Nhịp sống số

Câu chuyện của một nhân viên nhà máy sản xuất iPhone

Trong chuyến đến thăm tìm hiểu nhà máy Foxconn, CNN đã tình cờ gặp được 1 nữ công nhân của nhà máy Foxconn. Cô trông giống như mọi công nhân các xưởng lắp ráp Trung Quốc khác: trẻ, sôi nổi và mặc bộ đồ mang thương hiệu rẻ tiền.
 

Ban đầu cô từ chối trả lời phỏng vấn bởi nếu bị bắt được, cô sẽ không chỉ bị mất việc mà còn bị truy tố nữa. Sau khi CNN đảm bảo sẽ bảo vệ tên tuổi và phỏng vấn ở nơi không ai nhòm ngó, cô mới đồng ý phỏng vấn và cô có rất nhiều điều để chia sẻ.

 

Hãy gọi cô ấy là cô Chen – 1 trong hơn 1 triệu công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy Foxconn – công ty chế tạo ra các sản phẩm điện máy cho rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Apple.
 

 

Mối quan hệ giữa Foxconn và Apple đang là 1 trong những điểm nóng hiện nay. Báo chí tràn ngập những lời chỉ trích về điều kiện làm việc ở Foxconn và Apple không thể tránh khỏi liên đới. Thời gian làm việc bất ngờ và kéo dài đến mức không thể chịu được, nếp sống quân đội, không được nói chuyện trong nhà máy, mức lương thấp – đó mới chỉ là 1 số lời buộc tội từ những tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân.

 

Cả Foxconn và Apple đều đã lên tiếng bào chữa cho chính mình. Foxconn cho rằng điều kiện làm việc của họ tốt hơn hầu hết các nhà máy ở Trung Quốc và nhấn mạnh rằng họ có bể bơi, có trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khỏe. Còn về phía Apple, Tim Cook lên tiếng: “Chúng tôi quan tâm đến tất cả mọi công nhân trong dây chuyền cung cấp sản phẩm toàn thế giới. Chúng tôi đã nhắc nhờ các nhà sản xuất cung cấp điều kiện làm việc an toàn, tôn trọng công nhân và duy trì 1 môi trường làm việc trách nhiệm” và “Các nhà cung cấp phải đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi nếu muốn tiếp tục làm việc với Apple”.

 

Sau khi nghe kể về những chuyện này, Chen chỉ đơn giản nói: “Có thể Apple có quan tâm, nhưng tôi chẳng thấy dấu hiệu gì của sự quan tâm ấy” và chia sẻ cho chúng ta sự thật về điều kiện làm việc tại Foxconn: làm việc quá tải, cảm thấy như “động vật”, thức ăn tệ, lương thấp và áp lực kinh khủng. Nếu họ phàn nàn thì: “Nếu bạn không thích thì có thể bỏ việc”. Ở Trung Quốc luôn có người thay thế vị trí của bạn.

 

“Tại Foxconn chúng tôi có 1 câu nói, phụ nữ làm việc như đàn ông và đàn ông làm việc như những chiếc máy. Hay nói 1 cách dễ hiểu hơn là phụ nữ làm việc như đàn ông và đàn ông làm việc như động vật”.

 

Công việc, công việc, công việc, đó là tất cả cuộc sống của Chen. Thông thường giờ làm việc là 60 giờ 1 tuần nhưng cô phải làm thêm rất nhiều giờ nữa để nhận được những đồng lương làm việc thêm giờ quý giá. Mức lương 1 tháng của cô là 200 USD (hơn 4 triệu đồng).

 

“Thật quá chán nản, tôi không thể chịu nổi nữa. Mỗi ngày của tôi là kết thúc công việc và đi ngủ. Buổi sáng thức dậy và đi làm. Nó trở thành thói quen hàng ngày và tôi cảm thấy tôi như 1 loại động vật vậy”.
 

 

“Động vật” là từ mà Chen nhắc lại rất nhiều lần. Foxconn muốn đảm bảo rằng họ kiểm soát được các công nhân của mình. Chen chỉ cho CNN thấy 1 tòa nhà ký túc xá nơi cô ăn và ngủ. Tòa nhà ấy trông như 1 thành phố nhỏ với các nhân viên bảo vệ có vũ trang. Các công nhân ra vào theo từng ca và luôn chạy trốn khi CNN tới gần.

 

Nhiều người có thể cho rằng những công ty như Foxconn mang đến việc làm cho hơn 1 triệu người dân Trung Quốc và hiện vẫn có hơn 10 nghìn người xếp hàng để mong được làm việc cho Foxconn. Tuy nhiên Chen cũng như những công nhân làm việc trong Foxconn không hề hạnh phúc chút nào. Trong năm 2010 đã có rất nhiều công nhân Foxconn phải tự tử. Chỉ vài tuần trước công nhân Vũ Hán cũng đe dọa tự tử nếu họ bị chuyển sang nhà máy khác. Chen cho biết cô không thể chịu đựng nổi tiếp tục làm việc cho Foxconn nữa. Làm việc liên tục hàng giờ liền để tạo ra 1 sản phẩm mà cô không bao giờ có thể mua cho 1 công ty kiếm hàng tỷ USD mỗi năm là quá sức với cô.

 

Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng dù lắp ráp màn hình cho iPad nhưng Chen chưa bao giờ nhìn thấy 1 chiếc iPad cả. Bạn có thể xem phản ứng của Chen khi cầm vào iPad qua video sau.
 
 
Tham khảo CNN