Với một hệ thống chơi game, theo bạn, đâu là yếu tố quan trọng nhất? Dễ để có câu trả lời rằng CPU, GPU và RAM sẽ là quan tâm hàng đầu. Kế đến sẽ là màn hình, hỗ trợ âm thanh... Nhưng có lẽ đây là câu trả lời chung chung và chỉ có giá trị đúng tương đối. Thật ra với một hệ thống máy tính yêu cầu hiệu năng tuyệt đối thì bo mạch chủ, mà dễ hiểu hơn là hỗ trợ của hệ thống mới là yếu tố cần quan tâm hàng đầu.
Đừng nghĩ thiển cận rằng với laptop, chúng giới hạn hơn desktop rất nhiều về khả năng nâng cấp. Nhận định này đúng bởi việc nâng cấp laptop hiện nay vẫn còn chưa quá phổ dụng. Song thực tế, cũng như desktop, nếu hệ thống của bạn hỗ trợ tốt, cụ thể hơn là bo mạch chủ đủ tốt, bạn có thể thoải mái nâng cấp nhằm cải thiện tốt nhất hiệu năng của hệ thống.
Đây chính là giá trị thật sự của AFTERSHOCK XG15 – chiếc laptop cho phép bạn có thể tự do chọn lựa cấu hình cho phù hợp.
Bo mạch chủ chuẩn chỉnh
AFTERSHOCK XG15 được trang bị bo mạch chủ Mobile Intel® HM87, chưa phải cao cấp nhất nhưng được xem là dư sức hỗ trợ tốt nhu cầu sử dụng dù là khắc khe của bạn. Mobile Intel® HM87 được phát triển trên nền chipset Intel 8 Series, hỗ trợ thế hệ vi xử lý Intel Haswell mới nhất hiện nay. Cạnh đó, tích hợp thêm GPU nVidia GeForce GTX 860M khá mạnh trên thiết bị di động hiện nay, thật khó có một tác vụ dựng hình phức tạp nào có thể làm khó XG15.
Chi tiết khác về Mobile Intel® HM87 đáng lưu tâm là hỗ trợ khá đầy đủ. Tuy gói gọn trong mô hình bo mạch chủ cho laptop song Mobile Intel® HM87 hỗ trợ mở rộng khá tốt, cho phép người dùng tối ưu hóa tốt nhất có thể hệ thống họ cần. Điển hình như hỗ trợ hai khe HDD, giúp cải thiện hiệu suất trao đổi dữ liệu bằng thiết lập RAID. Tất nhiên PCI-E cũng xuất hiện, giao diện được xem là chuẩn cho các thiết bị mở rộng như Wi-Fi, Bluetooth...
Bạn cũng nên biết rằng giới hạn phần nào của bo mạch chủ trên laptop là hỗ trợ RAM. RAM 8GB được xem trang bị tương đối cao cấp, song sẽ thế nào nếu bạn cẩn dựng hình phức tạp, cần lượng RAM lớn hơn nhưng bo mạch chủ chỉ nhận tối đa 16GB. Theo thử nghiệm thực tế thì bo mạch Mobile Intel® HM87 trên XG15 cho phép mở rộng lên đến 24 GB, giúp đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đa nhiệm của người dùng.
Mobile Intel® HM87 sử dụng socket G3 dành cho thế hệ vi xử lý Intel Haswell. Mặc định, nhằm tối giản giá thành nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất hoạt động cũa hệ thống, AFTERSHOCK sử dụng CPU Core i7 4700MQ xung nhịp 2,4 GHz. Tuy nhiên, nếu có yêu cầu, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu nâng cấp CPU ngay khi mua AFTERSHOCK XG15. Hệ thống cũng được trang bị RAM chuẩn với tổng dung lượng 8GB, vẫn cho phép bạn nâng cấp khi có nhu cầu.
Nói chung, các yếu tố liên quan đến hiệu năng xử lý của AFTERSHOCK XG15 đều được hỗ trợ tùy biến theo yêu cầu của bạn, dù rằng trang bị chuẩn của máy cũng đã là rất tốt hiện nay.
Màn hình thuyết phục
Tại sao lại là AFTERSHOCK XG15 với khổ chuẩn màn hình 15,6 inch? Tại sao không phải là màn hình lớn hơn, 17,3 inch hay nhỏ hơn 13,3 hoặc 14,1 inch? Thật ra đây là kích thước được xem là tiện lợi nhất cho laptop hiện nay.
Bạn tìm đến laptop vì tính di động. Màn hình 17,3 inch có thể giúp bạn “đã” mắt, nhưng kích thước máy sẽ cồng kềnh hơn rất nhiều, không tiện cho việc di động. Còn với khổ 13,3 inch, hẳn tính linh động rất cao, nhưng kích thước quá giới hạn dễ khiến bạn mệt mắt nếu có nhu cầu cao về vấn đề hình ảnh, yêu cầu mang tính tiên quyết ở hệ thống chơi game hay nhu cầu dựng hình phức tạp.
Còn 14,1 hay 15,6 inch? Thật ra 15,6 inch dường như là chuẩn kích thước được ưu ái hơn khi chúng có độ phân giải tốt hơn rất nhiều, FullHD chẳng hạn. Tuy 14,1 inch vẫn có tùy chọn màn hình này, song kích thước cùng độ phân giải này khiến giá thành màn hình dội lên rất nhiều, trong khi khả năng quan sát của màn hình không cải thiện mấy so với chuẩn 13,3 inch. Còn chuẩn 15,6 inch thì vẫn cho góc nhìn rất rộng, vẫn đãm bảo tiêu chí di động cần có ở laptop.
Ở XG15, AFTERSHOCK trang bị màn hình 15,6 inch độ phân giải FullHD. Đặc biệt, màn hình trên XG15 có khả năng thể hiện chính xác đến 95% gam màu thực tế. Hơn nữa, màn hình trên XG15 là loại TN Panel nên có tốc độ phản hồi tốt hơn so với màn hình IPS vốn được xem là cao cấp hiện nay. Theo đó, các đặc tả này sẽ giúp bạn có được trải nghiệm tốt nhất về hình ảnh như chơi game, xem phim với hoạt cảnh chuyển đổi phức tạp.
Hiệu năng thực tế
AFTERSHOCK XG15, hệ thống cơ bản nhất với trang bị CPU Core i7 4700MQ, RAM 8GB, tích hợp GPU nVidia GeForce GTX 860M, ứng dụng ổ cứng SSD 120GB. Để bạn có thể hình dung tốt nhất hiệu năng thật sự của hệ thống này, TechZ đã tiến hành loạt thử nghiệm với các ứng dụng BenchMark, stress hệ thống hoàn toàn.
Phép thử đầu tiên là 3D Mark. Đây là phần mềm chuyên dùng để đánh giá hiệu năng của các chip đồ họa, được sử dụng những năm vừa qua. Phiên bản 11 hỗ trợ nền tảng DirectX 11 mới nhất nhằm đánh giá được các VGA đời mới, mà ở đây là GeForce GTX 860M trên XG15. Và trong thử nghiệm này, TechZ xác lập mức đo kiểm cao nhất - trình diễn demo Fire Strike - dùng để đánh giá hiệu năng của một hệ thống chơi game.
Bạn nên nhớ rằng dù sao đi nữa thì thiết lập demo này cũng dành để đáng giá chung hiệu năng hệ thống, kể cả hệ thống desktop. Theo đó, việc có thể hoàn tất thử nghiệm mà không bị rớt frame của XG15 là khá tốt. Suốt quá trình thử nghiệm, lượng frame luôn duy trì ở mức >24 frame/giây, cho cảm nhận khá mượt, không lag giật. Một số cảnh có hiệu ứng quá phức tạp, số lượng đa giác cần render cao, XG15 cũng có thể duy trì ở mức 16 frame/giây. Một điểm chú ý khá là nhiệt độ hệ thống luôn được duy trì ở mức lý tưởng,
Với 3DMark Vantage, tuỳ chọn Preset Extreme, XG15 cũng cho kết quả rất khả quan, đạt 9685 điểm, tương đương với điểm số của một chiếc desktop chạy CPU i7-3930K cùng GPU GeForce GTX Titan - vốn cũng là một sự kết hợp rất chuẩn cho hệ thống chơi game.
Một trải nghiệm khác với trình Unigine Heaven Benchmark 4.0. Bài kiểm nghiệm được thiết lập ở độ phân giải HD, render trên nền Direct3D11, mức thiết lập Extreme cùng chất lượng hình ảnh Ultra, AFTERSHOCK XG15 cũng có thể duy trì trung bình 41 frame/giây, không hề giật lag.
Ở laptop, ngoài cấu hình thì độ ổn định của hệ thống là vấn đề then chốt, nhất là ở một sản phẩm thiên về đồ hoạ, dựng hình. Bài thử nghiệm BurninTest nhằm stress hệ thống hoàn toàn, giúp tìm ra các khiếm khuyết dù là nhỏ nhất như vấn đề tương thích RAM, buffer ổ cứng, khả năng tản nhiệt... Hoàn tất kiểm nghiệm, XG15 hoàn toàn đủ chuẩn tin cậy với nhu cầu sử dụng đa nhiệm và "cày" tài nguyên hệ thống liên tục. Nhiệt độ hệ thống cũng được duy trì trong mức an toàn, khoảng 80 độ C... Ngay cả kiểm nghiệm với FurMark ở thiết lập cao cũng chỉ khiến XG15 nóng khoảng 87 độ C, hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến độ bền của các linh kiện bên trong.
Có thể trên đây chỉ là những trải nghiệm nhỏ, song thông qua kết quả đó, TechZ hy vọng mang đến cho bạn cái nhìn khá rõ về XG15 - một hệ thống chơi game di động khá hấp dẫn..
Ngọc Ngân