Chỉ một vài tháng ngắn ngủi sau khi ra mắt, “con sốt” Google+ đã nhanh chóng lắng xuống tại Việt Nam. Không những thế, nhiều người dùng còn tỏ ra bất mãn và chán mạng xã hội non trẻ này của Google.
Đầu voi…
Ngay từ khi được Google giới thiệu vào cuối tháng 6 vừa qua, mạng xã hội Google+ đã trở thành cơn sốt thực sự với người dùng Internet, và tại Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Dạo quanh các diễn đàn công nghệ đều thấy xuất hiện những chủ đề bàn tán về Google+, phát thư mời tham gia, khám phá các tính năng mới, “circle” để kết nối bạn bè…
Ngoài ra, trên trang web đấu giá trực tuyến eBay.com, chỉ cần gõ từ khóa “Google Plus”, người sử dụng sẽ thấy ngay vô số tin rao bán thư mời tham gia Google Plus với những mức giá vô cùng khác biệt, từ 0.01USD lên đến 99 USD.
Tính riêng tại Việt Nam, từ các diễn đàn công nghệ cao như vozforums.com, vn-zoom, windowsvn.net…cho đến các mạng xã hội như Facebook, Zing Me, linkhay…, các chủ đề liên quan đến thư mời Google Plus đã thu hút được rất nhiều sự tham gia của các thành viên. Cụ thể, tại diễn đàn vozforums, chỉ sau khoảng vài ngày, chủ đề thư mời Google Plus đạt tới hơn 200 trang với khoảng hơn 2000 bình luận.
Google+ khi mới ra đời đã thực sự tạo nên "cơn sốt" tại Việt Nam
Để thử nghiệm mạng xã hội Google Plus, người dùng bắt buộc phải có thư mời và sau khi đăng ký thành công, bạn có thể mời thêm bạn bè cùng tham gia. Sức hút từ “thương hiệu”Google cộng thêm việc giới hạn người đăng ký do trang web đang trong giai đoạn thử nghiệm đã tạo ra một cơn sốt thực sự trong cộng đồng người sử dụng Internet, đặc biệt ở Việt Nam. Thậm chí, nhiều người dùng chỉ vì muốn có thư mời mạng xã hội mới này mà đã mạo hiểm click vào các link chứa virus.
Sau khi trải nghiệm mạng xã hội mới này của Google, nhiều người tin rằng đây sẽ là đối thủ đáng gờm của Facebook cũng như sẽ tạo làn sóng mới ở Việt Nam trong tương lai, nhất là khi Google và những dịch vụ của hãng đang rất được ưa chuộng như Search, Gmail, Picasa…. Những lời khen tặng có cánh như ”Càng dùng càng hay”, “Facebook đã gặp một đối thủ nặng ký”… xuất hiện nhan nhản trên các forum. Và không ít người dùng Việt Nam đã bắt đầu tính đến việc chuyển nhà sang Google Plus hay khởi đầu ngày mới với Google Plus thay vì Faceboook hay Yahoo Messenger như trước.
Đuôi chuột…
Tuy nhiên, dường như chỉ sau hơn 2 tháng xuất hiện, “cơn sốt” Google+ đã lắng xuống và người dùng tại Việt Nam đã chán Google+. Và chỉ sau hơn 3 tháng trải nghiệm, người dùng dường như đã hết mặn mà với mạng xã hội này. Theo kết quả thống kê thì số lượng người dùng và số lượng truy cập Google+ giảm một cách chóng mặt trong thời gian gần đây.
Dạo quanh các trang cá nhân Google+ của người dùng Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy đa phần đều không có thông tin nào được cập nhật, hoặc nếu có thì cũng đã cập nhật từ cách đây rất lâu. Điều này trái ngược hoàn toàn với không khí nhộn nhịp vẫn có trên Facebook.
Theo đánh giá chung của các diễn đàn công nghệ, việc cơn sốt “lập nhà” trên Google+ chỉ mang tính chất phong trào và theo xu thế nhiều hơn là vì những ưu điểm vượt trội của mạng xã hội này, nên việc phong trào lắng xuống sau 1 thời bùng nổ là điều dễ hiểu.
“Google+ cũng vậy thôi, ban đầu tốc độ nhanh chóng măt. Nhưng dân ta thì đua theo phong trào nhanh lắm. Rồi đâu lại vào đó thôi. Không có lý do gì phải tốn thời gian cho 2 mạng xã hội cùng lúc.” - Thành viên Diehard của diễn đàn Voz nhận xét.
Người dùng đã nhanh chóng cảm thấy chán mạng xã hội non trẻ này.
Không chỉ ở Việt Nam mà dường như phong trào Google+ ở trên toàn thế giới cũng đã lắng xuống. Theo ước tính hiện có khoảng 30 triệu người dùng Google+, nhưng hơn 1/2 trong số đó không hoạt động, nghĩa là chỉ lập tài khoản… chỉ để biết Google+ là gì.
Có vẻ như Google vẫn còn phải làm rất nhiều để Google+ thực sự là 1 đối thủ của Facebook, nếu không muốn tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của 2 mạng xã hội Google Wave và Google Buzz, 2 sự “thất bại đáng hổ thẹn” của Google.
Nguyên nhân từ đâu?
Sự sống còn của một mạng xã hội nói riêng hay bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường nói chung đó là nhà sản xuất phải hiểu người sử dụng cần gì và muốn gì. Google+ đang cố gắng “thật hóa” thế giới ảo mà chưa nhận ra rằng người dùng Internet không thực sự muốn điều đó. Thay vì có thể sử dụng nickname như ở các mạng xã hội khác, thì Google+ lại áp dụng chính sách yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật của mình. Chính điều này càng khiến cho mọi người cảm thấy e dè về thông tin của mình khi tham gia Google+. Thậm chí, gần đây, Google+ đã siết chặt yêu cầu này hơn bằng cách đình chỉ một số tài khoản mà người sử dụng dùng nickname thay cho tên thật của mình, vì cho rằng điều này đã vi phạm chính sách chung. Lý do Google đưa ra là nhằm hạn chế số lượng thư rác và hồ sơ ảo trên mạng xã hội của công ty.
Phản hồi lại thông tin trên, rất nhiều người dùng đã cho rằng họ không muốn sử dụng tên thật của mình trên mạng ảo với lý do bảo mật thông tin cá nhân hoặc đơn giản là không muốn phiền phức.
“Khi tìm đến một mạng ảo tức là người ta muốn tách ra khỏi thế giới thực trong một khoảng thời gian ngắn, cho nên tôi không thích chính sách tên thật của Google+” – Một tín đồ của mạng xã hội cho biết.
Không chỉ có vậy, Google+ vẫn tiếp tục duy trì việc sử dụng “thư mời” như một tấm vé thông hành để “không phải ai cũng có thể dễ dàng đăng ký”. Xét về độ “mở” của một mạng xã hội, Google+ đã làm trái ngược hẳn với nhiều “bậc đàn anh” trước đó. Thay vì khuyến khích càng nhiều người dùng đăng ký tài khoản một cách dễ dàng nhất, thì sau 2 tháng hoạt động, người dùng vẫn phải có thư mời mới có thể tham gia vào Google+.
Có thể Google+ muốn tạo một sự riêng biệt và khác lạ cho mạng xã hội của mình bằng cách cho phép người dùng đăng ký với số lượng ít, có chọn lọc và hạn chế thay vì ồ ạt. Tuy nhiên, điều này đã mang đến cho Google+ một không khí khá là lặng lẽ, đìu hiu so với Facebook vốn vẫn ồn ào và náo nhiệt. Điều này có thể dễ dàng thấy khi dạo ngang qua các trang cá nhân của Google+. Và khá nhiều người cho rằng, đó không phải là điều mà họ mong muốn ở 1 mạng xã hội .
Với tâm lý của người Việt Nam, một chút khó khăn, hạn chế trong việc đăng ký sẽ là hiệu ứng tốt để mọi người càng cố gắng có được tài khoản của mình trong thời gian đầu. Nhưng sau đó nếu đi quá đà, điều này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực khi người dùng bắt đầu thấy chán nản.
Nguyên nhân từ đâu?
Ngoài ra, một lý do nữa khiến người dùng xa lánh Google+ là mô hình kết nối thông tin quá “mở”. Mỗi người dùng (user) có thể tạo các nhóm quan hệ (circle) khác nhau và kết nối với (add) bất cứ user nào khác trên Google+ vào các circle của mình. Các circle mà Google+ gợi ý bao gồm “bạn bè”, “gia đình”, “những người mà tôi biết”, thế nhưng người dùng luôn có thể tạo các circle mới. Tiếp theo, người dùng có thể quyết định chia sẽ thông tin bất kỳ với một nhóm quan hệ (mỗi circle) hay nhiều nhóm quan hệ (tất cả circle và circle mở rộng).
Không cần thân thiết, không cần có mối lưu tâm đặc biệt, bạn có thể add một người khác vào circle của mình hoặc chính bản thân nằm trong circle của người khác. Nói một cách khác, Google+ được xây dựng trên mô hình quan hệ kinh doanh tại Mỹ: nhiều người, diễn ra với tốc độ nhanh và bản thân các mối quan hệ không nhất thiết cần đào sâu.
Chính điều này đã gây bức xúc không ít cho người sử dụng. Một số bạn trẻ đã viết trên Google+ : “Tại sao có nhiều người có thể add tôi vào circle khi chưa có sự đồng ý của tôi?” Người Việt Nam vẫn chưa quá quen với hình thức networking. Các mối quan hệ phần lớn được tạo lập từ những lần tiếp xúc trực tiếp hoặc do người khác giới thiệu. Tại Google+, khi một người chưa từng gặp gỡ add một người lạ vào circle của họ, phần đông chính người “được add” sẽ không cảm thấy thoải mái. Yahoo 360 và Facebook, ngược lại, luôn làm cho người dùng cảm thấy an toàn và tự tin ngay trong ngôi nhà của chính mình bởi họ luôn hướng user đến một chức năng điều chỉnh về privacy duy nhất. Người dùng tại Yahoo 360 và Facebook có thể từ chối những lời kết bạn đến từ những người họ không quen, trong khi cách duy nhất để người dùng Google+ làm được điều này là đặt những người khác vào danh sách “Blocked” – nặng nề hơn rất nhiều so với việc “bỏ qua lời mời kết bạn”.
Điểm khác biệt cơ bản của Google+ so với Facebook là tính năng dựa vào email để chia người dùng trong các circle. Từ đó, người dùng có thể quyết định việc chia sẽ thông tin thế nào cho vừa và đủ với các nhóm quan hệ khác nhau. Đây là tính năng mới, nhưng thật sự vẫn chưa được đề cao tại Việt Nam với hai lý do. Thứ nhất, người Việt Nam vẫn chưa nhận thức nhiều về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và quyền sử dụng thông tin cá nhân. Thứ hai, ở Việt Nam, khác với Mỹ, ít chia các nhóm quan hệ xã hội rõ rệt. Ví dụ khi ở Mỹ, bạn sẽ có “bạn trong ký túc xá”, “bạn học trong thư viện”, “bạn chơi thể thao”, … và các nhóm bạn này ít tiếp xúc hay chia sẽ môi trường với nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam, một nhóm bạn thân có thể chia sẽ khá nhiều hoạt động chung: đi học chung, đi chơi chung, v.v. Chính vì vậy, tầm quan trọng của việc chia sẽ thông tin vừa và đủ đến đúng đối tượng cần thiết chưa hẳn là mối quan tâm lớn của người dùng. Lợi thế của Google+ lại biến thành điểm bất lợi tại Việt Nam.
Công bằng mà nói, Google+ là một mạng xã hội với phong cách thiết kế khá bắt mắt, nhưng nó sẽ không sớm thành công ở thị trường Việt Nam cho đến khi người dùng Việt Nam quen dần với hình thức networking hoặc việc nhận thức rõ ràng về việc gửi gắm đúng thông điệp đến đối tượng được nhắm đến.
Và thời điểm hiện tại vẫn còn là quá sớm để khẳng định Google+ sẽ thành công hay không ở Việt Nam. Hiện Google+ vẫn còn đang trong quá trình thu thập phản hồi từ người sử dụng. Có thể trong tương lai gần mạng xã hội này sẽ thay đổi mô hình và trở thành sự lựa chọn của số đông.