Trong nhiều năm qua, việc ngư dân gọi điện, nhắn tin, cập nhật thông tin về thời tiết qua tin nhắn, internet trên biển tưởng chừng như là một ước mơ xa vời.
Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ từ năm 2010 cũng chỉ nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2015, hầu hết các đảo có dân sinh sống được phủ sóng di động và được cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet”. Tuy nhiên, các mạng di động, dẫn đầu là Viettel đã hiện thực hóa điều đó sớm hơn dự kiến 4 năm...
Cách đất liền 120km vẫn có sóng di động
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã lắp thành công hệ thống các trạm BTS phủ xa trên các vùng biển Việt Nam. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc công ty Viễn thông Viettel cho biết, về lý thuyết, một trạm BTS thường chỉ phủ sóng tối đa là 35km, do đó, để phủ sóng điện thoại cho những ngư dân trên biển, quân, dân trên các đảo... Viettel đã tìm ra các giải pháp phát sóng xa 100km tính từ bờ biển. Đến nay, Viettel đã làm chủ được công nghệ phát sóng tầm xa với mức phủ xa nhất là 121km.
Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel đã có hạ tầng phát sóng phủ kín chiều dài hơn 3.200 km bờ biển Việt Nam với hơn 1.400 trạm thu phát sóng (BTS) dọc bờ biển và ngoài khơi. Như vậy, đến nay, Viettel là doanh nghiệp duy nhất có giải pháp đầy đủ về thông tin liên lạc trên biển từ hệ thống đến thiết bị đầu cuối, bao gồm: hệ thống trạm phát sóng ven biển; hệ thống trạm phát sóng tầm xa trên biển, hải đảo và nhà dàn; điện thoại cầm tay và gói cước riêng SEA+; tổng đài 1111 cung cấp thông tin đặc thù phục vụ riêng cho người dân trên biển. Nỗ lực này của Viettel đã góp phần làm thay đổi phương thức liên lạc của cư dân trên biển và trong mỗi chuyến hải trình của người ngư dân hôm nay, nay đã có sóng viễn thông làm bạn đồng hành.
Sóng di động “cứu” tàu gặp nạn
Trong chuyến tháp tùng đoàn công tác của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Trần Đức Lai dẫn đầu lần đầu ra thăm Trường Sa cách đây 2 năm, các phóng viên báo chí đã tình cờ gặp 8 ngư dân của tàu đánh cá BD 763 ở Bình Định vừa được các chiến sỹ trên đảo Đá Tây (một đào chìm thuộc quần đảo Trường Sa) cứu sống 2 ngày trước đó.
Chủ tàu đánh cá BD 763, ông Nguyễn Văn Tố cho biết, vào lúc 3h sáng ngày 31/3/2009, tàu BD 763 bị sóng đánh va vào rặng san hô gần khu vực Đảo Đá Tây. Tầu đã bị thủng đáy và chìm dần. "Khi tầu gặp nạn chúng tôi đã liên lạc với các tầu cá khác bằng thiết bị icom để cầu cứu họ giúp đỡ, một số tầu cá cũng đã nhận được tín hiệu của chúng tôi nhưng họ nói đang ở xa tọa độ nơi tầu của chúng tôi gặp nạn nên không thể đến cứu giúp được”. Ông Nguyễn Văn Tố nhớ lại.
Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra, trong lúc thu dọn đồ đạc để chuẩn bị tinh thần rời tầu trước khi chìm hẳn, thì một thành viên trên tầu phát hiện chiếc điện thoại sử dụng mạng Viettel có hiển thị vạch sóng. Lúc đó không ai tin rằng ở giữa mịt mù khơi này có thể có sóng di động. Nhưng dù sao đó cũng là tia hy vọng cuối cùng để có thể cứu sống những người đang có mặt trên tàu- đều là trụ cột trong gia đình. Như “chết đuối vớ được cọc”, cả 8 người xúm lại tìm cách liên lạc về gia đình và tìm quần áo đốt làm hiệu.
Kỳ diệu thay, sóng di động đã giúp những người trên tàu liên lạc được với người thân thông báo tọa độ tầu gặp nạn. Từ cuộc điện thoại này, người nhà lập tức gọi tới trung tâm cứu hộ và 5h sáng ngày 1/4/2009, cả 8 ngư dân đã được các chiến sỹ đảo Đá Tây đưa lên bờ an toàn.
Trao đổi với anh em phóng viên, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Đại Tá Phạm Ngọc Chấn cho biết, từ khi Trường Sa có sóng di động, đời sống tinh thần anh em chiến sỹ đã được nâng cao lên rất nhiều. Thay vì những lá thư gửi về đất liền lênh đênh trên biển hàng tháng trời mới tới tay người nhận, sóng di động đã nối liền đảo xa với gia đình, giúp người lính chắc tay súng, làm điểm tựa cho ngư Nam vững lòng trong những chuyến khai thác xa bờ./.
Gói cước dành riêng cho ngư dân - Sea+
Sử dụng gói cước trả trước Sea+, khách hàng được cung cấp miễn phí bản tin về thời tiết biển tại 1 vùng đăng ký; được thông tin về các số điện thoại khẩn cấp để liên hệ trong các trường hợp gặp nguy hiểm cần hỗ trợ.
Khách hàng được đăng ký tính năng gọi nhóm tiết kiệm: Với mức phí 10.000 đồng/tháng, được đăng ký 10 số di động Viettel để được giảm 50% cước gọi tới các số này.
Điểm nhấn của gói cước là tính năng thông báo khẩn cấp bằng tin nhắn qua đầu số 1111. Khi gặp sự cố, khách hàng chỉ cần nhắn tin đến đầu số 1111, tin nhắn sẽ tự động chuyển tới danh sách 10 số điện thoại trong nhóm đã đăng ký. Chi tiết, tham khảo tại http://vietteltelecom.vn hoặc gọi tới số 19008198 (200đ/phút)./.
|