Sự cực thịnh của các nội dung số trên các thiết bị công nghệ đang trở thành trào lưu mới, doanh thu cao nhưng tại Việt Nam, việc kinh doanh các nội dung này không đi kèm đạo đức, tôn trọng bản quyền.
Ngang nhiên bán đồ ăn cắp
"Nếu ăn cắp một chiếc xe máy, một viên kim cương với giá trị vài chục triệu, vài trăm triệu thì kẻ trộm rất dễ bị xác định và sau đó truy tố tội danh cũng như án tù từ vài năm đến cả chục năm. Nhưng với nội dung số, việc ăn cắp gây thiệt hại lớn hàng trăm triệu đã trở thành... ngang nhiên giữa ban ngày", đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Trung, chuyên gia pháp lí về bản quyền nội dung khi trao đổi về vấn đề bản quyền nội dung số.
Quả thực, ngót gần 8 năm kể từ khi Việt Nam tham gia công ước Berne với những điều khoản quy định chặt chẽ về tác quyền cũng như các quy ước về việc sử dụng sản phẩm nội dung. Cũng cùng thời điểm ấy, nền công nghiệp nội dung số Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ với hàng trăm, hàng ngàn website cung cấp nội dung về nhạc, sách, hình ảnh... phục vụ nhu cầu người dùng.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo một thống kê chưa đầy đủ thì có tới 90% nguồn nội dung mà các đơn vị kinh doanh trên Internet là vi phạm bản quyền và số tiền thất thoát tính theo đơn vị ngày có thể lên tới hàng tỉ đồng.
Đa phần các nội dung số đang vi phạm bao gồm nhạc, phim ảnh, phần mềm ứng dụng PC và gần đây là các ứng dụng di động. Điều đáng nói là, nếu ăn trộm, ăn cắp vật chất thông thường phải chui nhủi, lén lút thì các website, đơn vị này hoạt động một cách ngang nhiên và trắng trợn, thậm chí còn tổ chức truyền thông cho nội dung ăn trộm về để dễ bán hàng.
Tại AppStore, nơi vốn là "thánh địa" của tín đồ iOS cũng như nơi mà Apple đề cao vấn đề bản quyền thì các ứng dụng Việt Nam đang trở thành vấn nạn nhức nhối của chợ ứng dụng này. Không giống câu chuyện về AppStore "rởm" kinh doanh ứng dụng lậu, tình huống lần này lại thiên về những nội dung số được cung cấp dựa trên các ứng dụng có tính phí.
Hàng loạt ứng dụng tải truyện - cho phép người dùng tải các bộ truyện tranh, sách best-sellers về điện thoại, máy tính bảng được bày bán một cách công khai với mức giá khá cao. Dưới chiêu thức cho tải truyện miễn phí thông qua việc bán ứng dụng, các đơn vị tham gia AppStore đã "lách luật" để kinh doanh công sức của người khác một cách trắng trợn.
Hàng loạt cuốn sách như Dạy con làm giàu, truyện tranh Đôrêmon... với nội dung là bản scan lậu đều được bán thông qua ứng dụng và người dùng chỉ việc trả phí một lần cho việc mua ứng dụng cài đặt vào PC, máy tính bảng hoặc điện thoại.
Một đại diện nhà xuất bản có nội dung bị sao chép "bán chui" kiểu này cho biết: "Nguyên tắc trong hợp đồng bản quyền với đối tác nước ngoài rất rạch ròi ở con số bản in, lần tái bản và thậm chí là giá bán ấn định trên từng đầu sách. Còn việc chuyển tải thành nội dung số kinh doanh trực tuyến thì chắc chắn không được phép trong bất kì điều khoản nào".
Vấn đề sách là vậy, nhạc số cũng là một cái gai nhức nhối của nền công nghiệp nội dung số Việt Nam trong những năm gần đây. Vấn nạn nhạc số có lẽ không cần nói nhiều bởi sau sự việc Thái Thuỳ Linh kiện nhiều website nhạc số đòi 400 triệu hay gần đây nghệ sĩ Phương Nga bật khóc khi mất hàng trăm triệu vì album bị sao chép, phát tán trái phép trên mạng thì dường như câu chuyện này sẽ không có hồi kết có hậu.
Nhen nhóm gần đây là sự xuất hiện của hàng loạt nội dung phim ảnh dán nhãn chất lượng cao đang được triển khai rầm rộ trên Internet bởi các website khá... uy tín, có tư cách pháp nhân.
Đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dùng, các đơn vị này không ngần ngại đưa lên các phim "bom tấn", phim bộ mới nhất lên website của mình để phục vụ miễn phí hoặc thu phí qua tài khoản nhắn tin nạp tiền. Bằng chiêu bài cũ rích là đẩy quả bóng trách nhiệm sang thành viên upload, các website phim này ngang nhiên lách luật đưa ra các nội dung phim ảnh bạo lực, vi phạm bản quyền và không chỉ riêng phim nước ngoài, các tựa phim Việt Nam như "Hotboy nổi loạn" cũng xuất hiện dù chỉ mới ra rạp cách đây chưa lâu.
Hầu hết các đơn vị, cá nhân nắm giữ bản quyền của các tác phẩm này khi được hỏi về vấn đề chia sẻ doanh thu hay có được chi trả tiền tác quyền hay không đều thở dài đánh thượt thay câu trả lời, bởi họ chẳng được hưởng lợi ích gì từ các kênh kinh doanh nội dung số này.
Vô vọng vì ý thức kém
Nói đến câu chuyện ý thức người sử dụng, rõ ràng đây là một vấn đề nhạy cảm và hạ hồi phân giải bởi mỗi khi đụng đến, cái tâm lí "tiểu nông" của nhiều người lại nhảy dựng lên rằng họ vi phạm bản quyền vì... nghèo, vì ai cũng vi phạm, mình đi trả phí thì thành... dở hơi, và rồi bản quyền nội dung số vẫn là vấn đề nhức nhối nan giải.
Trong một nỗ lực gần đây, đơn vị cung cấp sách điện tử tiên phong tại Việt Nam cũng đang đưa ra mức giá khá hợp lí với giá khoảng 99.000 đồng/đầu sách, nhưng xem ra vẫn không thể "chọi" lại đám "gian thương" đông và nguy hiểm.
Những con số biết nói từ các nghệ sĩ cung cấp dựa trên tính toán về sự thiệt hại của album, ca khúc, phim ảnh bị sao chép trái phép chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo một cách tính đơn giản dựa trên thống kê của một nhà cung cấp dịch vụ nội dung thì mỗi 10 phút có khoảng 5.000 ca khúc được tải từ Internet về máy tính và tương ứng với số tiền khoảng 15.000 đồng/ca khúc, con số này thật khủng khiếp.
Một đơn vị cung cấp nội dung số hiện đang chuẩn bị cung cấp sách điện tử PRC (định dạng tương thích với các sách điện tử Kindle, máy tính bảng...) cũng phân vân trong kế hoạch kinh doanh bởi: "Nếu bán đắt thì chẳng ai mua nhưng nếu bán rẻ 15000 đồng/truyện thì chỉ sau vài phút là đã có hàng trăm nghìn ấn bản lậu chia sẻ trên Internet hay thậm chí bị CP khác lấy lại và kinh doanh trái phép".
Vậy là vô hình chung, quyền lợi của người Việt bị ảnh hưởng một cách nặng nề bởi chính ý thức sử dụng của mình. Những nội dung hay, mới, lạ, độc dù đã đại hạ giá khi đưa về Việt Nam thì lại vướng phải bài toán vi phạm bản quyền và như vậy dù giá có tốt đến mấy thì đơn vị kinh doanh vẫn cầm chắc lỗ to, và chẳng ai muốn đưa các nội dung này về nữa.
Theo Vietnamnet