Nhịp sống số

Google không thể vì lợi nhuận mà xúc phạm Việt Nam

"Trở lại vấn đề Google Maps, tôi cho rằng nếu phía chúng ta có những động thái phản đối mạnh hơn nữa, chẳng hạn như Bộ Ngoại Giao gửi thư phản đối Google, thì tình hình sẽ khả quan hơn"

Đó là ý kiến của TS Lê Văn Út, Đại học Oulu, Phần Lan, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều bài viết "lật tẩy" đường lưỡi bò phi pháp.

Google phải chịu trách nhiệm về phiên bản tiếng Hoa

TS Lê Văn Út
Đã hơn 15 ngày kể từ khi nhóm các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài gửi thư phản đối đường lưỡi bò trên phiên bản tiếng Hoa của Google Maps. Nhóm các nhà khoa học đã nhận được phản hồi gì từ phía Google hay chưa, thưa ông?

Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Google.

Trang chính của Google Maps không sai nhưng phiên bản tiếng Hoa lại sai, nhiều người đặt nghi vấn đây là lỗi do cố tình. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi nghĩ phiên bản tiếng Hoa của Google Maps bị sai, tức có chèn đường lưỡi bò, và khác với trang chính của Google Maps là lỗi do cố tình,

Tôi chưa biết chính xác ai, bộ phận nào quản lí nội dung trên phiên bản tiếng Hoa của Google Maps, nhưng điều tôi biết là phiên bản tiếng Hoa của Google không phải là trang mạng của Trung Quốc và cũng không phải nằm dưới cự quản lí của Chính phủ Trung Quốc. Bộ phận trực tiếp quản lí trang www.google.cn là Google Ireland Holdings, một chi nhánh của Google ở Ireland.

Google Maps có hai phiên bản tiếng Hoa là http://ditu.google.com và http://ditu.google. cn; địa chỉ IP (internet protocol) cho cả hai đều ở Mỹ, có nghĩa là server ở Mỹ. Vì thế tôi cho rằng chính Google phải chịu trách nhiệm về lỗi trên phiên bản tiếng Hoa của Google Maps.

Mong Bộ Ngoại giao lên tiếng

Các nhà khoa học Việt Nam đã "lật tẩy" được đường lưỡi bò trên Nature. Ông có tự tin sẽ "cắt được lưỡi bò" trên Google Maps phiên bản tiếng Hoa không?

Hiện tại, do chưa nhận được bất cứ phản hồi chính thức nào từ Google nên chúng tôi chưa thể đưa ra nhận định gì.

Thật ra, quá trình "lật tẩy" được đường lưỡi bò trên Nature cũng rất gian nan. Ban đầu, Nature vẫn cứ giữ im lặng, nhưng các lí lẽ thuyết phục của các tri thức Việt đã khiến họ phải cử phóng viên tìm hiểu vấn đề kĩ càng. Nhiều nhà khoa học (GS. Nguyễn Văn Tuấn, GS. Phạm Quang Tuấn,…) đã phải nhiều lần dùng những bằng chứng xác thực để thuyết phục Nature tôn trọng tính minh bạch trong môi trường khoa học.

Xin trở lại vấn đề Google Maps, tôi cho rằng nếu phía chúng ta có những động thái phản đối mạnh hơn nữa, chẳng hạn như Bộ Ngoại Giao gửi thư phản đối Google, thì tình hình sẽ khả quan hơn. Nếu Google Maps vẫn tiếp tục để đường lưỡi bò tồn tại trên phiên bản tiếng Hoa thì tôi thấy Google dường như đang đi ngược lại nguyên tắc trung lập, khách quan và phi chính trị mà một tổ chức uy tín như Google phải có.

Phản đối đường lưỡi bò phi pháp trên Google Maps phiên bản tiếng Hoa

Cũng cần nhắc lại Google đã từng chiều lòng của Trung Quốc bằng việc chặn các từ khóa Taiwan (Đài Loan), Tibet (Tây Tạng). .. trên trang tìm kiếm của Google. Vụ việc này đã làm cho Google bị mang nhiều tai tiếng.

Nhưng thật là khôi hài và lố bịch khi có hai bản đồ khác nhau cho cùng một vùng lãnh thổ trên Google. Hơn nữa, Google không thể vì mục tiêu lợi nhuận mà xúc phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Sẽ có thư ngỏ trên phạm vi toàn cầu

Mới đây, tại hội thảo Biển Đông tổ chức tại Hà Nội, đã có sự góp mặt của nhiều học giả đến từ các nước trong khu vực như Singapore, Phillipines, Indonesia. Ông nghĩ sao về tín hiệu này?

Tôi cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng và rất tích cực. Hội thảo này cho thấy vấn đề Biển Đông không phải là một vấn đề khó công khai hóa (cần thu hẹp tranh luận) như nhiều người đã nghĩ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét chúng ta đã thu được những gì qua hội thảo đó. Tôi hi vọng vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam trong thời gian tới.

Làm thế nào để kêu gọi được sự tham gia của các học giả trong khu vực tới vấn đề đường lưỡi bò nói chung và câu chuyện đường lưỡi bò trên phiên bản tiếng Hoa Google Maps nói riêng?

Hiện tại, có một nhóm các nhà khoa học đã soạn một bức thư ngỏ đề cập đến tính phi pháp và cảnh báo sự phi lí của đường lưỡi bò trên phạm vi toàn cầu. Trong thời gian sắp tới, bức thư này sẽ được phổ biến rộng rãi với mục đích kêu gọi các học giả Việt Nam ở trong nước, ngoài nước và các học giả trong khu vực và quốc tế cùng tham gia kí tên phản đối.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang vận động các cây bút quốc tế tham gia viết về tính phi pháp của đường lưỡi bò, cũng như sự vô lí về lỗi cố tình trên phiên bản tiếng Hoa của Google Maps.

Theo tôi, một vấn đề cực kì quan trọng là những người quan tâm đến Biển Đông ở Việt Nam cần thực hiện các nghiên cứu một cách bài bản về Biển Đông và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế. Khi đó, chúng ta sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế hơn. Vị thế của Việt Nam trong quá trình giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông sẽ trở nên mạnh mẽ và thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo Bee.net