Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chỉ đạo chuyển giao EVN Telecom sang Viettel. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu VNPT cơ cấu lại hai mạng di động MobiFone và Vinaphone theo hướng đề nghị Chính phủ cho sáp nhập với nhau sẽ khiến thị trường di động bị giảm tính cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chỉ đạo chuyển giao EVN Telecom sang Viettel.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP) cho rằng, xu hướng chung của thị trường viễn thông các nước trên thế giới thường có 3 – 4 hãng lớn nắm phần lớn thị phần. Chẳng hạn như Trung Quốc có 3 mạng gồm China Mobile, China Unicom, China Telecom; Mỹ có 4 “đại gia” là AT&T, T-Moblie, Verizon, Sprint… Theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2011, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần. “Nếu trong 3 “ông lớn” biến mất 1 “ông”, chỉ còn lại 2 thì về lí thuyết, tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm đi. Sẽ có rủi ro là 2 “ông” bắt tay nhau để quyết định thị trường”, ông Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm nêu trên, Luật sư Trần Vũ Hải (Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải) cũng cho rằng, khi thị trường di động chỉ còn 2 mạng lớn là VNPT và Viettel sẽ không có lợi cho người tiêu dùng. Không loại trừ trường hợp 2 “nhà mạng” này “bắt tay” nhau tìm cách diệt trừ các hãng khác với những phương thức “bắt tay” khó nhận biết. Thị trường viễn thông luôn cần phải có 2 – 3 đơn vị nhỏ cùng tồn tại bên cạnh các “ông lớn” để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường. Việc duy trì 1 – 2 “ông lớn” là điều tối kị đối với bất kì thị trường viễn thông nào muốn đảm bảo tính cạnh tranh. Cũng chính vì lí do này mà gần đây, Chính phủ Mỹ kiên quyết phản đối việc AT&T dự định sáp nhập với T-Moblie.
Phân tích một khía cạnh khác của câu chuyện sáp nhập 2 nhà mạng thuộc VNPT, ông Lê Hồng Hà chia sẻ: “Nếu sáp nhập MobiFone – VinaPhone thì VNPT sẽ chiếm tới gần 60% thị phần, khi đó sẽ lại nảy sinh vấn đề về luật cạnh tranh”. Tuy nhiên, nhận định này đã bị Luật sư Trần Vũ Hải phản bác. Theo ông Hải, VNPT không cần lo chuyện sẽ bị liệt vào dạng “tập trung thị trường” bởi vì họ chỉ cơ cấu bộ máy tổ chức để tuân thủ Luật Viễn thông chứ không phải diện tập trung thị trường mà Luật Cạnh tranh quy định.
“Theo quan điểm của tôi, VNPT cần cổ phần hoá MobiFone theo hướng VNPT nắm giữ 20% theo Luật Viễn thông, Công ty Đầu tư vốn kinh doanh Nhà nước nắm giữ 31% (để đảm bảo phần vốn Nhà nước đạt tối thiểu 51%), một đối tác nước ngoài khác giữ 20% (nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được 20% vốn của MobiFone thì Nhà nước có thể dễ dàng thu 1 - 2 tỉ USD, thậm chí có thể cao hơn), còn 29% còn lại bán ra công chúng (có thể chưa bán ngay bây giờ mà bán lần lượt sau này). Một MobiFone cơ cấu như vậy sẽ là chất xúc tác để cạnh tranh lành mạnh cho các “đại gia” viễn thông trước hết về chất lượng dịch vụ. Mặt khác, nếu thương hiệu MobiFone được đưa lên thị trường chứng khoán thì sẽ có thể hùng mạnh như Vinamilk”, luật sư Trần Vũ Hải khuyến nghị và nói: “Giả sử tôi là VNPT thì sẽ tập trung vào 1 thương hiệu để giảm chi phí hoạt động. Và nếu chỉ tập trung 1 thương hiệu, thì theo con mắt của một nhà kinh doanh, VNPT cần bán “phần ngon” MobiFone để thu tiền. MobiFone là một công ty độc lập còn VinaPhone không hoạt động như một doanh nghiệp độc lập mà chỉ là đơn vị phụ thuộc VNPT”.
Đồng tình với phương án VNPT nên tiến hành cổ phần hoá, song ông Lê Hồng Hà bày tỏ sự nghi ngại về quyết tâm của VNPT trong công việc này bởi MobiFone vẫn đang là “nguồn sống chủ lực” của VNPT (chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng MobiFone đang giữ tới 50% lợi nhuận của Tập đoàn này). Nếu cổ phần hoá, VNPT sẽ chỉ có thể nắm giữ tối đa 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của MobiFone, đồng nghĩa nguồn thu của Tập đoàn sẽ sụt giảm mạnh.