Nhịp sống số

Nhật thiết kế “cảm tử quân” vi rút - kamikaze

Nhật thiết kế “cảm tử quân” vi rút - kamikaze

Các chuyên gia Nhật Bản đang thiết kế một dạng mã vi tính đặc biệt, với mục tiêu là để truy lùng và tiêu diệt các loại vi rút mã độc tấn công máy tính.

 

Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,3 triệu USD để hãng Fujitsu xây dựng một đội cảm tử quân “kamikaze” vi rút, có thể tự sao chép và xóa sổ các vi rút khác. Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng nước này đã bắt đầu phát triển vi rút cảm tử từ năm 2008.

Mục tiêu của cơ quan trên là làm sao sở hữu được dòng vi rút có khả năng phân tích những cuộc tấn công mạng và thậm chí xác định được nguồn gốc của các mã độc. Có vẻ đây là khắc tinh của sâu Stuxnet hoặc Duqu, vốn đã làm nhiều chính phủ và các tập đoàn lớn trên thế giới điêu đứng trong thời gian qua. Sức tấn công và lây lan mãnh liệt của sâu Stuxnet và Duqu là lí do chúng còn có tên “bom hydro” của thế giới mạng.

Chiến tranh mạng rõ ràng đang tăng nhiệt từng ngày, như Fox News dẫn lời Dave Aitel, Tổng giám đốc và CEO của Công ty an ninh Immunity Inc. Theo Aitel, cơ chế tự sinh sôi của vi rút là phần quan trọng đối với kho vũ khí ảo của bất kì quốc gia nào. Và người Nhật đang nỗ lực trang bị công cụ đối phó hữu hiệu trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc này.

Vũ khí phòng thủ an ninh mạng do Fujitsu hướng đến tiêu chí có thể đánh hơi thấy một vụ tấn công và lần theo dấu vết của kẻ phá hoại để tìm về tận hang ổ của nó.

Jeff Bardin, Giám đốc an ninh thuộc Công ty tình báo mạng xã hội Treadstone 71, cho rằng mô hình vi rút kamikaze của Nhật đại diện cho một cấp độ mới của cuộc chiến tranh mạng. Fox News dẫn lời chuyên gia Bardin nhận xét rằng dù sớm hay muộn dòng vi rút đó cũng ra đời, và sự xuất hiện của nó có thể đẩy con người vào một cuộc chiến tranh mạng toàn diện. “Loại vi rút máy tính nguy hiểm nhất sẽ không được sử dụng trừ phi chiến tranh mạng bùng nổ, hoặc ai đó muốn kích động một cuộc chiến tranh như vậy,” theo Bardin.

Đối mặt với viễn cảnh u ám như vậy, một vũ khí như Nhật Bản đang nỗ lực sở hữu rất cần thiết cho bất cứ nước nào. Tuy nhiên, một số chuyên gia tranh luận rằng liệu những vi rút “tốt” có phải là ý tưởng hoàn hảo hay không? Nếu trở thành kẻ “nổi loạn”, các vi rút đó có thể lây lan nhanh chóng khiến chúng khó bị kiềm chế, theo chuyên gia Graham Cluey của Công ty an ninh Sophos. Nhưng chuyên gia Aitel của Immunity lại không đồng ý với lập luận trên, sau khi các cuộc thử nghiệm ban đầu cho thấy dùng vi rút chống vi rút tỏ ra hiệu quả.

Theo báo Yomiuri Shimbun, những cuộc thí nghiệm tại Fujitsu cho thấy vi rút cảm tử phát huy tác dụng. Giáo sư Đại học Keio là Motohiro Tsuchiya cho rằng Nhật Bản nên tăng tốc độ phát triển vũ khí ảo vì hiện có những quốc gia cũng đã tiến hành các dự án tương tự.