Nhịp sống số

Dự luật SOPA sẽ đưa chúng ta trở về thời hoang dại

Dự luật SOPA sẽ đưa chúng ta trở về thời hoang dại
>Dự luật SOPA đang làm khuynh đảo thế giới Internet trong những ngày vừa qua, và cộng đồng Internet cùng chung tay phản đối dự luật được tạo nên từ những người được cho rằng không hiểu biết gì về Internet. Nhưng người viết có một dự cảm rằng, những người tạo ra dự luật này biết rất rõ về Internet, thậm chí là am hiểu tường tận về nó. Điều mà họ đang làm và muốn làm chính là thay đổi thế giới Internet mãi mãi.


Đằng sau những văn bản đáng sợ SOPA và PIPA là những người đứng về phía các tập đoàn phương tiện truyền thông mạnh mẽ, và họ đang có ý đồ nhen nhóm, thậm chí là khao khát đưa tất cả chúng ta trở về với thuở sơ khai của Internet – năm 1994, thời điểm trước khi World Wide Web ra đời.

Đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời của Internet và các trang web, từ đây người sử dụng trên toàn thế giới được tiếp cận với một thế giới mới cũng vô cùng bao la như thế giới thực, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo thiết lập một thế giới trên Internet riêng cho mình, bất cứ ai cũng có thể thể hiện mình và nhận được sự theo dõi trên thế giới này.


Internet sau đó cũng ngay lập tức trở thành một bộ máy điều phối cho dòng chảy khá chắc chắn của các nội dung sao chép bất hợp pháp, đầu tiên là các hình ảnh, sau đó là âm nhạc và phim ảnh. Các công ty truyền thông lớn đã từng là các nhà độc quyền về kiểm soát và phân phối nghành giải trí đã hoảng sợ và bất lực để ngăn dòng chảy này.

Ngành công nghiệp âm nhạc bị mắc kẹt trong mớ bòng bong mà không thể ngóc đầu lên được trong thế giới kỹ thuật số ở thời điểm đấy. Sự xuất hiện của đĩa CD khiến cho bất cứ ai cũng có thể dễ dàng sao lưu và chia sẻ các sản phẩm âm nhạc, điều này đã rút ruột ngành công nghiệp thu âm trong một thời gian dài với một thất thu không ước lượng nổi.


Ngành công nghiệp điện ảnh từ lâu đã bị một số người mang máy quay vào rạp và ghi lại trọn vẹn các bộ phim, sau đó các bộ phim này xuất hiện trên tay những người bán hàng rong dọc khu phố Chinatown dưới dạng chiếc đĩa DVD. Cũng với cách thức sao chép và chia sẻ vô cùng đơn giản, hàng ngàn hàng triệu bộ phim đến với người xem thông qua Internet, thậm chí là cả những sản phẩm nguyên mẫu rò rỉ từ Hollywood.

Trong khi đó, công nghệ lăng xê và biến người bình thường trở thành nổi tiếng, vốn chỉ nằm trong tay của một số gương mặt đặc biệt của thế giới Hollywood, đã và đang nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Youtube là một ví dụ hoàn hảo.


Tất cả người dùng Internet có thể tạo ra các bộ phim, video âm nhạc và quảng bá chúng một cách hiệu quả và hoàn toàn miễn phí thông qua Youtube, số lượng khán giả theo dõi có thể lên đến hàng triệu người.

Thậm chí bây giờ mọi người có thể tự xuất bản sách và các tác phẩm của mình, đồng thời kiếm được rất nhiều tiền từ việc này. Một nhiếp ảnh gia có thể đăng tải các hình ảnh của mình trên Flickr hay Google+ và thu được hàng nghìn, hàng triệu lượt xem và người theo dõi mà không cần đến một tạp chí hay tờ báo quảng cáo nào khác.


Không chỉ là sách báo, âm nhạc hay phim ảnh nói riêng, Internet trao quyền cho tất cả mọi người có khả năng tạo ra hay hoạt động thương mại và cung cấp các hệ thống phân phối, đi tắt đón đầu với thực tiễn, bỏ qua các rào cản cũ và đến trực tiếp với công chúng.

Điều này hoàn toàn là sự thật. Đôi khi những người sáng tạo dựa vào một phần thành quả và sản phẩm của người khác để kể những câu chuyện của mình, hát những bài hát của mình…

Thực sự các vấn đề liên quan đến vi phạm nội dung bản quyền vẫn luôn tồn tại hết sức khó khăn, dai dẳng và nhức nhối đối với các công ty hay tác giả dựa trên doanh thu từ nội dung mà họ tạo ra để tiếp tục cung cấp và tạo ra các nội dung mới khác, thậm chí đôi khi họ phải dựa vào điều này để tồn tại.


Tuy nhiên ngôn ngữ trong dự luật SOPA và PIPA là hết sức vô lý và cho cảm giác không phải các nhà lãnh đạo cho ra đời dự luật này tạo ra một cơ sở pháp lý để thay đổi các quy tắc trên Internet, điều họ hướng tới chỉ là mục đích của họ và những cá nhân, tổ chức ủng hộ đứng đằng sau: Xóa bỏ và dập tắt hoàn toàn các trang chia sẻ nội dung như Youtube, Twitter, Tumblr…

Sợ hãi là một động lực mạnh mẽ, các công ty truyền thông ủng hộ dự luật SOPA và PIPA của chính phủ Mỹ đã từng run sợ trước sự phát triển của Internet và những thiệt hại và nó gây ra đối với họ.


Nếu dự luật SOPA và PIPA được thông qua, toàn thể cộng đồng người sử dụng Internet trên đất Mỹ nói riêng và thế giới nói chung cũng sẽ lâm vào tình thế phải lo lắng và sợ hãi. Một thế giới mở vô cùng bao la mà họ vốn sống yên bình trong đó sẽ hoàn toàn biến mất. Mọi nhu cầu, sở thích, thói quen và cả niềm đam mê vào các câu chữ, hình ảnh, bài hát, bộ phim hay tất tần tật mọi thứ trên Internet của người sử dụng sẽ “bấu víu” vào đâu? Mọi người buộc phải từ bỏ thế giới tinh thần của mình?

Lúc đó câu trả lời sẽ là các công ty truyền thông đang ủng hộ dự luật của chính phủ Mỹ, họ sẽ đứng đó, mỉm cười với bạn với một vòng tay rộng mở. Một tay họ sẽ trao cho bạn một cái ôm thật chặt và ấm áp, còn tay kia, sẽ xòe ra thu tiền của bạn!

Tham khảo: Mashable