Dextre, robot được các nhà khoa học Canada chế tạo phục vụ trạm vệ tinh vũ trụ quốc tế đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của việc thử nghiệm tiếp nhiên liệu cho một vệ tinh nhân tạo.
Công việc mà Dextre thực hiện có thể giúp giảm lượng rác thải vũ trụ đang tràn ngập trên quỹ đạo của hành tinh chúng ta.
Dextre thực tế cao khoảng 3,6 m và sử dụng một công cụ đặc biệt để cắt sợi dây buộc nắp bình nguyên liệu mô hình RRM với độ chính xác rất cao. Steven MacLean, chủ tịch cơ quan Vũ trụ Canada nói: "Với 30 năm kinh nghiệm thông qua việc chế tạo Canadarm, Canadarm2 và giờ là Dextre, Canada đang phát triển công nghệ chế tạo robot không gian của mình đạt độ chính xác tới từng milimet".
Vệ tinh nhân tạo thử nghiệm được cung cấp bởi NASA có kích thước bằng một chiếc máy giặt và có đầy đủ tính năng cũng như thiết kế giống các vệ tinh hiện đang sử dụng. Robot được điều hành trong môi trường chân không để tiếp nhiên liệu cho các vệ tinh đã vào quỹ đạo, và cho cả những vệ tinh không được thiết kế ban đầu cho việc tiếp nhiên liệu.
Nhiều vệ tinh đã trở thành rác thải vũ trụ khi chúng hết nhiên liệu. Với gần 200 vệ tinh đã ngừng hoạt động đang quay xung quanh trái đất, sự va chạm và tạo ra các mảnh vỡ bắn ra với tốc độ cao sẽ trở thành một nguy cơ trong tương lai với hành tinh chúng ta. Việc đưa Dextre vào hoạt động sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ này.
Trong suốt thời gian thử nghiệm kéo dài ba ngày, hành trình của Dextre được điều khiển từ mặt đất bởi các nhân viên tại một trung tâm CSA và ba trung tâm NASA. Dextre theo dự kiến sẽ chính thức tiến hành tiếp nhiên liệu cho các vệ tinh nhân tạo vào mùa hè này.
Theo Cnet