Nhịp sống số

Holey Optochip! của IBM đạt tốc độ 1 Terabit/giây

Holey Optochip! của IBM đạt tốc độ 1 Terabit/giây

IBM vừa tuyên bố vào hôm qua, 7/3 rằng các nhà khoa học của mình đã phát triển được một con chip có thể truyền thông tin với tốc độ lên tới 1 Terabit trên giây. Tốc độ truyền dữ liệu của con chip quang học được biết tới với tên "Holey Optochip" này tương ứng với việc truyền 500 phim chất lượng cao trong một giây, hay toàn bộ kho Thư viện Quốc hội Hoa kỳ trên nền Web chỉ trong vòng một giờ.

Theo IBM, sở dĩ công nghệ này có thể đạt được là nhờ các nhà khoa học của hãng đã tìm rằng với việc đục 48 nhỏ xíu trên con chip, họ có thể đẩy tốc độ của nó vượt xa giới hạn hiện nay, gấp tới tám lần những sản phẩm hiện tại.

 

Chip Holey Optochip của IBM

 

Ngoài tốc độ truyền dữ liệu nhanh, con chip mới này còn có mức tiêu thụ điện rất thấp. Holey Optochip được thiết kế nhắm tới công nghệ xanh, đạt được hiệu năng tiêu thụ điện tốt hơn bất cứ vi xử lý nào trước đây. Điều này cần thiết để cho phép các công ty cần tới hệ thống máy tính hoạt động ở hiệu suất cao tiết kiệm được năng lượng trong khi vẫn sử dụng tốt các ứng dụng mạnh như phân tích dữ liệu, dự đoán...

Việc Holey Optochip được đưa vào thực tiễn không phải là điều không thể, bởi IBM tuyên bố con chip này "được xây dựng với những thành phần hoàn toàn có thể tìm được trên thị trường, cho phép khả năng chế tạo nó ở quy mô đại trà." Tuy nhiên thời điểm nào sản phẩm sẽ thực sự được tung ra thị trường thì chưa thể xác định được.