Nhịp sống số

“Mặt trái” của các phát minh công nghệ thay đổi thế giới

Khi iTunes ra đời, ngành công nghiệp kinh doanh băng đĩa nhạc chao đảo. Việc mua bán nhạc số trực tuyến dễ dàng, khiến doanh thu băng đĩa nhạc truyền thống sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, nếu nói đó là “mặt trái” của iTunes thì không đúng, bởi nếu không có dịch vụ này, những người yêu thích nghệ thuật ở những vùng xa xôi của thế giới sẽ khó có thể tiếp cận được với các bản nhạc, đĩa nhạc mà họ yêu thích vốn chỉ được bán hạn chế ở một vài thị trường.

Do vậy, khái niệm “mặt trái” của những phát minh công nghệ thay đổi thế giới không thể hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen. Và ranh giới giữa “trái”, “phải” cũng rất mong manh.

Apple iPod


Apple ra mắt chiếc máy nghe nhạc số iPod vào năm 2001. Trước khi có iPod, dòng sản phẩm Walkman của Sony gần như thống trị thị trường âm nhạc “xách tay”. Mặc dù được đánh giá là chất âm hơn hẳn dòng nhạc số sau này, nhưng Walkman lại bị hạn chế bởi thời lượng 90 phút của các băng cassette, không thể thỏa mãn hết những khao khát của các tín đồ âm nhạc.

Không chỉ có thiết kế gọn nhẹ, thời trang hơn hẳn những chiếc máy chạy băng cassette, dung lượng của những chiếc máy nhỏ xinh iPod có thể lên tới 160 GB, đủ sức chứa một kho nhạc số nghe liên tục 50 ngày. Do đó, thật khó bắt người tiêu dùng phải trung thành với các máy nghe băng cassette. Và “mặt trái” là Walkman đã bị ngừng sản xuất từ tháng 10/2010.

Amazon Kindle

 


Amazon.com từng báo cáo rằng, hãng đã bán được nhiều sách điện tử hơn sách in truyền thống trong quý cuối cùng của năm 2010. Mặc dù hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng, sách điện tử sẽ thay thế sách in giấy, nhưng quả thực là một bộ phận không nhỏ người thích đọc sách đang chuyển dần sang loại hình sách điện tử, đặc biệt sau khi Amazon ra mắt chiếc máy Kindle nhỏ gọn, mỏng như một cuốn tạp chí nhưng sức chứa cực lớn, lên tới 3.000 đầu sách.

Thư điện tử (Email)


Email có vẻ như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người hiện đại. Phương thức nhận và gửi nhanh chóng, không bị giới hạn bởi số chữ, mực và cả giấy, email đã khiến cuộc sống của con người thay đổi. “Mặt trái” của phát minh này đương nhiên là thư từ truyền thống. Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng, đọc thư viết tay vẫn hấp dẫn hơn và vì thế ngành bưu chính vẫn còn ‘dư địa”.

Điện thoại iPhone


Điện thoại di động quả thực là một phát minh có tính cách mạng. Không bị vướng víu bởi dây nhằng nhợ, người sử dụng có thể mang vác chúng đi bất cứ nơi nào và gọi bất kỳ lúc nào (dĩ nhiên là phải có sóng và tài khoản còn tiền). Khái niệm xa cách không gian dường như đã bị thu hẹp lại.

iPhone lại là một cuộc cách mạng khác. Không chỉ dừng ở việc nghe gọi, nhắn tin thông thường, iPhone đã mang tới cho người dùng cả một thế giới giải trí. Người dùng có thể gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh, chơi trò chơi với chất lượng vượt trội hơn nhiều smartphone khác. Mặc dù, điện thoại di động truyền thống vẫn có đất phát triển, nhưng không thể không thừa nhận là iPhone cùng các smartphone đang ngày một lấn lướt phân khúc điện thoại bình dân.

Netflix


Trước khi có Netflix, các cửa hàng cho thuê băng đĩa thực sự hốt bạc. Nhu cầu giải trí bằng phim ảnh là một phần của cuộc sống con người, nhất là ở những quốc gia công nghiệp. Tuy nhiên, ngành dịch vụ cho thuê băng đĩa đã thay đổi khi Netflix ra đời vào năm 1997. Mô hình kinh doanh mới này đã cách mạng hóa thị trường video gia đình. Thay vì phải tới tận cửa hàng tìm kiếm băng đĩa để thuê và mang chúng về nhà, người dùng có thể lên mạng chọn và Netflix gửi tới tận nhà người thuê qua đường thư tín.

Một lý do khác đã mang lại thành công cho Netflix là người thuê băng đĩa có thể giữ sản phẩm bao lâu tùy ý mà không phải trả thêm bất cứ đồng nào vì để quá hạn. “Mặt trái” của sự thành công từ Netflix là tập đoàn cho thuê băng đĩa truyền thống Blockbuster phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 9/2010.

Máy chữ số


Chiếc máy đánh chữ đầu tiên trên thế giới được phát minh vào thập niên 1970, từng được coi là một cuộc cách mạng công nghệ khi ấy. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới đã được ra đời gắn liền với sản phẩm này. Tuy nhiên, với thiết kế đơn giản, chiếc máy đánh chữ chỉ phục vụ vào việc soạn thảo văn bản. Những tài liệu cầu kỳ hơn, cần phông chữ hoa lá cành, vẫn phải “viện” tới những người viết chữ đẹp.

Tới thập niên 1980, những phiền toái đó đã được giảm bớt khi những chương trình máy tính thân thiện như Microsoft Word ra đời. Không chỉ cung cấp tính năng soạn thảo văn bản, các trình ứng dụng này còn giúp người dùng xử lý, cách điệu hoặc trang trí cho văn bản bằng nhiều hiệu ứng khác nhau. Và cũng từ đây, những chiếc máy đánh chữ ngày càng ít thấy trong tầm mắt của nhiều người.

Nghệ thuật tạo hình số


Trong nhiều thập kỷ, các hiệu ứng đặc biệt trên phim ảnh buộc phải làm bằng kỹ thuật thủ công. Tuy nhiên, ngày nay, người ta có thể dùng máy tính để làm nên những hiệu ứng này, từ đó giảm thiểu những chi phí không cần thiết. Lấy ví dụ, để làm nên được một chuyển động trong phim hoạt hình, với kỹ thuật trước đây, phải tốn rất nhiều giấy mực để khiến người xem có thể cảm nhận được nhân vật trong phim đang cử động, nhưng với kỹ thuật số, việc này đơn giản hơn nhiều.

Không chỉ như vậy, nghệ thuật tạo hình số còn góp phần giảm bớt những pha diễn nguy hiểm. Trước đây, khi có những cảnh quay rủi ro cao, người ta phải cậy nhờ tới những diễn viên đóng thế. Không ít trường hợp người đóng thế bị thương, bị tàn tật hoặc thậm chí là thiệt mạng do tình huống diễn xuất quá nguy hiểm, nhưng với phương pháp tạo hình số, những rủi ro này đã được giảm bớt triệt để.

Thương mại điện tử


Trước đây, người tiêu dùng muốn mua sắm bắt buộc phải tới các cửa hàng để chọn lựa sản phẩm và thanh toán tại chỗ. Với những người bận rộn, việc có thời gian rảnh rỗi đi mua sắm là điều rất khó khăn. Nhờ sự phổ biến của Internet, một loại hình kinh doanh mới đã ra đời: Mua sắm và thanh toán trực tiếp trên mạng.

Không chỉ hấp dẫn dân văn phòng, nhiều người nhàn rỗi cũng thích mua sắm bằng hình thức này, bởi sự tiện lợi, không mất thời gian đi lại và nhất là có thể vừa mua sắm vừa làm việc nhà. Nếu phát minh thương mại điện tử có mặt trái, thì có lẽ đó là doanh số bán sụt giảm tại các cửa hàng kinh doanh truyền thống.

iTunes


iTunes là một chương trình chơi nhạc số, nhưng quan trọng hơn, nó là một kho nhạc trực tuyến, nơi các bản nhạc có thể được mua bán và được tải về trực tiếp. Ngoài âm nhạc, iTunes còn bán cả game, phim ảnh, nhạc chuông điện thoại… Apple ra mắt iTunes vào năm 2001, cùng năm với sự kiện công bố iPod.

Việc ra mắt iTunes đã tác động mạnh tới ngành công nghiệp âm nhạc. Doanh số bán đĩa CD nhạc đã giảm mạnh trước sự lên ngôi của nhạc số. Năm 2008, iTunes còn được ghi nhận là gian hàng bán lẻ âm nhạc số một ở Mỹ. Tuy nhiên, theo một số người sành nghe nhạc thì âm nhạc số không thể cho chất âm như đĩa nhạc truyền thống. Do vậy, đĩa nhạc CD vẫn sẽ tiếp tục được lên kệ.



Vài năm gần đây, doanh thu của các đại lý du lịch truyền thống đã giảm sút khá nhiều, do sự ra đời của hàng loạt trang web cung cấp dịch vụ tương tự như Kayak, Expedia hay Orbitz. Không chỉ mang tới cho người dùng các tour du lịch, những website này còn cung cấp sách hướng dẫn, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên. Rõ rang, lĩnh vực kinh doanh mới này đã và đang tác động tới các hãng du lịch truyền thống.