Microsoft đang gây tranh luận khi đưa ra khá nhiều yêu cầu về phần cứng đối với các sản phẩm sử dụng hệ điều hành của hãng.
Một vấn đề gây tranh cãi hiện nay là liệu các nhà cung cấp phần mềm có nên kiểm soát phần cứng chạy sản phẩm của họ (giống như Apple) hay chỉ nên tập trung phát triển phần mềm và để cho đối tác phần cứng tự do quyết định cách ứng dụng phần mềm lên thiết bị họ sản xuất (giống như Google)? Theo truyền thống, Microsoft áp dụng cả hai phương pháp – mặc dù gần đây họ có xu hướng học theo mô hình của Apple nhiều hơn.
Mỗi phương pháp đều đem về lợi thế và hạn chế nhất định nên không nhất thiết phải xác định cách nào đúng, cách nào sai. Ví dụ như, chắc chắn việc kiểm soát phần cứng sẽ giúp hạn chế vấn đề xung đột và không tương thích, cũng như giúp quy trình xử lí sự cố được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Trong khi đó, nếu các hãng phần mềm không đề ra yêu cầu và để cho các nhà sản xuất phần cứng được tự do làm những gì họ muốn, sẽ có thêm nhiều thiết bị cho khách hàng lựa chọn, dẫn đến tăng tính cạnh tranh trên thị trường và giảm giá thành sản phẩm.
Microsoft giữ quyền kiểm soát
Trong 5 năm qua, thị trường smartphone đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2006, Symbian vẫn còn thống trị thế giới với các tên tuổi lớn khác như RIM, Microsoft. Một năm sau, Apple giới thiệu iPhone và mọi thứ thay đổi.
Nhiều người coi iPhone mới đích thực là smartphone đầu tiên, đưa giao diện cảm ứng lên ngôi và biến smartphone thành thiết bị ai cũng mơ ước. Trước thời của iPhone, Windows Mobile đã từng là một “tay chơi” có hạng trên thị trường nhưng rồi phải lùi bước trước iPhone. Microsoft nhận ra, để tiếp tục sống sót thì cần phải thay đổi. Khi Microsoft tuyên bố họ chuẩn bị “làm lại” toàn bộ hệ điều hành di động của mình dẫn tới sự ra đời của Windows Phone 7, người ta suy đoán Microsoft có thể xây dựng và xuất xưởng điện thoại di động của riêng hãng.
Tuy nhiên, có thể vì chưa muốn đối đầu với tất cả các đối tác phần cứng mà Microsoft đã tạo dựng quan hệ từ thời Windows Mobile, Microsoft chọn cách thức truyền thống hơn, đó là cấp giấy phép sử dụng hệ điều hành cho những nhà sản xuất điện thoại di động nổi tiếng như HTC và Samsung - các hãng đang sản xuất những điện thoại Android bán chạy nhất.
Mặc dù Microsoft dành quyền sản xuất phần cứng cho các hãng thứ ba, khác với Windows Mobile, Windows Phone 7 đòi hỏi các yêu cầu phần cứng tối thiểu khắt khe và nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Mỗi chiếc smartphone Windows Phone 7 phải đạt các yêu cầu tối thiểu về độ phân giải màn hình, mạng viễn thông, kết nối Wi-Fi, CPU, RAM, bộ nhớ, cổng kết nối, cũng như một số yêu cầu khác như GPS, máy đo gia tốc, la bàn, cảm biến đo khoảng cách, camera 5 chấm hoặc lớn hơn, màn hình cảm ứng điện dung, các nút phần cứng cụ thể… Đó đều là các thông số kĩ thuật nổi bật của những mẫu smartphone hàng đầu hiện nay.
Lợi cho Microsoft, khó dễ cho đối tác
Việc giới hạn cấu hình tối thiểu như trên rõ ràng có lợi cho Microsoft khi trải nghiệm hệ điều hành mới sẽ hoàn hảo và ít trở ngại hơn, Microsoft nhờ đó gây được tiếng tăm và giành được lòng tin của người dùng cho nền tảng mới ra mắt. Ví dụ cụ thể là các sản phẩm điện thoại Windows Phone 7 vẫn có tiếng là ít gặp lỗi.
Hơn nữa, trong khi Windows Phone 7 là nền tảng mới tham gia trận chiến đã bắt đầu cách đây 4 năm (kể từ khi iPhone xuất hiện), việc cạnh tranh với kho ứng dụng của iOS và Android rõ ràng là cuộc đấu không cân sức. Vì vậy, Microsoft muốn tranh thủ thời gian phát triển kho ứng dụng của mình càng sớm càng tốt. Vì yêu cầu phần cứng nghiêm ngặt của Windows Phone 7, công việc của các lập trình viên cũng được đơn giản hóa và rút ngắn hơn khi họ không phải lo nghĩ nhiều về cấu hình tối thiểu của thiết bị.
Mặt khác, trong khi Microsoft được lợi thì người bị thiệt thòi lại là các đối tác phần cứng của họ. Vì yêu cầu phần cứng quá nghiêm ngặt, việc phát triển các thiết bị trở nên kém linh hoạt hơn, nhà sản xuất ít lựa chọn hơn nên sự đa dạng của sản phẩm bị thu hẹp lại. Các nhà sản xuất phần cứng phải vật lộn tìm ra “kẽ hở” trong ràng buộc phần cứng để tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Tới thời điểm hiện tại, họ đã làm được điều này khá tốt. Bốn đối tác phần cứng hiện tại của Microsoft bao gồm Dell, HTC, Samsung và LG đã ra mắt nhiều mẫu smartphone khác nhau với đủ kích cỡ màn hình, dung lượng bộ nhớ, thông số camera. Tuy nhiên, vì yêu cầu thông số kĩ thuật khá cao nên các nhà sản xuất này cũng khó tham gia thị trường bình dân với Windows Phone 7.
Microsoft đã “nhượng bộ”?
Trong tuần này, các website ngập tràn tin tức thông báo Microsoft đã hạ thấp yêu cầu phần cứng cho Windows Phone. Thay đổi lớn nhất là các thiết bị không bắt buộc phải có camera và la bàn.
Một số nhà bình luận cho rằng Microsoft đã nhượng bộ các nhà sản xuất muốn cung cấp điện thoại Windows Phone “bình dân” để giảm giá dòng sản phẩm. Một số khác lại suy luận điều này từ thị trường doanh nghiệp mà tại đó các công ty vẫn cấm điện thoại có camera vì lí do an ninh.
Dù thế nào đi nữa, đây vẫn là một động thái tốt khi có những khách hàng không muốn hoặc không cần điện thoại có chức năng camera, cân nhắc thêm cả những nguy cơ rõ ràng khi cho phép mang camera vào các môi trường chứa thông tin có độ nhạy cảm cao.
Tuy nhiên, có thể sẽ nảy sinh vấn đề về quan hệ công chúng nếu bạn đặt ra các tiêu chuẩn, thực hiện trong một thời gian dài rồi sau đó lại từ bỏ chúng. Đối với một số người, đây đơn giản chỉ là thay đổi của Microsoft về chiến lược kinh doanh, nhưng cũng có những người coi đây là tín hiệu Microsoft đang “thua” hoặc “khuất phục” các nhàagrave; cung cấp phần cứng.
Mục tiêu cuối cùng của Microsoft là gì?
Mối liên minh hợp tác giữa Microsoft và Nokia, sau 8 tháng, đã đem về những mẫu điện thoại Windows Phone đầu tiên là Lumia 800 và Lumia 710 với mức giá khá cao. Điều này khiến một số người cho rằng các yêu cầu phần cứng của Microsoft đối với đối tác là có chủ đích, rằng Microsoft muốn tạo ra tiếng tăm cho Windows Phone 7 là hệ điều hành dành cho smartphone cao cấp với trải nghiệm mượt mà trước khi gã khổng lồ phần mềm bước vào kinh doanh phần cứng, và khi đã ra sản phẩm mới của riêng mình, Microsoft hạ thấp yêu cầu để lấy lòng đối tác và tăng thị phần cho Windows Phone 7. Tuy nhiên, nhiều người lại coi các “yêu sách” của Microsoft giống như sự “độc đoán quái dị” của Apple – sự “độc đoán quái dị” không hiểu có thực sự cần thiết hay không.
Nếu Microsoft thực sự muốn tham gia vào ngành kinh doanh phần cứng, đây sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Còn nếu ngoài mục đích này, Microsoft nên đối xử với các đối tác của mình theo đúng nghĩa hai từ “đối tác”, thay vì hành động như các bậc phụ huynh đề ra quy tắc bắt con cái phải noi theo. Hãy chờ xem Microsoft sẽ thực hiện biện pháp nào đối với Windows 8.