Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) vừa tiết lộ, một khu vực rộng lớn của Bắc Kinh (Trung Quốc) từng suýt bị phá hủy nếu một vệ tinh nặng 2,5 tấn rơi xuống trái đất chậm 7-10 phút.
Thủ đô 20 triệu dân của Trung Quốc nằm ngay trên đường rơi của vệ tinh thăm dò Rosat của Đức, khi nó lao xuống vịnh Bengal tháng 10 năm ngoái. Hậu quả của "đống sắt vụn" 2,5 tấn này khi rơi xuống thành phố sẽ rất thảm khốc, tạo ra những hố khổng lồ, những vụ nổ long trời, nhà cửa đổ nát và thương vong không kể xiết.
Theo ESA, Rosat đã bay xuống gần sát Bắc Kinh với vận tốc hơn 480km/giờ. Vệ tinh đáng lẽ đã tiến vào bầu khí quyển trái đất với vận tốc cao hơn nhiều, nhưng ma sát trong khí quyển làm cho nó giảm tốc độ, bị đốt cháy và vỡ thành từng mảnh.
Manfred Warhaut thuộc Trung tâm điều hành Vũ trụ châu Âu tại Đức cho biết: "Bắc Kinh nằm ngay dưới quỹ đạo bay cuối cùng của vệ tinh này. Nhưng các nhà khoa học đã không thể điều khiển được nó ngay khi nó ngừng hoạt động và cách trái đất vài km."
Theo tính toán, nếu chỉ rơi xuống Trái đất chậm 7-10 phút, Rosat sẽ đáp xuống Bắc Kinh. Thông thường chỉ khoảng 20-40% số bộ phận của vệ tinh rơi xuống Trái đất khi ngưng hoạt động, nhưng với Rosat, tỉ lệ này là 60% do có các bộ phận cấu tạo rất bền và chắc.
Dailymail cho biết, Rosat được phóng lên quỹ đạo vào tháng 6/1990 để tìm các nguồn phát tia X trong vũ trụ và rơi xuống trái đất ngày 22/10/2011.
Theo Bernard Von Weyhe, phát ngôn viên của ESA, vệ tinh rơi quá nhanh đến mức nếu sớm một phút, nó sẽ rơi xuống Siberia, còn muộn hơn một phút sẽ rơi xuống Thái Bình Dương.
Hiện châu Âu đang lập một dự án xây dựng lá chắn bảo vệ trái đất khỏi các thiên thể cũng như mảnh vụn từ các tàu vũ trụ do con người phóng lên khi quay về Trái đất.
Theo VietNamNet