Điện thoại

LG đang đàm phán tích cực với Google để làm điện thoại Nexus

id="post_message_14813910">
LG đang đàm phán tích cực với Google để làm điện thoại Nexus

Chương trình Nexus của Google ra mắt một hoặc một số thiết bị mỗi năm và các máy này đều mang tính tiên phong, dẫn đầu cho một thế hệ thiết bị sử dụng phiên bản mới của Android. Hiện tại, HTC, Motorola và Samsung đã tham gia vào chương trình này (HTC với Nexus One, Motorola với Xoom, Samsung với Nexus S và Galaxy Nexus), còn bây giờ LG đang làm việc để có thể tham gia cuộc chơi này. Ramchan Woo, trưởng bộ phận smartphone của LG nói với trang CNET rằng hãng đang "tích cực đàm phán" với Google để có thể là nhà sản xuất chiếc điện thoại Nexus kế tiếp. Cho đến bây giờ thì chưa có một cam kết chính thức nào được đưa ra giữa hai bên, và cũng chưa rõ phiên bản Android nào sẽ được giao cho LG.

Chúng ta chưa biết nhiều về chương trình Nexus. Andy Rubin, trưởng nhóm Android của Google, hồi năm ngoái nói rằng khi một nhà sản xuất được lựa chọn, một nhóm từ các công ty sẽ đến và cùng làm việc trong một tòa nhà trong khoảng 9 đến 12 tháng để phát triển và sản xuất thiết bị.

Việc có được một thết bị dùng phiên bản kế tiếp của Android, dự đoán là Jelly Bean, được cho là có khả năng chạy song song với Windows 8, sẽ giúp LG cũng cố thêm hình ảnh của hãng trong thị trường Android. LG gia nhập làng điện thoại sử dụng hệ điều hành của Google trễ hơn so với các đối thủ, và hiện cũng nằm ở vị trí "giữa" chứ chưa đạt đến top đầu của những công ty sản xuất thiết bị Android. Có thể qua thương vụ Nexus này, hãng muốn chiếm lại vị trí hàng đầu, vốn đã từng là của LG trong quá khứ. Hợp tác với Google để là nhà sản xuất đầu tiên bán thiết bị chạy Android mới nhất không có nghĩa là tăng doanh thu. HTC Nexus One, thử nghiệm đầu tiên của Google trong việc bán thiết bị đến người tiêu dùng, đã thất bại. Tương tự như thế, máy tính bảng Motorola Xoom cũng không có tình hình kinh doanh khá hơn. Cái nhận được ở đây là sự hỗ trợ về rất nhiều mặt kĩ thuật đến từ Google.

Có một số mối quan tâm rằng Google sẽ để Motorola có quyền truy cập đến tất cả những bản cập nhật Android mới nhất, sau khi Google đã gần như hoàn tất thương vụ mua lại nhánh di động của Motorola. Nếu Google hợp tác với LG thì làm dịu đi sự lo lắng này.

Khi nói về phiên bản Android gốc và phiên bản được tùy biến giao diện, LG cho biết hãng nghiên về phía tùy biến. Tất cả các điện thoại Nexus đều dùng giao diện gốc của Android, ngay cả khi HTC, Samsung đều có giao diện tùy biến của riêng họ. Tuy nhiên, LG vẫn muốn tùy biến giao diện để sản phẩm của hãng nổi bật với các đối thủ cạnh tranh. LG tin rằng họ có thể xây dựng một giao diện tốt hơn những gì Google đã làm với bản Android gốc vì họ đã đầu tư thời gian, nguồn lực để nghiên cứu các khách hàng tương tác với thiết bị di động, bao gồm cả một phòng thí nghiệm ở Seoul dùng để đo sóng não trong lúc dùng điện thoại. Woo cho biết: "Chúng tôi biết về dữ liệu khách hàng nhiều hơn Google", và một số người dùng không cảm thấy thoải mái khi dùng giao diện gốc.

Phàn nàn lớn nhất về giao diện tùy biến đó là người dùng phải mất quá lâu mới có được bản cập nhật Android mới. Lý do đó là các hãng cần phải tinh chỉnh lại giao diện của mình để tương thích, đôi khi là cải tiến, nâng cấp để giao diện hoạt động với Android mới. Ngay cả LG, với giao diện tùy biến không nhiều nhưng mất rất nhiều thời gian để tung ra bản cập nhật Android 2.3 cho một số thiết bị. Woo nói khách hàng LG có thể mong đợi phiên bản mới của Android được cập nhật sau 2 đến 3 tháng, tính từ ngày Google chính thức giới thiệu nó. Việc chậm trễ cập nhật đã được Woo thừa nhận và LG đang tích cực cải thiện nó.