Nhịp sống số

Bộ KHCN đầu tư 124 tỷ vào dự án sản xuất chíp lớn nhất Việt Nam

Dự án có tổng kinh phí đầu tư 145,756 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ Ngân sách Bộ Khoa học và Công nghệ và 20,931 tỷ đồng từ Tổng Công ty Công nghệ Sài Gòn (CNS).

<></>

Một vi mạch do Việt Nam thiết kế. Ảnh minh họa.

Dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng" do Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC)  - Đại học Quốc gia TPHCM làm chủ nhiệm, sáng 24/11 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư.

Theo đó dự án được thực hiện trong 4 năm, thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN1632) và các lõi IP có liên quan, từ đó tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng thẻ chip RFID.

Trong dự án này, ICDREC sẽ hợp tác với các trường Đại học/ Học viện khác như Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (tất cả trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM); Học viện Kỹ thuật Quân sự; Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Bưu Chính Viễn Thông.

Sau khi kết thức dự án, CNS và ICDREC sẽ cùng phối hợp để kinh doanh các dòng sản phẩm đã được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công.

Công nghệ RFID được sử dụng rất nhiều ở các nước, nó được dùng để làm thẻ từ và đầu đọc nhằm sử dụng trong các hoạt động quản lý nhân viên ra vào, quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý giao thông, trong các siêu thị, hộ chiếu, CMND điện tử...

Loại công nghệ này đã được ứng dụng trong giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên của Việt Nam đã được hạ thủy thành công (Tập đoàn dầu khí) và Cần cẩu siêu trưởng, siêu trọng (Nhà máy cơ khí Quang Trung).

<>Hoài Lương</>

Theo KHĐS