Bạn vừa đi du lịch về, có rất nhiều ảnh muốn chia sẻ cho bạn bè, người thân nhưng kiểu chép đĩa các tập tin thì lại quá đơn điệu. Vậy tại sao chúng ta không tạo một slideshow ảnh, có đầu phim, có hiệu ứng và có thêm nhạc nền để phần thưởng thức thêm thú vị? Tinh Tế sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng phần mềm ghép ảnh và tạo phim một cách tự động là PulpMotion Advanced 3 cho Mac OS và ProShow Gold cho Windows để tạo cho mình một đoạn slidshow. Mình sẽ chia làm hai phần hướng dẫn cho mỗi phần mềm là cơ bản và nâng cao. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu trước phần cơ bản cho PulpMotion Advanced 3 (từ đây sẽ gọi là PA cho gọn).
Trước hết, bạn cần có tập tin cài đặt và hướng dẫn cách cài. Bạn có thể tải về tại đây. Lưu ý quan trọng nhất: Máy bạn không mạnh lắm thì hãy nhớ lưu thường xuyên nhé. Lỡ nó mà bị lỗi, đóng lại là bạn mất sạch những gì chúng ta đã biên tập đấy!
Bước 1: Tạo dự án mới, thêm ảnh vào dự án
Sau khi cài xong, bạn khởi chạy chương trình. Để tạo một dự án mới, ta sẽ vào menu File > New. Hộp thoại mới xuất hiện sẽ liệt kê sẵn một số chủ đề được ứng dụng tích hợp sẵn. Những chủ đề này khá đẹp, lại được bố trí sẵn khung chữ và bố cục nên bạn hãy chọn lấy một kiểu phù hợp với nội dung những ảnh bạn cần làm slideshow. Để minh họa, mình sẽ chọn chủ đề "Books" bằng cách nhấp đôi chuột vào hình tương ứng.
Giao diện chính của ứng dụng sẽ xuất hiện với hai thành phần: khung quản lí các nội dung đa phương tiện (Media Manager) và phần làm việc của PA. Nếu cảm thấy không thuận tiện, bạn có thể di chuyển cửa sổ Media Manager sang vị trí khác cũng được.
Bây giờ, chúng ta sẽ thêm những bức ảnh dự định làm slideshow vào Media Manager bằng cách nhấn vào biểu tượng thư mục có dấu + (xem hình minh họa). Các bạn hãy duyệt tìm đến thư mục chứa các ảnh đó rồi nhấn nút Open. Nhìn lại Media Manager sẽ thấy tên thư mục đó xuất hiện. Nhấn vào để xem các ảnh chứa bên trong. Ngoài ra, nếu các bạn có dùng iPhoto để quản lí thì cũng có thể thêm nhanh vào Media Manager luôn.
Kế đó là chúng ta sẽ thêm ảnh vào kịch bản của chúng ta. Có thể thêm cùng lúc nhiều ảnh hoặc từng ảnh riêng lẻ tùy bạn. Ở đây mình minh họa thêm ảnh lẻ trước bằng cách kéo thả nó từ Media Manager vào thanh thời gian. Tuy nhiên, khi kéo vào thanh thời gian bạn sẽ thấy hai ô tùy chọn là "Add & Format" và "Add Media". Tùy vào ý thích mà bạn hãy thả hình ảnh vào ô tương ứng.
Add & Format: Sau khi thêm, ảnh sẽ được định dạng theo bố cục của chủ đề một cách tự động. Sau đó ta có thể thêm các tấm khác vào sau. Bạn có thể thấy được là ngay sau khi bỏ ảnh vào thì ảnh được gắn vào một trang sách (do chủ đề mình chọn là Book). Thanh thời gian bên dưới sẽ xuất hiện đối tượng của chúng ta.
Nhấp đôi vào đó để truy cập giao diện chỉnh sửa của PA. Có sẵn một số khung bố cục còn trống thì bạn tiếp tục kéo thả ảnh từ Media Manager vào từng ô cho đến khi lấp đầy cả "trang sách" này. Đơn giản phải không các bạn? Chỉ kéo thả, kéo thả mà thôi. Xong xuôi rồi thì ta nhấn nút Close.
Add Media: chỉ thêm tập tin ảnh vào thanh thời gian, thường dùng khi muốn hiển thị một tấm ảnh riêng lẻ và thật to. Thêm vào rồi thì bạn hãy nhấn chọn tấm hình đó để chỉnh lại tên, ngày chụp ảnh và ghi chú cho hình ảnh ở các ô "Name", "Note" và "Date". Dấu chọn ở phía trước mỗi ô cho phép nội dung đó hiện hay không hiện lên slideshow. Bạn không cho hiện cũng được.
Các bạn có thể chọn một trong hai cách thêm nội dung như trên tùy ý thích cho đến khi đã đầy đủ hình ảnh thì ta sẽ sang bước kế tiếp.
Bước 2: "Tút" lại ảnh của các bạn
Ảnh thêm vào đôi khi chưa được như ý, chẳng hạn như lệch khung quá nhiều trong bố cục, ảnh đứng nhưng lại không tự động xoay hoặc bạn muốn ảnh biến thành đen trắng, ảnh âm bản,… PA hỗ trợ đầy đủ những hiệu ứng đó và việc thực hiện cũng rất đơn giản. Trước hết, bạn cần nhấp đôi chuột vào ảnh hoặc tập hợp nhiều ảnh mà bạn cần chỉnh sửa. Mình sẽ minh họa với cụm các ảnh mà khi nãy ta thêm theo kiểu "Add & Format". Ảnh lớn, riêng lẻ thì bạn làm tương tự nhé.
Nhấn tiếp vào ảnh nào đó bạn cần thêm hiệu ứng hay chỉnh sửa. Hộp thoại Image sẽ hiện ra với các chức năng sau:
Zoom: thanh trượt này cho phép bạn phóng to một vùng nào đó trên ảnh. Bạn kéo sang bên phải để phóng to, kéo sang trái để thu nhỏ rồi dùng chuột canh lại ảnh cho vừa với khung hình.
Filters: các hiệu ứng của ảnh sẽ được liệt kê tại đây. Nếu chưa có hiệu ứng nào, bạn nhấn vào nút "Add Filter" để thêm. Một số hình minh họa khá dễ hiểu được hiển thị kèm tên hiệu ứng để bạn có cái nhìn trực quan hơn. Chọn vào hiệu ứng cần thêm vào nhấn nút Select. Có thể chọn nhiều hiệu ứng cho ảnh đấy nhé. Muốn xóa hiệu ứng, bạn chọn vào tên hiệu ứng trong ô Filter rồi nhấn nút "Remove Filter". Có đến 5 trang hiệu ứng cho bạn chọn lận đấy!
Parametes: tham số cho hiệu ứng. Một số hiệu ứng như tăng độ sáng bạn có thể tùy chỉnh mức độ bù sáng thì chúng sẽ hiện ở đây.
Các hiệu ứng mà PA cung cấp cho chúng ta
Đối với ảnh riêng lẻ thì không có hộp thoại Image mà nó được tích hợp vào bảng bên phải. Ngoài ra, bạn có thể xoay ảnh hoặc crop lại ảnh cho vừa khung hình với các nút tương ứng ở góc dưới, bên trái của hình.
Bước 3: Thêm và chỉnh sửa chữ
Bạn có để ý là khi thêm ảnh vào các bố cục có sẵn theo kiểu "Add & Format" thì một số chữ chữ xuất hiện nhưng là tiếng gì đó là lạ? Vậy thì chúng ta đổi nó đi và thay vào tiếng Việt của mình. Đầu tiên, nhấp đôi chuột vào cụm ảnh để truy cập chế độ chỉnh sửa. Nhấp đôi chuột vào phần chữ để nó được in đậm là bạn có thể ghi chữ của mình vào. Bên dưới ảnh xem trước có thanh chạy để bạn phóng to ảnh cho dễ nhìn.
Bây giờ thì ta sẽ bắt tay chỉnh cho chữ đẹp đẽ hơn nhé. Khi nhấn vào phần có chữ, bạn thấy các nút định dạng xuất hiện hay không? Các nút canh trái, phải, canh giữa hay canh đều hai biên sẽ giúp bạn sắp xếp lại chữ nghĩa cho nó "đàng hoàng". Nút chữ A cuối cùng là để chọn font chữ, màu sắc, kích thước,… theo hộp thoại Font của Mac OS nên cũng không có gì khó thực hiện. Sau khi chỉnh cho ưng ý, bạn chỉ việc nhấp chuột ra ngoài khung gõ chữ là xong.
Kết quả sau khi ghi chữ
Nếu hình bạn muốn ghi chữ vào không có sẵn ô theo bố cục của PA thì cũng không sao, cứ bình tĩnh. Từ đầu đến giờ ta đang thao tac hình ảnh ở thẻ Element. Bây giờ hãy nhấn vào thẻ Layout. Hàng loạt nút công cụ xuất hiện cho chúng ta tha hồ biên tập. Nhấn vào nút "Add Text" (biểu tượng khung hình chữ nhật có chữ A) để thêm chữ vào trong hình. Trong bức ảnh sẽ hiện một đối tượng "Double-click To Edit". Nhấp đôi chuột và thực hiện các thao tác tương tự như trên để viết chữ. Muốn di chuyển nó đi nơi khác, bạn nhấn giữ vào chữ vào kéo đến vị trí mới. Cũng khá đơn giản.
Nhưng khoan vội, mọi việc chưa dừng lại ở đây đâu. Bạn có thể làm được rất nhiều trò với khung chữ này. Nhấn nút chữ i để hiện hộp thoại Inspector. Tại đây bạn có thể chỉnh tọa độ X, Y chi tiết, chỉnh góc xoay (Angle, chỉnh bằng thanh chạy), chọn màu nền (Fill Gradient ½) cùng nhiều thứ nâng cao khác. Hãy thoải mái "vọc" để ra được kết quả ưng ý nhất. Nhớ rằng sau khi chỉnh gì xong thì hãy nhấn nút Close nhé các bạn.
Ngoài ra, khi vùng mà PA tự động phóng to (Zone of Interest) cũng sẽ xuất hiện tên. Bạn phải chuyển tên hoặc không cho chúng hiện lên bằng cách chuyển sang thẻ "Zone of Interest". Bảng bên phải sẽ có mục Zone of Interest. Bạn hãy chỉnh sửa lại tên ở ô "Title".
Bước 4: Chèn nhạc vào thôi
Hình ảnh thì đẹp rồi, nhưng thật là chán khi phải xem ảnh chay. Thêm vào một ít nhạc thì thú vị hơn nhiều. Bạn nhấn phím M trên bàn phím để mở Media Manager, chuyển sang phần liệt kê nhạc. Nếu có sẵn nhạc trong thư viện iTunes thì dùng luôn, nếu chưa thì bạn thêm nhạc vào tương tự như cách thêm hình ở bước 1. Chọn được bài như ý muốn thì bạn kéo thả nó vào thanh thời gian (cũng giống khi thêm ảnh).
Mặc định, thời lượng cho từng ảnh hay cụm ảnh được đặt tự động. Nếu bạn muốn ảnh đó hiện thị lâu hơn, bạn nhấn vào nút đồng hồ bên dưới rồi chọn "Media Duration". Nhập vào số giây bạn muốn hình đó hiển thị ở bên cạnh là xong.
Bạn có thể thêm vào nhiều bài hát khác nhau cũng bằng cách kéo thả. Khi rê chuột vào cạnh trái/phải của phần nhạc trong thanh thời gian, bạn có thể di chuyển chuột để rút ngắn thời gian rồi thêm bài hát mới vào.
Bước 5: Xem thử và xuất phim
Mình biết, đây là phần ai cũng mong chờ nhất khi làm phim nói chung và làm slideshow hình nói riêng. Để xem lại, bạn nhấn nút Play. Nếu cảm thấy phần xem thử có chất lượng khá xấu, bạn chỉnh lại ở phần có ngôi sao, chọn "High Quality Preview". Chưa hài lòng phần nào thì ta chỉnh lại phần đó.
Kế đó là bước xuất phim. Trước tiên, bạn phải xác định xem ta sẽ xem slideshow trên thiết bị nào để chọn độ phân giải cho phù hợp. Chọn xong, nhấn phím Command + E để hoặc menu File > Export để xuất phim.
Chọn độ phân giải
Trong cửa sổ mới có rất nhiều thiết bị và chương trình mà bạn có thể chọn để xuất. Các cấu hình nâng cao bạn có thể không quan tâm. Chọn xong rồi bạn nhấn nút Export. Nhập tên tập tin và chọn nơi lưu và nhấn Save. Bạn phải chờ ít lâu tùy thuộc vào cấu hình máy và độ dài đoạn phim của bạn. Đừng nóng nhé. Độ phân giải càng cao thì càng mất thời gian hơn nữa. Chúc mừng, bạn đã có được tập tin slideshow theo ý thích. Chia sẻ nó lên Facebook, YouTube hoặc ghi ra đĩa thôi.