"Chúng tôi đã rà soát 3 trong số các xưởng sản xuất của Foxconn gồm Quan Lan, Long Hoa và Thành Đô (tâm điểm của làn sóng chỉ trích và từng xảy ra một vụ nổ giữa năm 2011 khiến 2 người thiệt mạng) và phỏng vấn 35.000 công nhân với các câu hỏi như họ được thuê thế nào, trả lương ra sao, thức ăn, nơi ở...", Auret van Heerden, Chủ tịch FLA, cho hay.
Công nhân đang làm việc tại Foxconn. Ảnh: Apple. |
"Số giờ làm việc trung bình của công nhân theo chuẩn của FLA Code là 60 tiếng một tuần còn theo luật lao động Trung Quốc là 40 tiếng. Cả ba nhà máy trên đều vượt quá mức 60 tiếng", báo cáo nhấn mạnh.
Hơn 60% công nhân cảm thấy họ không được trả lương đủ để "đáp ứng nhu cầu cơ bản" dù đã cộng cả tiền làm ngoài giờ. Họ cũng thường xuyên phải tiếp xúc với những chất độc hại như bụi nhôm, chất lau màn hình...
14% bị đối xử thiếu công bằng. Tiền làm thêm được tính theo từng 30 phút, do đó nếu công nhân làm vượt 29 phút sẽ không được trả tiền, hoặc nếu làm 58 phút thì chỉ được tính tương đương 30 phút.
Foxconn đã thừa nhận và đồng ý tuân theo các yêu cầu kể từ 1/7/2013. Dù cuộc khảo sát được thực hiện theo đề nghị của Apple, thay đổi của Foxconn sẽ phải áp dụng trên toàn bộ các dây chuyền sản xuất, trong đó có của Microsoft, Amazon và Dell.
"Nếu được triển khai, những cam kết này sẽ cải thiện đáng kể cuộc sống của hơn 1,2 triệu công nhân Foxconn và thiết lập chuẩn mới tại các nhà máy Trung Quốc", van Heerden nhận định.
Đầu năm 2012, liên tiếp các tờ báo lớn ở Mỹ đưa tin về việc công nhân bị bóc lột trong dây chuyền sản xuất iPhone và iPad. Một số tổ chức nhân quyền đã kêu gọi mọi người ký tên "đòi công lý" hay biểu tình bên ngoài các gian hàng Apple Store. Trước sự phản ứng dữ dội đó, Apple đã mời Hiệp hội lao động bình đẳng điều tra bất thường tại các cơ sở sản xuất Foxconn vào tháng 1/2012. Họ đồng ý để FLA tiến hành khảo sát độc lập và công khai mọi kết quả lên website và đây là công ty công nghệ đầu tiên thực hiện điều này.
<>Châu An>