Nhịp sống số

Di động tháng 10: Khách ngắm thì nhiều, khách mua vẫn ít

Chưa phải mùa mua sắm cuối năm, tháng 11 là thời điểm ấp ủ của các hãng di động trong cuộc đua doanh số các tháng sau đó và vì thế dù ra mắt rất nhiều dòng điện thoại mới thì đây cũng vẫn chưa phải là lúc các chương trình kích cầu được tung ra.

<> 

Hàng trên 10 triệu: nhiều nhưng bán chậm


Chưa đầy trong vòng một tuần từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, đã có 5,6 mẫu máy điện thoại thuộc phân khúc này được đưa về Việt Nam qua cả con đường chính hãng lẫn xách tay.

 

Đáng chú ý trong số đó có thể kể đến như Sony Ericsson Arc S, Samsung Galaxy Tab 8.9" hay Sony Ericsson Xperia Pro, giá bán tương ứng 13,4 triệu,13,5 triệu và 10,5 triệu. Tất cả đều thuộc dòng điện thoại và máy tính bảng cao cấp với cấu hình mạnh và HĐH Android.

 


Samsung Galaxy Note nổi lên trong số các smartphone cao cấp mới ra mắt.

 

 

Tuy nhiên, thay vì xuất hiện trong những show quảng bá rầm rộ thì những sản phẩm này lại ra mắt một cách âm thầm và thậm chí nếu không tình cờ vào các website mua bán điện thoại thì có lẽ chẳng mấy ai biết sự ra mắt của các sản phẩm này.

 

Mẫu máy Samsung Galaxy Note sau một thời gian giới thiệu tại hội chợ IFA cũng đã xuất hiện tại Việt Nam với mức giá lên tới xấp xỉ 18 triệu đồng. Nhằm vào phân khúc thị phần ngách với những khách hàng tương đối đặc biệt, mẫu di động 5.3 inch của Samsung cũng chưa rõ số phận liệu có hàng chính hãng bán trong nước hay không.

 

Điểm mặt các sản phẩm bán chạy tại thời điểm này thì Samsung Galaxy S II vẫn là một ngôi sao sáng với sản lượng bán chạy nhất tại các điểm phân phối. Việc ra mắt thêm phiên bản trắng cùng với chương trình tặng sạc cốc và pin chính hãng cũng như mức giá xấp xỉ 12,5 triệu, đây được xem là một sản phẩm có tính cạnh tranh cao trong phân khúc này. Tuy nhiên sau vụ tai tiếng về chất lượng Galaxy S II sản xuất trong nước thấp hơn đồ nhập khẩu, bất chấp những lời giải thích của Samsung, doanh số bán hàng chính hãng vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ.

 

Nếu như tháng trước HTC đình đám với HTC EVO 3D bao nhiêu thì dường như thời điểm này vẫn chưa phải là lúc cho thương hiệu này trỗi dậy. HTC Sensation XE chưa ra mắt chính thức trong khi các di động khác như EVO 3D, Sensation, ChaCha giá bán vẫn còn cao cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người mua.

 

Dự kiến trong tháng này, các mặt hàng trên 10 triệu sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với các mức giảm đáng kể. Mới đây LG Optimus 3D cũng đã có sự điều chỉnh nhẹ về giá, chỉ còn mức 11,2 triệu và tạo áp lực lớn cho các đối thủ cùng phân cấp với tính năng độc đáo và hệ vi xử lý lõi kép.

 

 


Nokia N9 ưa nhìn cùng nhiều khuyến mại nhưng MeeGo OS khiến người dùng e dè.

 

 

Nokia N9 với mức giá 13,2 triệu cũng là một sản phẩm lạ mắt và có thể xem như là gương mặt đang được truyền thông nhiều nhất trên thị trường cùng chương trình khuyến mại đa dạng. Tuy nhiên phản ứng từ phía người dùng lại tỏ ra khá e dè với dòng máy mới cùng HĐH lạ lẫm này bởi sau cái dớp của N900, MeeGo vẫn bị đánh giá là một hệ điều hành ẩn chứa nhiều rủi ro vì ít ứng dụng và không biết lúc nào sẽ bị Nokia cho "ra rìa".

 

Một nghịch lý năm nay là iPhone 4S - hiện đang đứng ở mức giá xấp xỉ 21 triệu lại bán ra chậm hơn iPhone 4 dù nguồn hàng cũng khá dồi dào và giá cả đã tiệm cận mức hợp lý hơn. Lý giải điều này, nhiều chủ cửa hàng đã cho rằng: "Người Việt ưa hình thức mà iPhone 4S không thay đổi nhiều về thiết kế cùng mức giá chênh lệch nhiều khiến khách hàng chưa lựa chọn nhiều".

 

Chính việc khách hàng quay lại chọn mua iPhone 4 khiến giá của sản phẩm này bị đẩy lên 15%, xấp xỉ 15,3 triệu/máy 16GB Quốc tế. Ngoài ra, việc Apple ngưng phân phối của các phiên bản 16GB, 32GB trên toàn thế giới cũng là một tác nhân khiến iPhone 4 tăng giá.

 

Phân khúc dưới 10 triệu: đã và sắp giảm giá mạnh


Đáng chú ý nhất trong phân khúc này là LG Optimus 2x đột ngột giảm giá xuống dưới 10 triệu, còn 9,8 triệu, đưa nó trở thành chiếc điện thoại lõi kép đầu tiên thuộc phân khúc này và cũng là sản phẩm đang nhận được sự quan tâm nhất của khách hàng, nhất là sau khi có thông tin máy đủ điều kiện nâng cấp lên Android 4.0 Ice Cream Sandwich từ chính LG. Nhiều khả năng từ nay đến cuối tháng, Sony Ericsson Xperia Play - giá hiện tại đang 10,5 triệu cũng gia nhập đội quân giảm giá khi Sony có những chính sách mới cho sản phẩm "ế chợ" này.

 

 


Sony Ericsson tung ra nhiều mẫu máy dưới 10 triệu nhưng chưa mẫu nào ấn tượng.

 

 

Hiện tại phân khúc này vẫn chưa có nhiều mẫu máy mới ngoài vài sản phẩm của Sony Ericsson gồm Xperia Ray, Neo V và Active (giá từ 8,5 triệu đến 9,5 triệu) nhưng chưa đủ sức cạnh tranh bởi cấu hình không đủ mạnh và thiết kế nam tính, vỏ nhựa.

 

Nokia cùng các dòng sản phẩm nền Symbian Belle cũng không gây ấn tượng mạnh nếu như không muốn nói là mờ nhạt. Nếu E6 ít nhiều còn được khách hàng chú ý bởi đây là gương mặt thay thế cho E71/E72 một thời thì Nokia 701 lại khó có cửa bán bởi thiết kế xấu, cấu hình bình thường, giá gần 8 triệu.

 

Đáng nói là trong danh sách này HTC không có gương mặt nào ngoài ChaCha, Wildfire S. Nhiều khả năng trong vài tuần tới danh sách hàng dưới 10 triệu sẽ có sự xuất hiện của series HTC Desire bởi đã hết vòng đời sản phẩm.

 

Hàng từ 3 đến 6 triệu: bán tốt, nhiều mẫu mới


Phân khúc hàng tầm trung vẫn là "cửa kiếm" của các đại gia di động bởi đây là nơi tập trung các dòng máy giá hợp túi tiền cùng chức năng vừa phải. Sự lên ngôi của các dòng smartphone Android giá rẻ đã khiến thị phần này sôi động hơn với nhiều mẫu mã và chủng loại từ nhiều thương hiệu.

 

 

Các dòng máy smartphone cảm ứng giá dưới 4 triệu lên ngôi.

 

 

LG có Optimus Pro C660 (3,9 triệu), Samsung có Galaxy Y (khoảng 3,3 triệu), Sony Ericsson có W8 (4,8 triệu)..., tất cả tạo nên một bức tranh sôi động của thị trường. Điểm chung các dòng máy này là sử dụng HĐH Android và hỗ trợ các kết nối không dây cao cấp cùng màn hình cảm ứng, giúp lướt web và trải nghiệm các ứng dụng tương đối dễ chịu.

 

Đáng ngạc nhiên nhất trong danh sách các sản phẩm bán tốt của phân khúc này chính là việc Nokia E63 vẫn còn xuất hiện mặc dù đã có mặt gần 4 năm trên thị trường. Giá chỉ xấp xỉ 3,5 triệu, cấu hình vừa phải cùng pin lâu, bàn phím QWERTY, hỗ trợ 3G, WiFi chính là điểm nhấn của sản phẩm này, thích hợp với những ai cần một chiếc điện thoại phục vụ cho công việc.

 

Dưới 3 triệu: Đất sống của feature phone, 2 SIM 2 sóng


Có lẽ chưa bao giờ thị trường được chứng kiến một sự ra mắt ồ ạt của các dòng điện thoại 2 SIM 2 sóng bàn phím QWERTY mà giá chưa tới 3 triệu như năm nay. Các mẫu Motorola EX119, LG C375, Phillips F322 được tung ra thị trường với giá bán từ 2 đến 2,2 triệu đồng, đáp ứng thị hiếu người dùng trẻ bởi thiết kế trẻ trung và các kết nối đa dạng, tích hợp sẵn ứng dụng mạng xã hội.

 

Đây cũng là nét mới của phân khúc này bởi lẽ hàng năm các dòng máy dưới 3 triệu thường thuộc về dòng điện thoại nghe nhạc giá rẻ. Với sự lên ngôi của các mạng xã hội trong những năm trở lại đây, xu hướng sử dụng các dòng máy bàn phím QWERTY ngày một tăng cao và lẽ dĩ nhiên các hãng cũng chạy đua ra mắt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

 

 

Làn sóng điện thoại 2 SIM 2 sóng - bàn phím QWERTY đang thịnh hành.

 

 

Ít tiền hơn nữa là các dòng máy dưới 1 triệu đồng, vốn là mảng thị trường chiếm thị phần áp đảo trong bức tranh toàn cảnh viễn thông di động. Các feature phone năm nay không có nhiều đột phá ngoài xu hướng 2 SIM 2 sóng của Nokia, LG hay Samsung gồm Nokia 101, Samsung E1182, LG A155 nằm trong khoảng giá 950 ngàn đồng đang khá thịnh hành.

 

Đáng chú ý nhất là cuối tháng 10 vừa qua, chiếc điện thoại "không tên" của Beeline nổi lên như một hiện tượng của di động siêu rẻ khi được khách hàng lùng mua cùng gói SIM tỷ phú của nhà mạng này. Với mức giá khoảng 150 ngàn đồng niêm yết, chiếc điện thoại này xứng đáng được đi vào Guinness Việt Nam dành cho chiếc điện thoại có mức giá rẻ nhất.

 

 


Beeline phone - cơn sốt của chiếc điện thoại rẻ nhất Việt Nam.

 

 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơn sốt "điện thoại tỷ phú" đã dịu đi phần nào và có lẽ trong thời gian tới ta sẽ ghi nhận được những phản hồi của người dùng về chất lượng của chiếc điện thoại siêu rẻ này.

 

Tháng 11 mới chỉ bắt đầu nhưng dễ thấy phải đến sát mùa mua sắm, tức những ngày cuối tháng thị trường mới có những chuyển biến rõ nét cùng những đợt giảm giá, siêu khuyến mại từ các nhà phân phối, nhà sản xuất. Có lẽ, điều cần làm nhất bây giờ là hãy nên để dành tiền bởi những chiếc điện thoại đình đám nhất năm 2011 đều đã ra mắt và người dùng nên chờ cơ hội với những chương trình khuyến mại, trợ giá hợp lý là có thể sở hữu chú dế mình ưng ý.