Bức ảnh này có tên “Mist Lifting Off The Woods”, một tác phẩm của nhiếp ảnh gia DJ Schulte. Tuy nhiên sau khi kiểm tra kỹ lưỡng trang web kể trên, không một ai có thể tìm ra bất kỳ dòng chữ nào có liên quan tới bức ảnh “nền” này, ví như tên tác phẩm, tác giả hay link nguồn của bức ảnh.
Ngay lập tức, một biên tập viên trang blog ‘Vice’ tên Jamie Lee Curtis Taete đã tiến hành một cuộc điều tra nho nhỏ để xác định xem ông Smith có sở hữu bản quyền của bức ảnh này hay không. Tuy nhiên, những người đại diện tại studio ảnh chịu trách nhiệm xuất bản bức ảnh cho biết, rất khó để họ xác định xem liệu rằng Nghị sĩ Lamar Smith có sở hữu bản quyền của bức ảnh “Mist Lifting Off The Woods” hay không.
Vì thế, có thể kết luận một cách mỉa mai, rằng Hạ nghị sĩ Smith, người “có công” phác thảo ra SOPA, cũng là một kẻ đi ăn cắp tác quyền!
Khi biết tin, cá nhân nhiếp ảnh gia DJ Schulte đã gửi riêng cho blog Vice một bức thư, trong đó có đoạn:
“Tôi đã chuyển bản quyền các tác phẩm của mình từ chỗ dựa theo bộ luật sở hữu trí tuệ sang Creative Common vài năm trước. Việc chuyển đổi này cho phép tất cả mọi người được thoải mái sử dụng những tác phẩm mà tôi tạo ra, miễn là họ ghi chú tên tác giả hoặc link nguồn của bức ảnh, cũng như không sử dụng nó vào mục đích thương mại.
Tôi không hề thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên bức ảnh chụp màn hình trang web của ngài Smith chứng tỏ rằng họ có để cập đến chủ nhân bức ảnh (là tôi) hay nguồn cấp bức ảnh này. Vì thế tôi có thể đi đến kết luận rằng tổ chức chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch tranh cử của ngài Smith đã vi phạm bản quyền tác phẩm của tôi. Và nếu chiểu theo bộ luật SOPA, nếu như nó được thông qua, thì tôi hoàn toàn có thể đâm đơn kiện trang web www.texansforlamarsmith.com, và tôi tin rằng mình đủ khả năng giành chiến thắng”.
SOPA, được hậu thuẫn bởi nhiều tập đoàn giải trí có tên tuổi, rất có thể trở thành công cụ hoạt động vì lợi ích riêng của những tập đoàn này. Lấy ví dụ mỗi năm, những hãng thu âm lớn tại Mỹ đã “nhận được” rất nhiều bản thu âm từ những nghệ sĩ độc lập kể cả trong cũng như ngoài Hoa Kỳ nhờ vào những lỗ hổng của hệ thống luật. Trong khi đó, những nghệ sĩ nói trên phát hiện ra công sức và thành quả lao động của họ bị đánh cắp và gần như không thể làm gì để đòi lại khoản lợi nhuận hàng trăm triệu USD mỗi năm đang chảy vào túi các hãng thu âm mà lẽ ra họ phải được hưởng. Việc thông qua SOPA sẽ giống như việc gắn thêm cánh cho hổ, ở đây là các tập đoàn giải trí lớn với đội ngũ luật sư đầy kinh nghiệm và “cáo già”.