Nhân tiện việc Amazon ra mắt Kindle Fire và Kindle $79 cùng bàn 1 chút về thành công của dòng sản phẩm này.
Lý do đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi lý giải sự thành công gần như tuyệt đối của Amazon Kindle là công nghệ E-Ink, màn hình hiển thị như đọc sách thật. Nhưng nếu đấy là lý do chính thì tại sao thiết bị Librie của Sony ra mắt trước đó 3 năm tại một trong những thị trường 'ăn sách' nhất thế giới là Nhật - lại thất bại?
Câu trả lời thật sự về chiến thắng của Kindle không đơn giản như vậy mà nó nằm ở phía sau cánh gà, Kindle có những thứ mà Sony không thể có - những thứ làm nên sự khác biệt của các loại thiết bị mà nhìn qua có vẻ là giống nhau. It's what you don't see that counts - đôi khi những gì không nhìn thấy mới là quan trọng
Năm 2003, Yoshitak Ukita, thiết kế gia nổi tiếng của hệ máy Discman đã phát triển một 'bản nháp' của máy đọc sách điện tử có màn hình hiển thị giống như đang đọc sách thật. Ông đã giới thiệu cho các nhà xuất bản sách như thế này: "Một ngày nào đó, hàng triệu người sẽ đọc sách của các ngài qua một thiết bị như thế này. Lưu trữ được 500 quyển sách và chỉ nặng có 300 gram - đây chính là tương lai!"
Tất nhiên đại diện các nhà xuất bản không thể chối từ, đặc biệt khi đây lại là một sản phẩm của Sony. Vậy là họ đồng ý hợp tác để xuất bản sách trên thiết bị này, thậm chí còn muốn tham gia đầu tư tài chính. Nhưng! nhưng mỗi nhà xuất bản chỉ đồng ý đưa ra 1000 đầu sách mà thôi. 1000 đầu sách nghe thì có vẻ nhiều nhưng nó chỉ như muối bỏ bể. Máy đọc sách điện tử sẽ dùng để làm gì nếu nó chỉ có 'một ít' đầu sách so với số lượng sách khổng lồ mà người dùng có thể mua và đọc, cầm trên tay?
Vậy là Librie lại 'dính' phải một lời nguyền - Lời Nguyền Của Sản Phẩm Không Hoàn Thiện, Curse of the Incomplete Product.
Jeff Bezos nhìn thấy Librie lần đầu tiên năm 2004 tại một hội thảo, ông thốt lên "Trời! Cái-máy-này có thể làm mình phá sản mất!". Ngay lập tức ông đặt mua 30 Librie cho nhân viên nghiên cứu tìm hiểu. Rồi sau đó người ta thấy ông 'nói chuyện' với E-Ink về việc sẽ tự sản xuất một thiết bị như vậy. Với một website bán sách trực tuyến mà lại đi sản xuất thiết bị phần cứng thì thật là kì lạ!
Bezos giao lại dự án cho Steve Kessel, cánh tay phải của mình, thiết lập phòng thí nghiệm số 126 tại Silicon Valley, cách khá xa văn phòng điều hành của Amazon ở Seattle, để hiện thực hóa sản phẩm này.
Khi Amazon tung Kindle ra thị trường, nó đã có wifi - hơn hẳn kết nối USB của Sony một bậc. Nhưng lợi thế thực sự của nó là ở danh mục sách điện thử khổng lồ đi kèm, với 88,000 đầu sách. Công nghệ "Search Inside the Book" - tìm trong nội dung của sách, Kindle của Amazon lại càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Bất cứ ai có tài khoản Amazon cũng có thể mua sách điện tử chỉ với 1 click chuột, hầu hết giá chỉ khoảng 10 đô-la, quá rẻ so với giá của sách in. Cũng nên nhớ rằng, tại thời điểm đó, Amazon đã có tới 65 triệu người dùng là những tín đồ shopping trên mạng. Cửa hàng trực tuyến Shoppers in Connect của Sony ngay lập tức nhận ra mình đang đứng giữa một hoang đảo.
Nếu nhìn vào Kindle, nhìn vào thông số phần cứng, bạn sẽ chẳng thấy được mối quan hệ giới hàng triệu khách hàng và hàng nghìn nhà xuất bản của Amazon. Bạn cũng không thể nhìn ra được cửa hàng sách trực tuyến khổng lồ hay tính năng gợi ý sách theo sở thích cá nhân của họ. Nhưng tất cả những thứ không thể nhìn thấy được đó lại chính là chìa khóa thành công của Kindle, điểm khác biệt chết người giữa Kindle và Librie.
Lô Kindle đầu tiên bán hết chỉ trong vòng năm-tiếng-rưỡi. Amazon đột phá trong suy nghĩ, dám lao vào lĩnh vực sản xuất phần cứng - vốn là sở trường của Sony - nhưng vẫn thành công. Đơn giản là bởi vì Amazon đưa ra được 1 giải pháp toàn diện: sách - dịch vụ - máy đọc sách và tổng hợp dữ liệu người dùng.
E-Ink biến sách điện tử thành hiện thực, còn những thứ 'vô hình' đã biến Kindle thành kẻ chiến thắng.
Và với những thứ 'vô hình' như vậy, không khó để dự đoán Kindle Fire sẽ lại tiếp bước thành công như đàn anh đàn chị Kindle của nó.