Nhịp sống số

Hương đạo - chiều sâu văn hóa Nhật Bản

Hương đạo  - chiều sâu văn hóa Nhật Bản
Hương đạo là hình thức thưởng thức mùi hương được đốt lên từ một nhánh gỗ thơm.

<>

Hương đạo là loại hình văn hóa truyền thống của Nhật Bản lâu đời sánh ngang với trà đạo, thư đạo, kiếm đạo hay hoa đạo (nghệ thuật cắm hoa) được truyền lại từ 500 năm về trước. So với các nghệ thuật nổi tiếng khác của người Nhật, thì “hương đạo” ít được người nước ngoài và ngay cả người Nhật biết đến, chỉ vài ngàn người người.

“Mặc dù hương đạo là văn hóa đặc sắc của Nhật Bản, nhưng số người biết và thưởng thức được hương đạo là rất ít. Ngay chính bản thân tôi thì đây cũng là lần đầu tiên được thưởng thức hương đạo”, Giám đốc Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (JPF) Inami Kazumi cho biết tại Hà Nội mới đây khi Quỹ thực tổ chức thuyết trình và biểu diễn về hương đạo của các nghệ nhân hương đạo đến từ Nhật Bản.

<>Lịch sử của Hương đạo

Hương đạo sử dụng loại gỗ thơm từ những nhánh cây thơm trôi dạt từ phía Nam Nhật Bản vào đảo Awaji hơn 500 năm trước. Sự xuất hiện của loại cây thơm tỏa ra hương trầm này cũng đánh dấu sự du nhập của Phật giáo tới quốc gia này. Các loại gỗ có xuất xứ từ các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia.

Khi mới du nhập vào Nhật, hương trầm chỉ được sử dụng trong các nghi thức của Thần đạo và Phật giáo. Đến thế kỉ thứ IX, thời Heian, trầm hương đã vượt ra khỏi khuôn khổ của tôn giáo và trở thành hương liệu rất được ưa chuộng vì mùi thơm thanh nhã. Hương trầm nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong giới quý tộc.

Loại gỗ tỏa ra hương trầm được tán ra thành bột để làm các túi thơm cho vào người làm thơm y phục hoặc để trong phòng tẩy sạch không khí, làm cho “thơm nhà thơm cửa”. Loại hương được dùng chủ yếu lúc bấy giờ là Neriko - loại hương có dạng viên, được pha chế từ trầm hương trộn với mật ong hoặc một số phụ liệu khác. Giới quý tộc thời Heian thích đốt trầm trong nhà hoặc thư phòng tạo không gian thơm dịu, để hương thơm quyện vào y phục và làm tinh thần minh mẫn.

Các túi thơm (Ảnh: thvl)

Từ sau thế kỉ XIII, việc sử dụng Neriko không còn thịnh hành, người Nhật chuyển sang dùng những mảnh gỗ trầm hương nguyên chất vì hương thơm tự nhiên của nó.

Cuối thời Muromachi, khoảng thế kỉ XVI, hai nhà văn hóa lúc bấy giờ là Sanjonishi Sanetaka và Shino Soshin đã tập trung phát triển một loại hình văn hóa mới gọi là Hương đạo.

Đến thế kỉ XVII, thời Edo, Hương đạo phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản. Để phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần này, người ta bắt đầu chế tạo nhiều vật dụng có liên quan đến Hương đạo: những chiếc chén đốt trầm, hộp đựng bằng sơn mài hay mạ vàng cùng với kỹ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn cầu kỳ.

Nhiều trường phái Hương đạo khác nhau cũng lần lượt xuất hiện và hương đạo trở nên phổ biến trong dân chúng. Thời điểm này được đánh giá là giai đoạn hoàng kim của hương đạo.

Gần đây, các lớp học Hương đạo được mở ra ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật. Văn hóa thưởng thức mùi hương phong nhã này đang dần thịnh hành trở lại xã hội Nhật Bản.

<>Trò chơi thưởng hương

Thế giới biết được Hương đạo Nhật qua câu truyện tình Genji, một chuyện dài, nhiều tập, nhiều nhân vật. Mỗi nhân vật gắn với một vị hương có tên. Hình thức thưởng mùi hương này có thể gọi là một trò chơi đoán mùi hương rất thú vị gọi là “Gen-ji ko”. Mỗi câu trả lời của trò chơi này tương ứng với tên của một chương trong “Truyện kể Genji” - một tác phẩm văn học cổ điển Nhật Bản ra đời vào thời Heian.

Trong “Genjiko”, người quản trò chuẩn bị 5 chén hương trầm, trong đó, mùi hương của chúng có cái giống nhau, có cái khác nhau hoặc giống và khác nhau hoàn toàn. Người chơi lần lượt nghe qua từng mùi hương, sau đó dùng hồi ức của khứu giác để trả lời mùi hương thứ mấy trong số đó giống nhau và khác nhau. Câu trả lời được viết trên giấy bằng 5 vạch thẳng đứng. Mùi hương nào giống nhau sẽ được liên kết với nhau bằng một vạch ngang ở trên đỉnh của 5 vạch thẳng. Nếu khác nhau thì không có liên kết.

Trong “Genjiko” có tất cả 52 đáp án, mỗi đáp án tương đương với mỗi tựa đề của 52 trong số 54 chương của Truyện tình Genji.

Tên của 54 chương trong Truyện kể Genji và nhìn vào đây cũng là công thức để đoán hương

Ngày xưa, Genjiko được đánh giá là trò tiêu khiển thú vị trong thế giới văn hóa cung đình của Nhật Bản. Hiện nay, trò chơi này vẫn được gìn giữ và phát triển trong xã hội hiện đại Nhật Bản.

Sau khi nghe qua mùi hương, những người tham dự một buổi hương đạo sẽ phân định xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại trầm được dùng. Ngoài khả năng thưởng thức hương trầm, họ còn có kiến thức văn hoá và khả năng cảm thụ cái đẹp.

Hương đạo không đơn thuần là nghệ thuật thưởng thức hương trầm. Mỗi lần trầm được xông lên, người tham dự phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương, đồng thời phải nhắc đúng tên loại trầm vừa đốt. Sau buổi hương đạo, người thưởng hương thường ứng tác một bài thơ liên ca nhiều vế về các mùi hương trầm.

<>“Nghe” hương để thấy lòng mình thanh thản

Cũng giống như các đạo khác, thưởng thức hương đạo là cả một quá trình. Người thưởng thức phải hiểu được nguồn gốc, xuất xứ cũng như cách thưởng thức loại hình nghệ thuật này.

Khi cắm hoa, thưởng trà, bạn có thể nhìn thấy những vật thể ngay trước mắt nhưng thưởng hương rất vô hình. Trong cuộc sống hương thơm luôn ở đâu đó. Hương thơm hòa quện với cuộc sống ngay từ khi có cuộc sống.

“Hương đạo không đơn thuần là ngửi hương mà là “nghe” hương. "Để nhận biết được các mùi hương rất khó, bởi lẽ, các mùi hương có vị gần giống nhau. Thưởng hương cần phải tập trung cao độ. Nếu người thưởng hương chỉ một giây xao lãng thì cũng có thể không phân biệt được mùi hương của nó”, nghệ nhân hương đạo Imaizumi Fusako, Câu lạc bộ Hương đạo Shinoryu, Kashiwa cho biết.

Các nghệ nhân hương đạo Nhật Bản hướng dẫn những bạn trẻ Hà Nội cách thưởng hương

Khi thưởng thức hương đạo xung quanh phải tuyệt đối yên lặng, không gian tĩnh mịch, đồng thời không một đồ vật gì được để trước mặt để tránh sự sao nhãng.  

Người thưởng hương có hai cách để phân biệt các loại hương. Cách thứ nhất là dựa vào ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng và mặn. Cách thứ hai là dựa vào xuất xứ của các loại gỗ thơm thường có xuất xứ từ một số nước Đông Nam Á.

Khi thưởng hương mỗi người cảm nhận một cách khác nhau. Người thưởng thức ngồi ngay ngắn và thực sự thư thái, tay phải cầm lư hương đặt vào lòng bàn tay trái, giữ lư hương thật chặt để không bị lắc. Sau đó, bàn tay phải tạo thành hình ống khói để hương không bị bay ra ngoài. Từ từ đưa lư hương lên, hít 3 lần thật sâu vào lồng ngực để cho làn hương nhẹ nhàng thấm qua khứu giác. Cứ như thế lặp lại với các vị hương khác.

Hải Anh, sinh viên đại học FPT đã đạt điểm 5, điểm cao nhất trong trò chơi thưởng hương cho biết “Thưởng hương đạo rất khó và kén người. Hương thơm nhẹ nhàng làm cho đầu óc thư thái. Các vị hương ngọt, đắng, chua, cay và mặn giúp tôi cảm nhận những nốt thăng trầm trong lòng mình”.  

Nghệ nhân Imaizumi Fusako chia sẻ: “Phân biệt các vị hương không giống với phân biệt các loại thức ăn hoặc thức uống. Vì các vị hương đều na ná giống nhau nên khi phân biệt các vị hương là cả một cuộc chiến trong chính bản thân mình. Khi thưởng hương xong bạn phải hỏi ông trời là hương này là hương gì. Ông trời sẽ nói cho bạn loại hương mà bạn đang thưởng thức. Những niềm vui nhỏ khi phân biệt được các loại hương khi thưởng thức hương đạo sẽ khiến tâm hồn con người thêm lạc quan và yêu đời".

Trải qua 500 năm nhưng cho đến nay, những nghi lễ trong hương đạo vẫn không thay đổi, nghệ nhân Imaizumi Fusako cho biết.

Qua cách thưởng thức hương đạo để thấy được chiều sâu của văn hóa của Nhật Bản. Ngoài thưởng hương để thấy lòng mình thanh thản, hương đạo cũng là phương tiện diễn tả nhiều chủ đề văn học. Những yếu tố đó đã tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo cho nghệ thuật Hương đạo Nhật Bản.

<>Linh@