<>>
Tổng biên tập Báo Lao động Trần Duy Phương. |
<>Người đi trước chưa chắc đã là người chiến thắng>
Báo Lao Động đã từng là một trong 5 tờ báo hàng đầu Việt Nam nhưng tôi thấy hiện nay tờ báo đang... chững lại. Điều gì khiến cho tờ báo đi xuống, thưa anh?
- Có nhiều vấn đề, nhưng tôi xin phép không phân tích về quá khứ ở diễn đàn này.
Vậy thì anh có thể chia sẻ về hiện tại chứ. Hiện tại, Tổng biên tập sẽ làm gì để lấy lại "phong độ" xưa cho tờ báo?
- Tôi thích câu nói của Steve Job: Một người quản lý tốt là người phải biết rõ 3 tháng cũng như 10 năm sau doanh nghiệp của mình sẽ như thế nào? Tôi không cho phép mình bước chân vào bất cứ một cánh cửa hấp dẫn nào mà không dự đoán đằng sau cánh cửa đó là gì. Những chiến lược dài hạn cho tờ báo của mình đã được tôi nghĩ đến trước khi tôi nhận ngồi vào chiếc "ghế nóng" này. Mà đã là định hướng thì sẽ phải lâu dài, cái đích của tôi là phát triển tờ báo trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện. Tôi mong muốn báo Lao Động sẽ trở thành số 1 và không nghĩ điều đó là thiếu khiêm tốn.
Tôi thì thấy lo ngại trước mong muốn đó... trong bối cảnh này, thưa Tổng Biên tập?
- Một người lính mà không có ước mơ làm tướng thì suốt đời anh chỉ làm binh nhất thôi. Nói thành thật là hiện nay tờ báo nào cũng khẳng định: Tôi đã làm đa phương tiện hoặc sẽ làm đa phương tiện. Điều đó nghĩa là vấn đề đa phương tiện đã trở thành một khái niệm quen thuộc rồi. Tôi không phải là người tiên phong, thậm chí đang đi chậm hơn. Nhưng điều quan trọng là cách đi của mỗi người tới đích như thế nào. Người đi trước chưa chắc đã là chiến thắng.
<>Mình nên liên kết để mạnh hơn>
Nhưng nó không quyết định sự thành công của đa phương tiện?
- Tất nhiên. Phương tiện truyền thông chỉ là một chiếc áo thôi, quan trọng vẫn là một cơ thể khỏe mạnh mặc chiếc áo ấy. Đa phương tiện là cuộc chơi từ 3 phía, hội tụ trong 3 yêu cầu và công nghệ chỉ là phương tiện để thực thi. Trước tiên, làm đa phương tiện là cách để mỗi phóng viên đem lại hiệu suất cao hơn. Một cuộc trò chuyện có thể vừa ghi âm, chụp ảnh, quay clip... trong 1 tiếng có thể cho ra đời 4 sản phẩm dưới 4 loại hình khác nhau. Đa phương tiện còn là cách để chúng ta thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng. Nhu cầu đòi hỏi càng nhiều, họ có nhiều lựa chọn và nhiệm vụ của báo chí là thỏa mãn điều đó. Thứ 3 là những đối tượng muốn đưa thông tin đến công chúng thông qua kênh báo chí, họ cần có nhiều loại hình cùng đưa thông tin đó để thuyết phục công chúng. Nhu cầu thị trường bắt buộc, nội tại thúc đẩy, chúng ta cần làm đa phương tiện để đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và đầu tiên là lợi ích của bản thân.
Quay lại vấn đề... số 1 mà anh đặt ra, báo Lao động trong cuộc đua... đa phương tiện sẽ tập trung vào công việc gì?
- Mọi công việc liên quan mật thiết với nhau. Đã là một cơ quan truyền thông, số lượng và chất lượng của những người tiếp nhận thông tin quyết định giá trị. Quan điểm của tôi là cần phải đẩy mạnh mọi loại hình, đồng đều và tương trợ lẫn nhau. Có những người nói với tôi rằng: ông nên xác định mình là số 1 trong một lĩnh vực thôi, có thể là báo chính trị, báo kinh tế... Tôi làm khác. Tôi định hướng nhiệm vụ cho từng loại hình trên cơ sở thế mạnh của nó. Chẳng hạn như báo giấy càng ngày càng co hẹp nhưng nó không chết đi, thế nên chúng tôi đặt nhiệm vụ cho nó là thỏa mãn nhu cầu tin cậy, sâu sắc, trầm lắng của con người. Báo mạng thì ngày càng phát triển, thông tin nhiều hơn, đối tượng cũng đông hơn và nó có nhiệm vụ thoả mãn những thông tin đơn giản hơn, cập nhật và rộng rãi hơn. Rồi còn báo tiếng, báo hình, mỗi loại hình đều có đặc thù của nó. Công việc của người TBT là phải biết tận dụng khả năng của PV và thoả mãn các nhu cầu của người xem giữa các phương tiện khác nhau. Làm được như vậy mới nâng được uy tín của hệ thống báo.
Nhưng uy tín sẽ "cân đong đo đếm" như thế nào, thưa anh?
- Đúng là không phải dễ khẳng định tôi uy tín hơn anh hay anh uy tín hơn tôi mà quan trọng là hãy nhìn vào vì sao bạn đọc đến với tờ báo của mình. Các bậc tiền bối báo Lao Động đã để lại cho chúng tôi 3 chữ: Bản lĩnh, trí tuệ, phát triển. Đến hôm nay tôi vẫn giữ bản sắc ấy và cố gắng kế thừa những giá trị ấy. Tôi đã, đang và tiếp tục thích nghi, cải tiến phương châm đó để phù hợp với thời cuộc. Để giữ bản sắc và có một cách đi khác biệt, chúng tôi có hai con đường đi, một là tu thân tức là làm cho cái gốc vững chắc, nội bộ đoàn kết, phát triển tốt lên. Sau nữa là phối hợp với các anh em trong làng báo, để cùng phát triển. Tôi không nghĩ chỉ có một con ngách nhỏ và len vào đó để vượt lên trên hết. Tôi nghĩ mình nên liên kết để mạnh lên trong bối cảnh hiện nay. Tôi không ngại chung tay cùng các tờ báo khác, đặc biệt là cùng tham gia làm các hoạt động xã hội, các chiến dịch phối hợp truyền thông...
Vâng, xin cảm ơn anh!
<>Hà Vân>
(Theo Nhà báo & Công luận)<>
>