Giờ đây với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh, tính năng liên lạc dường như đang bị lấn át bởi ứng dụng, trải nghiệm người dùng,... Nhưng đây vẫn là một tính năng không thể thiếu và đó chính là điều để Windows Phone tạo nên sự khác biệt của mình.
Liên lạc trên điện thoại bắt đầu với những cuộc gọi sau đó mở rộng ra với tin nhắn ngắn (160 kí tự), tin nhắn đa phương tiện và truyền tải dữ liệu đơn giản qua WAP. Trong một loạt nền tảng dành cho di động hiện nay gồm iOS của Apple, Android của Google, BlackBerry của RIM, Windows Phone của Microsoft được thiết kế tối ưu nhất dành cho việc liên lạc. Tại sao lại như thế? Đây là câu trả lời ngắn gọn:
Windows Live Messenger + Skype + Facebook + Lync + Gọi điện + SMS
Windows Live Messenger
Microsoft hiện đang sở hữu Windows Live Messenger (WLM) - dịch vụ IM lớn nhất trên thế giới với hơn 300 triệu người sử dụng. WLM hiện đã được tích hợp vào trong phiên bản Windows Phone Mango. Người dùng có thể chuyển đổi giữa SMS và Messenger để liên lạc với mọi người trong hub Messaging. Điểm hay là nếu bạn đang trò chuyện với ai đó thông qua Messenger và người đó không thể tiếp tục trực tuyến được, bạn có thể tiếp tục cuộc hội thoại qua SMS chỉ bằng một cái chạm đơn giản. Không một nền tảng nào khác có được sự truy cập sâu vào WLM bằng Windows Phone.
Skype
Đầu năm nay, Microsoft đã quyết định mua lại Skype với cái giá 8,5 tỷ USD. Thoả thuận này vẫn đang đợi sự phê duyệt của liên minh châu Âu trong khi đã được thông qua ở Mỹ. Skype hiện đang là nhà cung cấp dịch vụ gọi điện VOIP lớn nhất thế giới và nổi tiếng với tính năng video call của mình. Skype đang là đối tác của các nhà mạng và cho phép người dùng có thể gọi điện đến bất cứ số điện thoại di động hay cố định nào trên toàn thế giới với số tiền bỏ ra ít hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ gọi quốc tế truyền thống. Với 120 triệu người sử dụng trung thành, Skype được kỳ vọng sẽ tích hợp trong phiên bản Windows Phone tiếp theo. Kịch bản được đưa ra là người dùng có thể thực hiện một cuộc gọi thông thường hay gọi điện thấy hình cho một người khác ngay trong danh sách liên lạc - nghĩa là Skype sẽ được tích hợp sâu chứ không chỉ dừng lại ở một ứng dụng ngoài.
Microsoft từ lâu đã có mối quan hệ với Facebook với việc đầu tư một khoản tiền đầu tư nhỏ là 240 triệu USD 4 năm trước đây. Và chính khoản đầu tư nhỏ bé đó đã mang lại cho Microsoft một thứ vũ khí mạnh mẽ để chống lại Google trong cuộc chiến tìm kiếm với tính năng tìm kiếm mạng xã hội. Với việc là mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook hiện đang có trên 750 triệu thành viên. Nhiều người bắt đầu coi Facebook là công cụ liên lạc chính của mình và rất khó từ bỏ với một danh sách bạn bè đông đảo. Trong Windows Phone, Facebook được tích hợp sâu tương tự WLM. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều thứ để cải tiến trong Facebook như nhắn tin, video call trên Windows Phone. Còn Google, họ đã có Gtalk và các sản phẩm từ mạng xã hội Google+. Với Apple, mối quan hệ với Facebook cũng không được sáng sủa cho lắm khi việc tích hợp mạng xã hội này với Ping - mạng xã hội âm nhạc của Apple không thành công rồi việc Apple tích hợp Twitter vào iOS 5. Nếu như việc đám phán với các công ty khác không tiến triển, chúng ta có thể thấy con số 750 triệu người dùng có ý nghĩa to lớn thế nào với Microsoft.
Lync
Microsoft Lync, trước đây được biết đến với cái tên Office Communication Server là một hệ thống hợp tác làm việc cho doanh nghiệp. Lync bao gồm trò chuyện, video call, chia sẻ hình ảnh... và là một trong những sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử Microsoft. Hơn 60% công ty hàng đầu trong danh sách của Forbes đã triển khai Lync cho các nhân viên của mình. Trong phiên bản Mango, Lync cũng sẽ xuất hiện và vấn đề bây giờ chỉ là nó sẽ được tích hợp như thế nào, có giống với WLM hay Facebook hay không? Có lẽ Microsoft sẽ có những thoả thuận riêng dành cho doanh nghiệp - những người luôn muốn có một nền tảng tích hợp chủ động hơn là các ứng dụng ngoài. Cả Google và Apple đều không thể truy cập sâu vào Lync ngoài các ứng dụng thông thường được thiết kế cho nền tảng của họ.
Gọi điện và SMS
Cuối cùng đây là mảng liên lạc mà gần như được cân bằng giữa các hệ sinh thái. Tuy nhiên với việc hợp tác với Nokia - một nhà sản xuất phần cứng hàng đầu cùng các nhà sản xuất OEM khác trên toàn thế giới, Microsoft sẽ có những lợi thế đang kể so với Apple.
Sẽ có những ý kiến cho rằng Apple có FaceTime, iMessage, RIM có BBM,... nhưng chỉ có Windows Phone là có được sự thống nhất cao nhất của tất cả các dịch vụ với hàng trăm triệu người sử dụng. Vẫn còn những nhân tố khác cho việc liên lạc mà Microsoft có thể tận dụng như mạng trò chơi Xbox Live hay tích hợp thêm cả Twitter.
Liên lạc - đó chỉ là một phần trong việc mang đến thành công cho một nền tảng còn non trẻ như Windows Phone. Microsoft vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm và liệu sẽ có một sự thống nhất tất cả các phương thức liên lạc trên vào một thương hiệu với một tài khoản duy nhất nhằm giảm tối đa sự bối rối cho người dùng? Hy vọng là điều đó sẽ xảy ra.