Bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch trong kỳ nghỉ sắp tới, bạn quyết định dành thời gian và tiền bạc cho một chuyến đi trên biển. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng biển Alaska là một lựa chọn không tồi. Những ngọn sóng lạnh lẽo của vùng Nam Cực cũng có vẻ rất khá. Nhưng cuối cùng, bạn quyết định chọn Caribbean, một địa điểm đã quá nổi tiếng qua series phim "Cướp biển vùng Caribe". Bạn đã chuẩn bị xong tiền nong, và việc thu xếp hành lý cũng đã hoàn thành. Ngày khởi hành cuối cùng cũng đã đến.
Chuyến du lịch của bạn đáng lẽ phải là một chuyến đi tuyệt vời, thế chuyện gì sẽ xảy ra nếu con tàu của bạn bất chợt va phải 1 rặng san hô, hay một tảng băng trôi? Chúng ta đều biết chuyện gì đã đến với con tàu Titanic, thế nhưng với một con tàu hiện đại, liệu điều tương tự có xảy ra? Không thường xuyên, nhưng hoàn toàn có thể - đó là câu trả lời.
Trang web Cruisejunkie.com đã liệt kê ra 19 con tàu bị chìm từ năm 1980 đến nay, tuy nhiên, những vụ chìm tàu được liệt kê ra chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ trong số những vụ đắm tàu thực sự. Mặc dù chưa có những số liệu cụ thể, nhưng nhiều người cho rằng có đến hàng chục chiếc tàu bị chìm mỗi năm. Một số bị chìm ngay ở nơi neo đậu, nhưng phần nhiều trong số đó, kém may mắn hơn, bị đắm giữa đại dương mênh mông.
Nếu như bạn là một trong số những hành khách kém may mắn trên, liệu bạn đã biết mình sẽ phải làm gì trong tình huống đó? Chìm tàu có đồng nghĩa với cái chết chắc chắn không? Bài viết dưới đây hi vọng sẽ giúp bạn sống sót (nếu như bạn không may mắn có mặt trong một vụ đắm tàu), và thậm chí, bạn còn có thể ngăn chặn được một vụ chìm tàu nếu như bạn hành động nhanh chóng và có các thiết bị thích hợp. Hãy nhớ rằng, bình tĩnh là chìa khóa để bạn có thể vượt qua tai nạn kinh hoàng này.
Những nguyên nhân dẫn đến chìm tàu
Tàu thuyền được thiết kế để nổi trên mặt nước, nhưng chỉ một vài sai lầm nhỏ trong thiết kế, hay một sự cố nào đó, con tàu của bạn có nhiều nguy cơ trở thành một chiếc....tàu ngầm. Tất nhiên, việc nước tràn vào thuyền là không thể tránh khỏi, khi sóng lớn thường đánh vào thuyền và những rò rỉ nhỏ ở thân và đáy thuyền là rất phổ biến. Thông thường, lượng nước này sẽ đọng lại ở đáy tàu, và vì lý do này, mỗi tàu đều phải có một máy bơm ở đáy để bơm nước ra khỏi tàu khi mực nước đã dâng lên đến 1 mức nhất định. Và thường thường, một con tàu sẽ cập cảng trong trạng thái ngập nước, nhưng đó hoàn toàn không phải là điều đe dọa đến tính mạng của bạn.
Sau đây là những lý do phổ biến nhất dẫn đến chìm tàu:
1. Tấm chắn đuôi tàu thấp
Ở phần đuôi của các loại tàu đều có một tấm phẳng đặt thẳng đứng, đối với các loại tàu nhỏ có động cơ gắn ngoài thì đây là phần được sử dụng để đặt mô tơ, đối với các tàu lớn thì tên của tàu sẽ được đặt trên tấm chắn. Dù là tàu lớn hay bé thì tấm chắn đều có một chức năng chung đó là ngăn nước tràn vào thân tàu, vì vậy nó cần có một độ cao nhất định, nếu tấm này quá thấp có thể dẫn đến chìm tàu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, ngoài lỗi thiết kế ra có thể kể đến nguyên nhân phổ biến nhất đó là tàu bị mất cân bằng trọng lượng. Để tránh hiện tượng này, người ta không bao giờ đặt tất cả các dụng cụ, thiết bị có khối lượng lớn trên tàu tập trung hết vào một chỗ, nhất là phía đuôi tàu mà phải phân bố chúng sao cho thân tàu cân bằng. Ngay cả khi neo đậu thuyền thì mũi neo cũng không bao giờ được thả ở phía đuôi tàu.
2. Quên không bịt các rãnh thoát nước
Khi một con tàu chuyển động, nhất là với tốc độ cao thì phần mũi tàu sẽ hướng lên cao và phần đuôi tàu sẽ bị hạ thấp. Để tránh nước tràn vào bên trong ở phần đuôi tàu luôn có một hoặc nhiều rãnh thoát nước để nước có thể theo đó thoát ra ngoài khi tàu chạy. Vấn đề nằm ở chỗ khi tàu đứng yên toàn bộ phần thân sẽ xuống thấp, và nếu các rãnh thoát nước không được bịt lại bằng nút cao su nước sẽ từ từ tràn qua đó vào bên trong tàu và tiếp theo chắc bạn cũng có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra.
3. Hệ thống làm mát bị rò rỉ
Thông thường, động cơ tàu được làm mát bằng nước. Một động cơ khoảng 300 mã lực sẽ được bơm vào khoảng 30 lít nước mỗi phút. Một đường ống dẫn nước bị vỡ, hoặc các mối nối giữa các ống không đủ kín, bạn sẽ thấy con tàu của mình chìm dần. Để đề phòng sự cố này, việc kiểm tra đường dẫn nước một cách thường xuyên là rất cần thiết. Rò rỉ, ăn mòn, các mối nối - bạn cần kiểm tra một cách kỹ lưỡng trước khi lên đường. Thay hết những thứ trông có vẻ đáng ngờ, và bạn sẽ có được 1 chuyến đi thuận buồm xuôi gió.
4. Lỗi hàng hải
Điều này đồng nghĩa với việc, con tàu của bạn va phải thứ gì đó. Đá, băng, rặng san hô... hoặc bất cứ thứ gì đủ lớn để gây ra thương tích cho con tàu của bạn. Cẩn thận - đó là cách duy nhất giúp bạn tránh khỏi tình huống này. Hãy cho tàu chạy chậm lại nếu như bạn thấy những mảnh đá vụn, và đặc biệt thận trọng sau khi có bão. Nếu như bạn cảm thấy tàu của mình đã va phải thứ gì đó - hãy cho dừng tàu ngay lập tức, kiểm tra lại bên ngoài và bên dưới để tìm các lỗ hổng và những chỗ rò rỉ.
Những thiết bị cứu hộ trên tàu và cách sử dụng
Những thiết bị cứu hộ này cũng có vai trò quan trọng như một người thuyền trưởng được đào tạo tốt -thậm chí còn quan trọng hơn. Ngay cả thuyền trưởng cũng khó có cơ hội sống sót sau 1 vụ chìm tàu, nếu như ông ta không có lấy nổi một chiếc phao hay bè cứu sinh.
Thiết bị đầu tiên cần phải nhắc đến đó chính là chiếc bơm ở đáy tàu. Như đã nói ở phần trên, nước có thể vào tàu theo rất nhiều đường khác nhau, nhưng cuối cùng chúng sẽ đọng lại ở đáy tàu. Chiếc máy bơm này sẽ bơm lượng nước này trở lại bên ngoài. Giả sử, con tàu của bạn có 1 lỗ thủng rộng chừng 2 inch (khoảng 5cm), và đang chìm xuống dưới mực nước biển khoảng 1 foot (khoảng 30cm). Lúc này, sẽ có khoảng 80 gallons nước ào ạt tràn vào thuyền bạn trong 1 phút. Và khi đã xuống khoảng 3 feet, lượng nước sẽ lên đến 135 gallon/phút. Và khi lượng nước tràn vào đã vượt quá khả năng bơm ra của chiếc máy bơm, kết quả tất yếu là con tàu của bạn sẽ chìm nghỉm.
Phần lớn những con tàu điện, hoặc là có quá ít máy bơm, hoặc là không đủ năng lượng điện để vận hành những máy bơm này. Thuyền buồm, thậm chí còn tệ hơn, chỉ có một chiếc bơm trên tàu. Một chiếc máy bơm sẽ rất dễ "giở chứng" nếu như bạn bắt chúng làm việc quá tải, hay bảo dưỡng không đúng cách. Vì vậy, tốt nhất bạn nên có từ 2 chiếc trở lên, để có thể dự phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Máy bơm tay cũng rất cần thiết trong những tình huống khẩn cấp. Và hãy nhớ rằng, cặn dầu và những mảnh vỡ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các máy bơm, vì vậy phải luôn giữ sạch các máy bơm và phần đáy tàu.
Áo phao và bè cứu sinh là bắt buộc cho bất kỳ chiếc thuyền nào. Trên thực tế, luật quy định rằng mỗi hành khách bắt buộc phải có ít nhất 1 chiếc áo phao. Tiện dụng và an toàn, đó là những yêu cầu bắt buộc đối với 1 chiếc áo phao. Mục đích của một chiếc áo phao là giữ cho bạn nổi trên mặt nước, và quan trọng hơn - giữ ấm cho cơ thể bạn, ngay cả trong điều kiện băng giá.
Bè cứu sinh đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong khoảng thời gian gần đây. Một chiếc bè hiện đại giờ đã có cả vòm, mái chèo, sàn cách nhiệt, xô tháo nước và hàng loạt những dụng cụ giúp bạn sinh tồn trên biển cả: pháo sáng, túi nước ngọt, bộ dụng cụ đánh bắt cá... Tất cả những thứ này được đóng gói trong một chiếc hành lý, và có thể tự nổi trên mặt nước. Tuy nhiên - giá thành cho 1 chiếc hành-lý-sống-sót là không hề rẻ: khoảng 4000$
Thật không may là, ngay cả một chiếc bè cứu sinh đắt giá nhất cũng có thể bị rò rỉ - hoặc tệ hại hơn, bị đánh chìm. Đại dương luôn là một cái gì đó rất khắc nghiệt, và những chiếc bè cứu sinh cũng không nằm ngoài quy luật này. Nước biển luôn chực chờ để tràn vào nơi trú ẩn của bạn, và vì lý do này, tất cả các bè cứu sinh hiện đại đều có một chiếc bơm tự động và bộ dụng cụ sửa chữa đi kèm.
Phải làm gì khi chìm tàu?
Bạn đã kiểm tra con thuyền của mình từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài. Động cơ vẫn hoạt động tốt, các máy bơm vẫn đang vận hành trơn tru, không có một tảng băng trôi hay một dải đá ngầm nào hiện ra trên radar - tất cả mọi thứ đều ok. Thế nhưng, khi Mẹ Thiên Nhiên bất chợt gửi đến cho bạn một món quà nằm ngoài mong đợi: một cơn bão đang ầm ầm hung hãn lao về phía bạn, và bạn chợt kinh hoàng nhận ra ngay trước mắt mình là một núi băng đứng sừng sững. Khúc nhạc "My heart will go on" cất lên cùng với giọng hát ngọt ngào của Celine Dion, thế nhưng trước khi bạn kịp hiểu chuyện gì đang xảy, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển toàn bộ con thuyền, hòa theo ngay sau đó là tiếng gào rú của hàng trăm hàng nghìn hành khách - một bản nhạc không thể tuyệt vời hơn.
Nếu như bạn thấy mình đang ở đáy thuyền, và nước cứ thế dâng lên, điều đầu tiên bạn cần làm là cố gắng tìm ra lỗ thủng và bịt nó lại. Mục đích của bạn lúc này là ngăn không cho nước tràn vào tàu. Hãy dùng bất cứ gì có thể - tủ, bàn, đệm, ghế.... Nếu như có nhiều hơn 1 lỗ thủng, hãy bắt đầu với cái lớn nhất. Rời bỏ tàu chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ. Hãy nhớ rằng, chiếc thuyền lúc này là an toàn hơn rất nhiều so với một chiếc bè hay phao cứu sinh.
Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và làm theo mọi chỉ đạo từ người thuyền trưởng. Nếu bạn là thuyền trưởng, hãy lập tức phát hiệu lệnh cho các hành khách. Một người nào đó phải ngay lập tức thu thập phao và bè cứu sinh, trong khi những người khác phải tiến hành bịt các lỗ thủng. Radio ngay lập tức phát đi tín hiệu SOS cùng với tọa độ chính xác để thuyền cứu viện có thể đến trong khoảng thời gian sớm nhất. Một vài hành khách sẽ phải đi thu thập những dụng cụ thiết yếu cho bè cứu sinh, bao gồm:
Đèn pin
Pháo sáng
Nước ngọt
Thức ăn
Gương tín hiệu
Kem chống nắng
Pin
Radio
Túi cứu thương
Nếu như mọi người đều bình tĩnh và phối hợp cùng nhau, chiếc thuyền vẫn có cơ hội sống sót. Người thuyền trưởng chỉ nên phát lệnh rời bỏ thuyền khi chắc chắn rằng sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa.
Nên nhớ rằng, bình tĩnh là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề lúc này. Hoảng loạn sẽ dẫn đến xô đẩy, chà đạp lên nhau, và tiếp theo đó là rất nhiều thương vong không cần thiết, nhưng quan trọng hơn, bạn sẽ không có đủ tỉnh táo để có thể hành động một cách đúng đắn. Một chiếc tàu lớn phải mất rất nhiều thời gian mới chìm hoàn toàn, do đó, hãy yên tâm rằng bạn có dư thừa thời gian để hành động.
Khi một con tàu chìm, nó có thể nghiêng hẳn sang một bên, và điều này có thể gây ra cho bạn rất nhiều khó khăn. Hãy giữ vững tay vịn, hoặc bất cứ thứ gì cố định trên tàu. Đồng thời cũng cần chú ý đến những vật trơn trượt xung quanh. Một chiếc bàn, hay tệ hại hơn, một chiếc piano đang lao ầm ầm về phía bạn - rất có thể đó là những thứ cuối cùng bạn còn thấy được. Hãy cố gắng núp mình sau những vật thể lớn để tự bảo vệ mình. Bạn sẽ biết lúc nào cần sơ tán - đó là khi tín hiệu vang lên: bảy hồi còi ngắn theo sau một tiếng còi dài. Thủy thủ sẽ là những người cuối cùng rời khỏi tàu, sau khi đã hộ tống toàn bộ hành khách xuống bè cứu sinh.
Cuộc sống trôi dạt
Tàu của bạn đã chìm, và bạn giờ đã yên vị trong một chiếc bè cứu hộ. Nếu như may mắn, trực thăng hoặc các tàu cứu hộ sẽ đến kịp lúc để đưa bạn về nhà. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, bạn cần chuẩn bị để đối phó với những thách thức đang đợi phía trước.
Hoảng loạn - đó là thách thức lớn nhất mà bạn phải vượt qua nếu như muốn sống sót. Không có gì trước mắt, ngoài trừ bốn bề là mặt biển mênh mông. Và cảm giác này sẽ đạt đến mức tuyệt vọng nếu như một chiếc tàu cứu hộ hay trực thăng đi ngang qua mà không phát hiện thấy bạn. Nếu như bạn có một người bạn đồng hành đi kèm, hãy giết thời gian bằng một vài trò chơi, hoặc bàn bạc về những kế hoạch trong tương lai. Nó sẽ giúp bạn tạm thời thoát khỏi tình hình bi đát trước mắt, và ít nhất là cho bạn 1 cái gì đó để hy vọng.
Say nắng và cháy nắng là những thứ cần lưu tâm lúc này. Nếu như bè của bạn có mái che, bạn nên giữ cho mình tránh khỏi ánh nắng càng lâu càng tốt. Hãy chú ý đến những triệu chứng sau:
Tăng thân nhiệt
Rối loạn tinh thần: mệt mỏi, lờ đờ hoặc quá kích động
Mạch nhanh
Thở nông
Đau đầu và buồn nôn
Nếu như bạn, hay một người nào đó có triệu chứng của say nắng, hãy xử trí như sau:
Lập tức cho nằm dưới bóng râm
Lau người bằng khăn ẩm
Làm mát cơ thể bằng quạt tay (hoặc quạt máy nếu có)
Uống nhiều nước
Nguồn nước ngọt lúc này là thứ quý giá nhất với bạn. KHÔNG bao giờ uống nước biển, kể cả khi bạn đang bị cơn khát hành hạ. Muối trong nước biển lúc này sẽ càng làm tăng thêm tình trạng mất nước. Trong điều kiện nóng bức và không được tiếp nước, các triệu chứng mất nước sẽ đến sau một vài giờ:
Giảm tiết nước bọt
Giảm số lần đi tiểu và lượng nước tiểu
Nước tiểu trở nên sậm màu hơn
Nếu như không được cấp nước kịp thời, các triệu chứng trên sẽ nặng hơn, và giai đoạn cuối cùng sẽ là sốc do mất nước. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này: Da của bạn sẽ có màu xanh xám và rất loạn, và tệ hơn, bạn có thể đi vào hôn mê do mất nước.
Kết
Chìm tàu là một tai nạn khủng khiếp mà chẳng ai muốn trải qua. Không ai nói trước được gì, rất có thể một ngày nào đó bạn sẽ phải đương đầu với thảm họa trên. Chuẩn bị đầy đủ và luôn bình tĩnh ứng phó trước mọi tình huống, cộng thêm với một chút may mắn, bạn hoàn toàn có thể vượt qua thảm họa này.