Laptop

7 lí do ultrabook có thể tạo ra cách mạng công nghệ

7 lí do ultrabook có thể tạo ra cách mạng công nghệ

Những diễn biến tại cuộc triển lãm điện tử tiêu dùng 2012 (CES 2012) vừa qua tại Las Vegas (Mỹ) khiến nhiều người tin rằng, dòng máy tính xách tay siêu mỏng, siêu nhẹ (ultrabook) sẽ làm nên một cuộc cách mạng công nghệ trong năm nay.

Cuộc đổ bộ của các dòng ultrabook đã thực sự diễn ra trong bữa tiệc công nghệ hàng năm ở Mỹ.

Ngay từ giai đoạn cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia công nghệ đã dự báo 2012 sẽ là thời của ultrabook, và để tạo được một làn sóng mới trên thị trường máy tính xách tay đang bị máy tính bảng lấn lướt, các hãng công nghệ sẽ đổ xô vào lĩnh vực này.

Và cuộc đổ bộ của các dòng ultrabook đã thực sự diễn ra trong bữa tiệc công nghệ hàng năm ở Mỹ. Những gì mà các hãng công nghệ mang tới CES 2012 rất có khả năng sẽ khiến người tiêu dùng hồi đầu sau một thời gian chạy theo trào lưu máy tính bảng.

Dưới đây là 7 lí do, theo tạp chí PC World, đủ để khiến chúng ta tin rằng cuộc cách mạng công nghệ do ultrabook tạo nên sẽ xảy ra.

1. Mỏng hơn, nhẹ hơn

Đúng như lí lẽ tự nhiên của nó, các siêu máy tính xách tay được ra mắt gần đây đều mỏng hơn và nhẹ hơn các dòng sản phẩm truyền thống. Intel đã đưa ra tiêu chuẩn cho ultrabook, như dày tối đa 0,8 inch, nặng không quá 1,4 kg.

 

Thậm chí, với một số ultrabook đời cao, khái niệm mỏng, nhẹ sẽ còn được chuẩn hóa hơn nữa, nhờ đó việc mang vác chúng bên người trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

2. Pin bền bỉ

Một tiêu chuẩn khác của Intel đối với ultrabook là chúng phải có pin đạt thời lượng sử dụng ít nhất là 5 tiếng, hoặc tốt hơn là từ 8 tiếng trở lên. Đối với những người sử dụng hay phải di chuyển, thời lượng pin là một trong những tiêu chí chọn lựa quan trọng. Với một chiếc ultrabook có thể chạy được 8 tiếng, người sử dụng có thể làm việc cả ngày mà không cần phải mang theo bộ xạc hay một pin dự phòng bên mình.

 

Dòng chip mới Ivy Bridge của Intel dự kiến ra mắt cuối năm nay, sẽ giúp đảm bảo năng lượng cho máy được hoạt động ổn định hơn. Chip Ivy Bridge được cho là tiết kiệm điện năng, hoạt động hiệu quả hơn, cho phép các ultrabook kéo dài hơn thời lượng pin lên trên 8 tiếng.

3. Lai giữa máy tính bảng và laptop

Mặc dù các dòng máy tính xách tay truyền thống đã trở nên ưu việt hơn, nhưng máy tính bảng vẫn có chỗ đứng và ngày một lấn lướt hơn. Do vậy, nhiệm vụ của ultrabook sẽ phải trở thành thiết bị đứng giữa, một sản phẩm lai giữa máy tính bảng và laptop, với những trải nghiệm tối ưu.

 

Hãng sản xuất máy tính Acer từng công bố một chiếc máy tính bảng lai theo kiểu như vậy. Khi gắn thêm bàn phím vào, nó trông giống như một chiếc ultrabook, nhưng khi chỉ có riêng màn hình, thì nó lại trở thành một chiếc máy tính bảng. Tại CES 2012, Lenovo cũng tung ra một sản phẩm tương tự mang tên IdeaPad Yoga.

4. Màn hình cảm ứng

Những người theo chủ nghĩa máy tính cá nhân thuần túy có thể sẽ phản đối tới cùng quan điểm rằng, màn hình cảm ứng đang thay thế con chuột và bàn phím, nhưng đó là một sự thực, một trào lưu mới.

 

Giao diện Metro của hệ điều hành Windows 8 được thiết kế hỗ trợ cảm ứng. Các dòng ultrabook tương lai với Windows 8 sẽ được trang bị màn hình cảm ứng, cho phép người sử dụng được trải nghiệm những thích thú khi xử lí tác vụ bằng cách chạm, kéo, thả, trực tiếp trên màn hình, đồng thời vẫn có thể sử dụng màn hình truyền thống với bàn phím, chuột hoặc trackpad.

5. Nhận diện giọng nói

Nếu cuộc cách mạng công nghệ hiện nay là màn hình cảm ứng, thì tương lai sẽ là khả năng nhận diện giọng nói. Việc ra lệnh cho máy tính thực hiện các tác vụ bằng giọng nói đã xuất hiện từ lâu, nhưng phải đến khi Apple đưa lên iPhone 4S hồi cuối năm ngoái, công nghệ này mới thực sự trở thành trào lưu.

 

Hàng loạt thiết bị tại CES 2012 được giới thiệu là có thể được điều khiển bằng giọng nói. Intel mới đây tiết lộ hãng đang hợp tác với một công ty khác để đưa tính năng nhận diện giọng nói kiểu như “Siri trên iPhone 4S” vào các sản phẩm ultrabook.

6. Khả năng bảo mật

Intel cũng đang nỗ lực trong việc phát triển hơn nữa hệ thống bảo mật cho máy tính. Tập đoàn chip hàng đầu thế giới này đã bỏ một khoản tiền lớn để thu mua hãng bảo mật McAfee, với hi vọng sẽ đưa các tính năng bảo đảm an ninh vào trong sản phẩm tương lai.

 

Hiện Intel đã cung cấp công nghệ chống trộm (AT) và công nghệ bảo đảm nhận dạng (Intel IPT) cho các phần cứng ultrabook của hãng. Trong đó, công nghệ AT giúp người sử dụng vô hiệu hóa việc truy cập dữ liệu vào máy tính cá nhân bị mất của mình ở bất cứ đâu, còn Intel-IPT giúp bảo vệ các thông tin nhận dạng và thông tin cá nhân người dùng.

7. Giao tiếp vùng gần (NFC)

Tại CES 2012, một số hãng công nghệ đã ra mắt ultrabook hỗ trợ công nghệ NFC (chuẩn giao tiếp không dây tầm ngắn, được sử dụng trên một số smartphone như Samsung Galaxy Nexus), chẳng hạn như chiếc Envy 14 Spectre của HP.

 

Với công nghệ này, chiếc ultrabook của HP không chỉ được hỗ trợ khả năng thanh toán như trên smartphone Galaxy Nexus của nhà sản xuất Samsung, mà còn có thể chia sẻ được thông tin với các thiết bị khác cũng hỗ trợ NFC.

Nhận xét chung

Có thể nói, ultrabook hiện đã và đang tập hợp được tất cả những công nghệ, tính năng mà người dùng cần tìm kiếm trên các máy tính xách tay truyền thống, với sự kết hợp tài tình những điểm ưu việt trên netbook và máy tính bảng.

Với một kết cấu mạnh mẽ như vậy, không có lí do gì để không tin rằng, ultrabook sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ máy tính di động trên phạm vi toàn cầu. Từ góc nhìn hiện tại, có thể thấy, tương lai của dòng sản phẩm này rất tươi sáng.