Nhịp sống số

Mặt trái của mã nguồn mở

Mã nguồn mở! Đó là từ mà Google thường dùng để nói về lợi thế của Android so với iOS. Dù không thể phủ nhận những lợi ích mà Android mang lại, độ mở của nền tảng này cũng chứa trong nó những nhược điểm. 
 
Kindle Fire dùng Android làm hệ điều hành, nhưng Android của Kindle Fire chẳng hề mang tí bản chất Android của Google nào trong đó. Không hề có sự xuất hiện của các ứng dụng thường thấy của Google. Tệ hơn nữa, một ngày đẹp trời giữa tháng nay, Amazon đã chuyển hướng tất cả các yêu cầu truy cập vào trang Android Market (market.android.com) sang Appstore của mình.
 
Điều này xảy ra ngay cả khi trình duyệt Silk dành riêng cho Kindle Fire bị vô hiệu hóa. Mặc dù hiện tại, Amazon đã cho phép truy cập vào trang chợ ứng dụng của Google, nhưng chúng ta đều biết rằng người dùng Kindle Fire không thể cài đặt ứng dụng từ Android Market nếu không root thiết bị.
 
Rõ ràng, Amazon đã sử dụng Android cho mục đích riêng của hãng. Trớ trêu ở chỗ những mục đích đó đi ngược lại hoàn toàn những lợi ích mà Google muốn thu được từ hệ điều hành mở của mình. 
 
Nói gì thì nói, Google không phải là một công ty từ thiện và ai cũng biết Google chẳng phải cho không Android. Mặc dù phát hành miễn phí đến tất cả các hãng sản xuất, mục đích cuối cùng của Google với Android vẫn là kiếm tiền bằng cách ăn chia phần trăm số tiền bán ứng dụng.
 
Nhưng ứng dụng chỉ là phần nhỏ. Tiền Google kiếm được nhiều nhất từ Android là nội dung, tìm kiếm và quảng cáo. Amazon đã kiểm soát ứng dụng, nội dung với Kindle Fire. Và cũng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như 1 ngày Google Search cũng không còn được tích hợp mặc định trong Kindle Fire. Thay vì đó, Amazon sẽ kí 1 thỏa hiệp với Microsoft để đưa Bing trở thành công cụ tìm kiếm trên máy tính bảng của mình. 
 
Tính "mở" của Android có nguy cơ phản lại Google.

Nếu điều đó xảy ra, Google dường như không có bất cứ lợi ích nào từ Kindle Fire, mặc cho tablet của Amazon vẫn đang chạy Android. Tệ hơn nữa cho Google là Kindle Fire hiện là một trong những máy tính bảng Android bán chạy nhất trên thị trường.
 
Nhưng đó là mới chỉ nói về tablet. Android vẫn đang thống trị smartphone. Điều đó đúng. Và Amazon hiện vẫn chưa tham gia thị trường này. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các tin đồn là chính xác và Facebook sẽ phát hành 1 điện thoại chạy 1 Android được tùy biến.
 
Điều gì sẽ xảy ra nếu Facebook sử dụng Android theo cách mà Amazon làm với Kindle Fire?. Facebook sẽ tạo kho ứng dụng riêng, có dịch vụ thanh toán riêng và dịch vụ nội dung riêng của mình, đồng thời thỏa thuận với Microsoft để đặt Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định. Nên nhớ rằng Microsoft và Facebook cũng đã có những thỏa thuận về công cụ tìm kiếm với nhau. Đồng thời Microsoft cũng là cổ đông của Facebook. 
 
Không chỉ là câu chuyện riêng của Google với Amazon, Facebook, Microsoft, các hãng sản xuất trên khắp thế giới đã và đang sử dụng Android theo cách riêng của mình giống như Amazon đã làm. Có những tùy biến đem lại lợi ích cho Google và cũng có những tùy biến không. Điều gì sẽ xảy ra nếu HTC, Samsung cũng dùng Android theo cách của Amazon. Chỉ có 1 hãng duy nhất Google biết chắc chắn sẽ không dùng Android theo cách riêng, đó chính là Motorola.
 
Với thị phần ngày càng tăng, người ta đang so sánh sự thống trị của Android với sự thống trị của Windows trong những năm 1980, 1990. Tuy nhiên, một sự khác biệt cơ bản giữa Android và Windows là hệ điều hành của Microsoft không hề “mở” tí nào. Bạn muốn dùng Windows, bạn phải trả tiền cho Microsoft. Bạn không thể tùy biến nó nếu không muốn gặp Microsoft ở tòa để giải quyết kiện tụng.
 
Hãy thử tưởng tượng Microsoft cũng phát hành miễn phí Windows như cách Google làm với Android, liệu Windows có được vị trí thống thị như ngày nay?. Có lẽ có, giống như cách Android thống trị smartphone hiện nay. Nhưng Microsoft sợ rằng 1 đối thủ sẽ tạo ra 1 phiên bản Windows tốt hơn. Đó chính là mối nguy thực sự mà Google hiện đang phải đối mặt.