Sở hữu một chiếc SIM đẹp là chuyện không khó với một người có hầu bao rủng rỉnh, nhưng để sở hữu một chiếc SIM đúng như ý muốn lại không phải là chuyện mà ai muốn cũng có thể được đáp ứng.
Từ nhu cầu của những “thượng đế” lắm tiền nhiều của, nghề “săn” SIM đã dần hình thành như một xu thế tất yếu.
Với số lượng hàng nghìn cửa hàng kinh doanh SIM đẹp như thế này thì để tìm ra được chiếc SIM cần “săn” đang ở đâu không phải là chuyện đơn giản.
Những trò đùa ác ý
Một thợ “săn” SIM ở TP. HCM đến nay vẫn khó quên chiếc SIM có số 0919xx9999 do một người có tên L. ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang sở hữu. Theo đánh giá của giới “săn” SIM, chiếc SIM này cũng không quá đặc biệt bởi đây chỉ đơn giản là SIM VinaPhone đầu cổ (dải đầu số được bán ra trong những năm đầu tiên) và tứ quý 9. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của nó là L. đã ba lần gật đầu đồng ý mức giá 35 triệu đồng, 45 triệu đồng và 60 triệu đồng từ phía ba thợ “săn” SIM, nhưng cả ba đều không thể giao dịch thành công.
Sở dĩ có chuyện này là ở cả ba lần, người chủ sở hữu đều cố tình tránh mặt khi những thợ “săn” SIM đã lặn lội đường xa đến tận Long Xuyên, An Giang để giao dịch. Lần thì viện lí do để yêu cầu tăng giá, lần khác thì nói đang ở xa, và thậm chí là không nghe máy dù biết thợ “săn” đã đến tận nơi giao dịch. Nhắc đến chiếc SIM này, một trong ba thợ “săn” SIM từng là nạn nhân chỉ lắc đầu: “Đa phần chủ SIM chỉ cố tình gây khó khăn để tăng giá bán, nhưng lần này thì không hiểu người bán đang cố tình đùa giỡn hay muốn tăng giá trị chiếc SIM. Vừa tốn chi phí đi lại mà quan trọng nhất là mất uy tín khi đã báo với khách hàng là sẽ mua được”.
Nghề không trải hoa hồng
Trên thực tế, đây chỉ là một tai nạn điển hình mà những ai đã theo nghề “săn” SIM phải chấp nhận. Thoạt nghe, chắc hẳn nhiều người có thể cho đây là nghề đơn giản, bởi với quyền hạn của một đại lí, thợ “săn” SIM dễ dàng có được thông tin của người đang sở hữu chiếc SIM cần “săn” để tiến hành thương lượng. Tuy nhiên, để đạt đến “cảnh giới” xem đây là một nghề đơn giản thì người thợ “săn” SIM cũng phải hội tụ được nhiều yếu tố.
Thợ “săn” SIM phải qua nhiều giao dịch trung gian mới có thể đưa một số SIM đẹp đến tay khách hàng.
Trước hết, thợ “săn” SIM phải có mối quan hệ mật thiết với ít nhất một người kinh doanh SIM ở mỗi một tỉnh thành trên toàn quốc để tiện cho việc giao dịch. Giải thích cho điều này rất đơn giản, chẳng hạn để đem một chiếc SIM từ Hà Nội về TP. Hồ Chí Minh, người “săn” SIM phải tận dụng mối quan hệ để nhờ một thợ SIM khác ở Hà Nội cùng người bán sang tên tại một đại lí của nhà mạng, rồi sau đó mới tiến hành sang tên lại cho mình hoặc khách hàng.
Thế nhưng gặp trường hợp cả người bán, người mua lẫn thợ “săn” SIM đều không ở cùng một khu vực thì mọi việc sẽ rắc rối hơn: Hoặc là thợ “săn” SIM phải đến trực tiếp từng nơi để giao dịch, hoặc phải chấp nhận qua bốn lần sang tên trung gian để đưa chiếc SIM đến tay khách hàng. Trường hợp này tuy có thể rút ngắn phần nào bằng giao dịch ngầm giữa hai thợ “săn” SIM ở một đại lí quen biết, nhưng việc này có thể nảy sinh rắc rối về sau cho đại lí đó bởi đây là việc làm trái với nguyên tắc của nhà mạng.
Đã có không ít trường hợp thợ “săn” thiếu kinh nghiệm bị chính người mình nhờ giúp đỡ cướp SIM mà cũng đành chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chính vì vậy mà đối với nghề “săn” SIM, giữ mối quan hệ mật thiết với những người trong nghề là chuyện rất quan trọng nếu không muốn bị thị trường đào thải.
Tuy vậy, việc “săn” một chiếc SIM đẹp đúng ý khách hàng không chỉ đơn giản tận dụng mối quan hệ để tìm kiếm và sang tên mà còn phải qua nhiều công đoạn rất phức tạp. Trước tiên, thợ “săn” SIM phải xác định chiếc SIM đó đã được kích hoạt hay chưa, hoặc đã kích hoạt thì ai đang sở hữu. Gặp trường hợp SIM đã kích hoạt thì đơn giản hơn, thợ “săn” chỉ cần nhờ mối quan hệ với nhà mạng để có được thông tin của chủ sở hữu và tất cả những số điện thoại khác mà người này đang nắm giữ (việc này trên thực tế là trái nguyên tắc). Thông thường, một người sở hữu nhiều SIM đẹp thường không sử dụng cùng lúc tất cả mà chỉ sử dụng từ 1-3 SIM để giao dịch hằng ngày. Chính vì thế mà nhiều lúc những chiếc SIM đẹp tuy đã được kích hoạt nhưng lại trong tình trạng “ò í e”, và một thợ “săn” SIM có kinh nghiệm phải có được những số điện thoại khác của chủ sở hữu thì mới có thể liên lạc để thương lượng.
Muốn thành công, thợ “săn” SIM phải có mối quan hệ mật thiết với ít nhất một người kinh doanh SIM ở mỗi một tỉnh thành trên toàn quốc.
Việc thương lượng cũng không hề đơn giản bởi rất khó để thuyết phục chủ sở hữu từ bỏ chiếc SIM đang sử dụng, trừ khi khách hàng đồng ý trả với mức giá quá cao để mua được nó. Từng có trường hợp cùng một chiếc SIM nhưng có đến ba thợ “săn” SIM có ý định muốn mua. Lúc này, những thợ “săn” lại vô tình “giẫm chân” lên nhau, và người chủ sở hữu lại có cơ hội… làm giá cho chiếc SIM vốn không mấy giá trị.
Trong quá trình “săn” SIM, gặp trường hợp chiếc SIM đó chưa từng được kích hoạt thì việc “săn” được nó còn khó khăn hơn rất nhiều. Lúc này, người thợ “săn” SIM phải tìm kiếm qua nhiều kênh mới mong xác định được chiếc SIM đó đang do cửa hàng nào sở hữu. Thế nhưng nếu chiếc SIM đó vẫn nằm trong kho SIM của nhà mạng thì việc lấy ra lúc này là gần như không thể. Nếu có thì cũng phải giao dịch qua nhiều trung gian mới có thể đưa nó đến tay khách hàng.
Và ngược đời hơn, khó khăn cuối cùng lại chính là những “thượng đế”. Không phải khách hàng nào cũng “chịu chơi, chịu chi” để thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh như đi lại, ăn ở cho thợ “săn” SIM để tìm được chiếc SIM như ý. Rất nhiều trường hợp SIM đã “săn” được nhưng khách hàng lại viện lí do không lấy hoặc tìm cách trả giá thấp hơn. Đến nước này, thợ “săn” SIM dù tức cũng đành miễn cưỡng chấp nhận bởi đây là một thực tế mà hầu hết những người theo nghề đã phải lường trước.
Theo echip