<>>
Tô Hoài ở tuổi 92 vẫn vô cùng minh mẫn và lịch lãm (Ảnh: sgtt) |
<>Làm báo thời chiến tranh - hiểm nguy không chỉ do bom đạn>
Ngồi đối diện với tôi là một ông già Tây Bắc. Không hỏi, nhưng tôi biết nhà văn Tô Hoài đã cố tình chọn bộ trang phục này bởi tôi đặt trước với ông một cuộc trò chuyện về những ngày làm báo Cứu Quốc. Bộ trang phục khiến tôi nhận ra, Tô Hoài ở tuổi 92 vẫn vô cùng lịch lãm, luôn trân trọng độc giả cũng như người đối diện. Ông bảo “Già rồi, nhiều thứ đã quên, nhưng những ngày làm báo Cứu Quốc thì rất nhớ”.
Ánh mắt lấp lánh, nhà văn Tô Hoài trải lòng theo ký ức xa xưa. Ký ức miên man trong màu trắng hoa mơ. Ký ức dữ dội và bình yên trong những ngày làm báo ở Cứu Quốc. Người ta bảo mọi thứ có thể thay đổi, chỉ ký ức là không đổi thay. Với Tô Hoài, những ngày làm báo Cứu Quốc là một phần rất quan trọng trong cuộc đời ông. Tham gia Việt Minh, hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc, với tài năng của mình, ông trở thành người của báo Cứu Quốc như một lẽ đương nhiên. Tại báo Cứu Quốc, bản lĩnh cách mạng của nhà văn có thêm điều kiện tôi rèn khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. 25 tuổi, sục sôi khí thế cách mạng với nhiều hoài bão, khát khao, ông trở thành chủ nhiệm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tạm biệt Hà Nội, với biết bao kỷ niệm thời thơ ấu, rời xa những con phố thân thương, Tô Hoài lên Tây Bắc. Từ đây, những bài báo của tác giả Nông Văn Tư (bút danh của Tô Hoài) xuất hiện đều đặn. Thời kỳ đầu, những người làm báo Cứu Quốc sống cùng với bà con người Tày ở chân núi Phia Bióoc. Tuy nhiên, từ đó ra tới đường bộ cũng chỉ 2km. Địch phá dữ dội, không đảm bảo cho việc ra báo. “Chúng tôi cần tìm một nơi an toàn, không chỉ cho tính mạng của mình, mà quan trọng là phải bảo vệ được máy móc để làm báo. Lúc đó máy móc thậm chí còn được những người làm báo Cứu Quốc bảo vệ kỹ hơn cả tính mạng của mình”. Đang trải lòng theo dòng ký ức bất chợt nhà văn dừng lại, hỏi tôi “Có bao giờ những người làm báo Đại Đoàn Kết (tiền thân của báo Cứu Quốc) biết rằng: Làm báo giữa thời chiến tranh, hiểm nguy do bom đạn là tất yếu, nhưng, còn một thứ hiểm nguy nữa, đó là chúng tôi phải lựa chọn những nơi mà địch không để ý, không tới được để đặt địa điểm sản xuất báo. Nơi đó, tiêu chí là càng sâu, càng xa càng tốt. Chân chúng tôi đã tứa máu trên những đỉnh núi toàn cỏ tranh. Và, nói một cách văn hoa thì… máu đã đổ không phải do bom đạn”. Tôi cúi đầu, lặng im, cảm thấy thực sự bối rối. Cứu Quốc là truyền thống hào hùng của Báo Đại Đoàn Kết. Những người làm báo Đại Đoàn Kết luôn tâm niệm: Sống và làm việc sao cho xứng đáng với truyền thống của các thế hệ cha anh. Tuy nhiên, trước câu hỏi của nhà văn Tô Hoài, tôi bỗng thấy mình vẫn còn thiển cận lắm. Lâu nay, trong tâm trí của tôi, làm báo thời chiến, có hiểm nguy chỉ là do bom đạn.
Không biết vì bộ dạng tồi tệ của tôi, hay vì bản chất của nhà văn Tô Hoài là nhân hậu, nên ông cười xòa: Nói thì nói vậy, chứ mỗi thời kỳ có những đặc điểm khác nhau. Chúng tôi có cái khó của chúng tôi, và các bạn cũng có những khó khăn của người làm báo thời hiện đại.
<>Làm báo là phải trân trọng độc giả>
Phút chốc, cuộc trò chuyện của chúng tôi chuyển sang chủ đề về nghề báo. Nhà văn Tô Hoài bảo rằng, bản lĩnh của người làm báo là giữ vững ngòi bút của mình. Làm báo như là làm xiếc ấy, đi trên dây nhưng đừng để ngã. “Thực thà mà nói, những ngày làm báo Cứu Quốc là những ngày vô cùng thanh nhã. Hiểm nguy nhiều nhưng thanh nhã bao nhiêu. Để tránh bom đạn của kẻ thù, chúng tôi di chuyển lên đỉnh núi Phia Bióoc. Ở đây, báo Cứu Quốc Việt Bắc ra hàng ngày, phát hành tại 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Sống giữa cái tình của người Dao, chúng tôi viết tin, bài phục vụ cách mạng. Còn sau này, tôi chuyển sang làm văn nghệ nhưng vẫn làm Tổng Biên tập một tờ báo khác (tờ Người Hà Nội - PV), và càng thấm thía những khó khăn của người làm báo thời hiện đại”. Gặng hỏi về những sự cố trong quá trình làm báo thời hiện đại, nhà văn cười “Quên tiệt cả rồi”. Thế đấy, ở tuổi 92, với Tô Hoài, những chuyện không hay thường ít được ông xếp vào ngăn ký ức. Có phải vì thế mà nhiều đồng nghiệp của tôi gặp ông về đều có chung nhận xét: Nói chuyện cùng Tô Hoài, thấy cuộc sống đáng yêu hơn rất nhiều.
Với Tô Hoài, những người làm báo Cứu Quốc đã cho ông nhiều trải nghiệm. Trải nghiệm để viết văn, làm báo và đặc biệt, trải nghiệm để biết nâng niu, trân trọng con người. “Thời chiến tranh, cuộc sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Thương yêu còn chẳng đủ, nói gì tới ghét bỏ nhau”. Phương châm sống ấy đã theo nhà văn trong suốt các thời kỳ đảm nhiệm những cương vị trong làng văn, làng báo. Có lẽ vì thế mà rất nhiều đồng nghiệp nói, viết về ông với sự trân trọng vô cùng. Nhà văn Lê Hoài Nam từng kể cho tôi nghe về cái ơn của ông đối với nhà văn Tô Hoài. Đó là khi Lê Hoài Nam còn làm Phó Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Hà, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân, có duyệt đăng truyện ngắn “Con đường An Lạc” của Kim Sa Trung kể về những nghịch cảnh có nguy cơ biến con đường với mục đích ban đầu vô cùng đẹp đẽ trở thành một con đường kỳ quái, chất chứa những ổ mối, ung nhọt, bi hài… Ngay sau đó, ở Nam Hà nảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa, không mang tính xây dựng. Một hội nghị xử lý tác giả truyện ngắn cùng với người duyệt đăng được ấn định. Trong lúc hoạn nạn, nhà văn Lê Hoài Nam nghĩ tới Tô Hoài dù mới gặp ông duy nhất một lần. Lê Hoài Nam viết thư kể về tai nạn mình mắc phải, kèm theo cuốn tạp chí đăng truyện ngắn “Con đường An Lạc” gửi tới nhà văn Tô Hoài. Theo lời nhà văn Lê Hoài Nam, tại cuộc họp kia, ông và tác giả truyện ngắn “xác xơ trong những lời giông bão”. Và người ta quyết định bỏ phiếu để kỷ luật 2 người. Trước khi “nghị án”, nhà văn Lê Hoài Nam xin phép có ý kiến. Ông đưa ra tờ báo Người Hà Nội, cũng có đăng truyện ngắn “Con đường An Lạc”. Mọi người ngỡ ngàng. Chẳng lẽ một truyện ngắn đăng ở tạp chí của Nam Hà thì “đắc tội”, còn đăng ở tờ báo của Hà Nội thì không? Và bởi thế, cuộc bỏ phiếu đã được hủy. Nhà văn Lê Hoài Nam cùng Kim Sa Trung “thoát hiểm” nhờ cách cứu nguy ngoạn mục của Tô Hoài. Khi tôi hỏi Tô Hoài về việc này, lúc đầu ông lắc đầu không nhớ, nhưng sau cũng nhớ ra và mỉm cười: Anh em làm văn nghệ cả. Mình làm được gì giúp họ thì làm thôi. Tô Hoài là vậy. Ông luôn có cái nhìn nhẹ nhàng khi giải quyết các vấn đề. “Trí nhớ của con người có giới hạn. Nhớ cái này phải quên cái khác. Những người làm báo Cứu Quốc thì tôi luôn nhớ, còn trong cuộc sống, giúp nhau là lẽ thường tình, có gì đáng để nhớ đâu”. Và mới đây, khi văn đàn xôn xao chuyện một nhà văn trẻ viết tiểu thuyết “Tân dế mèn phiêu lưu ký”, theo lẽ tự nhiên, tôi tự hỏi lòng mình “Liệu Tân dế mèn phiêu lưu ký làm thế nào để vượt qua được Dế mèn phiêu lưu ký”. Gặp nhà văn Tô Hoài, tôi có hỏi về việc này, ông mỉm cười bảo: “Phải khuyến khích lớp trẻ chứ. Cậu ấy đã đến đây, đưa tôi tác phẩm. Tôi đã đọc hết và sẽ gửi cho nhà xuất bản Kim Đồng để các anh chị ấy xem có in được không”. Ấy thế nhưng khi tôi hỏi tên nhà văn trẻ kia là gì, ông cũng không nhớ “Cậu gì ở Tây Nguyên ấy mà”. Cái tình của Tô Hoài là thế. Bất cứ ai dẫu rằng chưa từng quen biết, nếu cần mà tìm đến ông cũng sẽ được nâng đỡ, trân trọng. Xong việc rồi, chưa chắc ông đã nhớ mình từng giúp người ta.
Khi tôi đề nghị “Bác cười đi cho cháu chụp kiểu ảnh”, ông vội vàng chỉnh sửa mũ, áo. Trong ống kính máy ảnh của tôi, một ông già Tây Bắc đang mỉm cười “92 tuổi rồi, may mà tôi vẫn còn răng nhé, chứ không, vào ảnh lên báo chắc xấu, nhỉ”. Thế mới biết, Tô Hoài luôn gìn giữ hình ảnh của mình, bởi thế ông, làm báo là phải luôn trân trọng độc giả.
<>Phạm Hằng>
Đại Đoàn Kết