng và đền bù bằng 30 ngày sử dụng dịch vụ miễn phí.

Theo nhiều nguồn tin nội bộ Apple, Jobs đã có một sự trừng phạt nghiêm khắc đối với các thành viên trong nhóm phát triển dịch vụ MobileMe, và mỉa mai họ đã làm lu mờ đi danh tiếng của Apple, và khuyên các thành viên của nhóm phát triển nên… căm thù lẫn nhau vì họ đã làm thất vọng lẫn nhau”.

MobileMe đã bị khai tử vào giữa năm nay và thay thế bằng dịch vụ iCloud.