Nhịp sống số

Jerry Yang và con đường 17 năm xây dựng Yahoo!

Jerry Yang và con đường 17 năm xây dựng Yahoo!

Hôm 17/1, Jerry Yang từ chức khỏi Ban giám đốc Yahoo!, cắt đứt sợi dây ràng buộc cuối cùng với công ty Internet ông từng gây dựng khi là sinh viên Stanford 17 năm trước.

 

Quyết định của ông có thể khiến một số chuyên gia tài chính – những người vốn cho rằng Yang chịu phần lớn trách nhiệm cho việc Yahoo đi xuống, đặc biệt sau khi ông kế ngôi Terry Semel làm Tổng giám đốc (CEO) Yahoo năm 2007 – hài lòng. Sự sụp đổ của Yahoo kéo theo vấn đề tài chính và sự quay lưng của người dùng Internet trước các thế lực mới nổi như Google và Facebook. CEO mới được bổ nhiệm của Yahoo – Scott Thompson hi vọng sẽ mang lại sinh khí mới cho đế chế Internet đang trong cơn nguy khốn, hiện vẫn đón hơn 700 triệu lượt khách ghé thăm mỗi tháng.

Những thông tin dưới đây cung cấp cái nhìn ngắn gọn về những thăng trầm của Yang với cương vị CEO Yahoo.

1. Yahoo năm 1994

Yang cùng David Filo chính thức sáng lập Yahoo (viết tắt của Yet Another Hierarchical Officious Oracle) năm 1995, tuy nhiên, biểu tượng của Yahoo đã xuất hiện từ năm 1994.

2. Những năm vàng

Công ty tận hưởng 5 năm tiếp theo sau khi thành lập như cỗ máy tìm kiếm và cổng Web hàng đầu cho tới khi bong bóng dot-com mang Yahoo quay trở lại mặt đất. Yahoo đã thực hiện một số vụ mua lại đình đám, như Geocities năm 1998, Broadcast.com năm 1999 và Hotjobs năm 2001. Công ty vận hành cả Yahoo Search (do Google hỗ trợ tới năm 2004). Các dịch vụ Yahoo Web khác bao gồm Yahoo Directory, Yahoo Mail, Yahoo News, Yahoo Groups và Yahoo Answer. Trong khi Google vượt Yahoo trong mảng tìm kiếm hơn thập kỉ trước, Yahoo đã sở hữu mảng quảng cáo hiển thị tuyệt vời nhưng chỉ tới năm 2011, Google cũng vượt qua nó.

3. "Tuyên ngôn bơ lạc"

Yahoo cũng mua cả trang web chia sẻ hình ảnh số 1 Flickr năm 2005, và dành được nhiều uy tín trong làng Web 2.0. Tuy nhiên, Yahoo cũng gặp rắc rối những năm này khi không thu hút được dòng người dùng mới ổn định và không tận dụng được “cư dân” của mình để tạo ra tiền quảng cáo. Giám đốc điều hành Yahoo - Brad Garlinghouse than phiền về điều này khá nhiều trong “tuyên ngôn bơ lạc” (peanut butter manifesto) tai tiếng: “Chúng tôi muốn làm tất cả và là tất cả với mọi người. Chúng tôi biết điều này, nói về chúng không ngừng, nhưng lại không làm gì để giải quyết cơ bản chúng. Chúng tôi sợ bị bỏ lại. Chúng tôi phản ứng lại thay vì biểu đồ hóa một con đường vững vàng. Chúng tôi bị chia cắt thành các hộc chứa cách xa nhau và không thường xuyên nói chuyện cùng nhau.” Giá cổ phiếu giảm, tăng trưởng doanh thu yếu, nhân viên “đào ngũ” và các hoạt động lộn xộn đều xảy tới với Yahoo.

4. Terry Semel bị sa thải

Bản “Tuyên ngôn bơ lạc” ở trên quá tồi tệ, và Hội đồng quản trị Yahoo quyết định lật đổ ghế CEO của Terry Semel năm 2007.

5. Yang thay thế

Yang ngồi lên ghế CEO Yahoo năm 2007. Nhiều người kì vọng đồng sáng lập sẽ chiến đấu lại sau thời gian dài ra khỏi vị trí lãnh đạo. Ed Kozel, một thành viên ban giám đốc Yahoo phát biểu tháng 6/2007: “Chúng tôi tin rằng không còn ai trên thế giới phù hợp để điều hành Yahoo hơn nhà đồng sáng lập nhìn xa trông rộng Jerry Yang… Jerry với tầm nhìn chiến lược, kĩ thuật, sản phẩm, khả năng lãnh đạo thị trường, đã phát triển nhiều mối quan hệ quan trọng với các đối tác lớn, xác lập và nuôi dưỡng nền văn hóa độc đáo của Yahoo. Là bộ mặt đại diện cho Yahoo, Yang trở thành khí cụ thu hút nhiều tài năng đẳng cấp thế giới tới công ty của chúng tôi.”

6. Khó khăn tiếp diễn

Yang không thay đổi mọi thứ hoàn toàn. Thực tế, mọi thứ càng tệ hơn khi Google, Facebook và Twitter thu hút nhiều người dùng hơn trong cơn “sốt” mạng xã hội. Các nhà đầu tư hoạt động không ngừng nghỉ và tới năm 2008, CEO Microsoft – Steve Ballmer cũng “ngửi thấy mùi máu tươi”. Tháng 2/2008, Microsoft đề nghị mua Yahoo với giá 44,6 tỉ đô-la. Yang không đồng ý vì lo ngại một khi Microsoft tiếp quản có thể làm lu mờ mô hình kinh doanh và hình ảnh của Yahoo.

7. Microsoft

Microsoft nghiêm túc với dự định mua lại Yahoo tới mức Ballmer đe dọa Yahoo sẽ đề nghị trực tiếp các cổ đông của Yahoo bỏ phiếu bầu. Giá cổ phiếu Yahoo tiếp tục giảm. Cuối cùng, tháng 6/2008, Microsoft quay gót ra đi và để lại một Yahoo còn tổn thương hơn trước đó nhiều.

8. Carol Bartz

Tháng 11/2008, Yang tuyên bố ông bắt đầu rời xa vai trò CEO của mình. Tháng 1/2009, ông được thay thế bởi Carol Bartz, người có uy tín về kĩ năng thuyết trình và điều hành. Bà loại bỏ một loạt các vụ sáp nhập hiện có, như Geocities, MyBlogLog, Yahoo Go và Brickhouse, đồng thời mua lại hai công ty Koprol và IntoNow của Ấn Độ. Ngoài ra, bà cũng tích hợp Twitter và Facebook, động thái mang lại lượng truy cập nhiều hơn, thậm chí dù Yahoo phải trả tiền cho giao dịch này.

9. Bartz và Ballmer

Biết Yahoo cần tiền, Ballmer một lần nữa tới tìm Bartz. Tháng 7/2009, Microsoft và Yahoo kí hợp đồng tìm kiếm 10 năm, theo đó Yahoo sẽ sử dụng công nghệ tìm kiếm từ Bing của Microsoft. Công ty phần mềm đồng ý trả Yahoo 88% doanh thu từ quảng cáo trong 5 năm đầu tiên.

10. Bartz bị truất ngôi

Không hành động cắt giảm hoạt động hay hợp tác tìm kiếm nào có thể giúp đỡ vấn đề tài chính của Yahoo. Dưới áp lực, Bartz bị sa thải tháng 9/2011, chỉ 30 tháng sau khi nắm quyền. Bartz viết trên blog: “Tôi rất buồn phải thông báo tôi vừa bị đuổi việc qua điện thoại bởi Chủ tịch hội đồng quản trị Yahoo.” Giám đốc tài chính Tim Morse trở thành CEO tạm quyền.

11. Scott Thompson

Thompson, một nhà lãnh đạo có năng lực, từng là Chủ tịch PayPal là cái tên được bổ nhiệm làm CEO Yahoo vào ngày 4/1/2012. Chủ tịch Hội đồng quản trị Yahoo phát biểu: “Sự hiểu biết sâu sắc kinh doanh trực tuyến kết hợp với khả năng xây dựng nhóm và điều hành sẽ khôi phục năng lượng, sự tập trung và động lực cần thiết để phát triển ngành kinh doanh cốt lõi và mang lại giá trị gia tăng cho các cổ đông.” Thompson thừa kế cả một mớ hỗn độn, đặc biệt trong bối cảnh Yahoo đang xem xét có nên bán đi các tài sản châu Á và tập trung vào truyền thông hay không. Yahoo hiện nắm 40% cổ phần Alibaba (Trung Quốc) và 35% Yahoo Nhật Bản.

12. Yang chính thức từ chức

Yang rời bỏ Yahoo ngày 18/1/2012 với lí do “Đã tới lúc tôi nên theo đuổi những mối quan tâm khác ngoài Yahoo”. Động thái tới chỉ một tuần sau khi hãng nghiên cứu thị trường comScore thông báo Bing lần đầu tiên vượt qua Yahoo, trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến thứ 2 trên thế giới.