Trong thời gian gần đây, nhiều người dùng di động thường xuyên bức xúc vì gặp tình trạng dung lượng 3G cứ tự hết liên tục mà không rõ nguyên nhân.
Chị Nguyên, đang số tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, vì đột xuất phải thường xuyên ra ngoài công tác nên chị đã chuyển từ gói cước 600MB/tháng (70.000 đồng) lên 1.2GB/tháng (100.000 đồng). Tuy nhiên, không biết vì sao mà gói cước này cũng hết nhanh chóng. Chị sau đó còn mua thêm gói cước x19 (19.000 đồng để có thêm 350MB dung lượng tốc độ cao 3G và nó cũng "không cánh mà bay" trong chốc lát.
"Có ngày tôi phải mua đến 3 lần gói 19.000 đồng này mà chỉ để mỗi việc check mail và lướt nhanh vài trang web tin tức thông thường. Không xem phim, không tải ảnh hay gửi ảnh, thậm chí không dùng Facebook, vậy mà không hiểu tại sao nhà mạng liên tục báo hết dung lượng 3G. Những khách hàng như chúng tôi không biết việc tính cước, tính dung lượng như thế là có đúng hay chưa?" - Chị Nguyên bức xúc kể.
Các nhà mạng thường xuyên nhắn tin quảng cáo các gói cước mới.
Một người dùng khác, anh Quang T, đang sống tại Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cũng gặp tình trạng tương tự. Anh kể lại rằng chỉ trong đúng 2 ngày 25 và 26/5, anh đã bị tính thêm gần 500.000 đồng phí cước phát sinh ngoài gói đăng kí. Theo chi tiết từ Vinaphone, chỉ trong hơn 2 tiếng sử dụng Facebook trong 2 ngày, phần dung lượng truy cập từ máy của anh đã bị tính lên tới 500MB.
Anh Quang T khẳng định rằng vì là một người có hiểu biết về công nghệ và đã kiểm tra kĩ điện thoại nên không thể có chuyện phần cước phát sinh này là do anh sử dụng. Khi tới yêu cầu bảng cước chi tiết và khiếu nại tại nhà mạng thì anh đã phải chào thua vì thủ tục và quy trình quá phức tạp, tốn thời gian.
Một người dùng nữa cũng gặp vấn đề với các gói cước 3G là chị Nga, sống tại Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Chị kể lại rằng hồi giữa tháng 5, chị định đăng kí gói cước D10 (10.000 đồng) để dùng 3G trong ngày nhưng khi nhắn tin đăng kí thì tin nhắn trả về là chưa đăng kí gói cước nào. Khi gọi điện hỏi tổng đài Mobifone, chị được trả lời là thuê bao đã đăng kí dịch vụ thành công.
Chị Nga sau đó đã nhắn tin hủy gói cước này và quyết định không dùng nữa, nhưng trong 3 ngày sau đó, tài khoản của chị vẫn bị trừ tiền và đều nhận được tin nhắn gia hạn gói cước.
"Sau 3 ngày mình mới phát hiện ra, vậy là nhà mạng đã tự động gia hạn gói cước. 3 ngày là 30.000 đồng nhưng nếu số đông thì số tiền sẽ rất lớn", chị Nga chia sẻ.
Người dùng tốt nhất nên tự trang bị các kiến thức để tránh bị trừ tiền oan bởi nhà mạng.
Những chuyên gia về bảo mật và an ninh mạng đều khẳng định, người dùng Việt đang chịu thiệt rất nhiều. Thứ nhất là về quyền của người tiêu dùng, và thứ hai là sự "cậy quyền" của các nhà mạng.
Tại Việt Nam, hiện không có bất kì tổ chức, hiệp hội người tiêu dùng nào đủ mạnh để thực sự "bảo vệ người tiêu dùng". Điều này khiến chúng ta không còn dám đứng lên khởi kiện hay khiếu nại các nhà mạng vì cảm thấy như "trứng trọi đá".
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, khẳng định người dùng điện thoại VN hiện chỉ "nắm đằng lưỡi" nên lúc nào cũng chịu thiệt. Các nhà mạng thì luôn nằm trong vùng an toàn nên đã không biết bao nhiêu lần gian lận bằng cách dịch vụ giá trị gia tăng cắt cổ.