Thương vụ bất ngờ
Hồi tuần qua, cả thế giới bất ngờ trước thông tin Microsoft mua lại LinkedIn – mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới. Đây là một thương vụ có lợi cho Microsoft, nhưng điều làm cho mọi người bất ngờ là bởi giá trị quá khủng khiếp của vụ mua bán này. 26,2 tỷ USD là số tiền mà Microsoft phải bỏ ra để mua lại LinkedIn. Con số này tương đương với mức 196 USD cho mỗi cổ phiếu.
Mức giá sốc khiến cổ phiếu của LinkedIn tăng đến 48% chỉ sau có một đêm. Với Microsoft, mọi việc có vẻ lại diễn biến theo chiều ngược lại khi mà giá cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ này bị rớt đến thê thảm, giảm 5,2% chỉ sau một phiên giao dịch.
Điều đó đã phần nào cho thấy sự nghi ngờ của giới đầu tư vào quyết định có phần mạo hiểm của những người đã sáng lập ra hệ điều hành Windows. Vậy dự định của Microsoft là gì khi lại liều lĩnh với một số tiền quá lớn đến như vậy?
Tham vọng của Microsoft
Việc bỏ số tiền lên đến 26,2 tỷ USD cho một công ty thua lỗ đến 165 triệu USD trong năm qua rõ ràng đã cho thấy một sự liều lĩnh của Microsoft. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà Nadella cùng các cộng sự lại ra quyết định cho sự liều lĩnh ấy.
Trong những năm vừa qua, dù đã đầu tư rất nhiều với các thương vụ mua lại Skype giá 8,5 tỷ USD trong năm 2011, hay kế đó là thương vụ mua lại mảng Thiết bị & Dịch vụ của Nokia với giá 6,4 tỷ USD trong năm 2014, thành công dường như vẫn ngoảnh mặt với Microsoft.
Nếu chỉ nhìn sơ qua về mặt bằng sản phẩm, khi mà những chiếc điện thoại Windows Mobile đang chết dần chết mòn, Skype vẫn tăng trưởng nhưng với một tốc độ rất chậm, Microsoft dường như chỉ còn biết bấu víu vào mảng dịch vụ cùng với sự độc quyền của hệ điều hành Windows.
Microsoft mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD là thương vụ M&A lớn thứ 3 trong làng công nghệ thế giới. Giá trị vụ mua bán này chỉ đứng sau thương vụ JDS Uniphase mua lại nhà sản xuất link kiện SDL với giá 41 tỷ USD (năm 2000) và sự kiện AOL mua lại Time Warner với mức giá khủng khiếp 181,6 tỷ USD.
So với các đối thủ của mình là các gã khổng lồ công nghệ mới nổi như Google hay Facebook, Microsoft rõ ràng đang khựng lại và có phần bí bách về mặt ý tưởng. Do vậy, đây là lúc mà gã khổng lồ phần mềm này cần đến một cú hích cũng như những định hướng dài hơi hơn về tầm nhìn trong tương lai của mình. Trong bối cảnh đó, LinkedIn nổi lên như một sự lựa chọn khả dĩ cho Microsoft trong việc tìm cho mình một con đường đi mới.
Nắm trong tay LinkedIn đồng nghĩa với việc sở hữu một lượng dữ liệu khổng lồ cùng hàng loạt các nhân sự rất giỏi về khoa học dữ liệu (data scientist). Đây cũng là nòng cốt để LinkedIn có thể phát triển nên một mạng xã hội nhân sự với lượng người sử dụng như bây giờ. Câu hỏi đặt ra lúc này là, Microsoft dự định sẽ làm gì với lượng nhân sự và tài nguyên khổng lồ đó?
Trong một buổi nói chuyện mới đây, Bill Gates đã phần nào hé lộ những tham vọng của mình với LinkedIn khi cho rằng sẽ thật tuyệt nếu xuất hiện thêm một mạng xã hội cho công việc với sức lan toả mạnh mẽ như Facebook. Điều mà nhà sáng lập Microsoft mong muốn là tạo ra một thế giới với tất cả hồ sơ công việc của người dùng trên mạng internet.
Trong kế hoạch đó, Linked sẽ có thể trở thành một công cụ gợi ý cho người dùng những thông tin mà họ cần quan tâm khi thực hiện một dự án mới, cùng với đó là việc gợi ý những nhân sự tốt nhất mà họ có thể có để thực hiện dự án này. Microsoft cũng sẽ tận dụng điều này để phát triển các gói phần mềm dùng cho việc quản trị doanh nghiệp.
Tất cả những điều đó kết hợp cùng bộ phần mềm văn phòng Office 360 biến hệ sinh thái của Microsoft trở thành một nơi mà người dùng không thể không tham gia. Và đây chính là hy vọng của gã khổng lồ này trong việc cạnh tranh với Google và Facebook.
Với những thất bại nhãn tiền từ các thương vụ tỷ đô cùng aQuantive và Nokia, có lẽ Microsoft đã nhận ra được không ít những bài học. Tuy nhiên, sự liều lĩnh của Microsoft là cần thiết bởi họ thực sự nên có một sự thay đổi, đặc biệt là khi gã khổng lồ từng độc chiếm làng công nghệ đang tỏ ra chậm chân và cạn kiệt ý tưởng hơn rất nhiều so với các đối thủ của mình.