Nhịp sống số

Giải mã những bí ẩn đằng sau sự giận dữ

Giải mã những bí ẩn đằng sau sự giận dữ
Câu nói này dường như đã trở thành phổ biến với nhiều người, "Tôi phát điên lên rồi, tôi không thể chịu đựng thêm được nữa!". Tức giận đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Từ những cặp vợ chồng thích giải quyết vấn đề bằng cách đập phá bát đĩa, những câu chửi thề văng ra giữa lúc tắc đường cho đến những phút giây thiếu kiềm chế của các "sao" nhan nhản trên những tờ báo lá cải mỗi ngày. Chúng ta chiêm ngưỡng sự tức tối của người khác với sự thích thú, nhưng chúng ta hiếm khi nhìn thẳng vào sự nóng giận của chính mình.
 

 
Nóng giận là một cảm xúc, và nó gồm rất nhiều cung bậc khác nhau, từ cáu tiết cho đến cơn thịnh nộ điên cuồng. Chúng ta đều nghĩ rằng tức giận là một cảm giác tiêu cực, nó khiến ta nói và làm những thứ mà bản thân ta không hề muốn thế. Bạn cho rằng sự tức giận đã biến bạn thành một người hoàn toàn khác, nhưng sự thật không phải thế. Tức giận, bản chất là một lời cảnh báo rằng một điều gì đó đã vi phạm trật tự tự nhiên trong đầu bạn. Trật tự này có thể là bất cứ thứ gì. Hãy lấy ví dụ vào một buổi sáng Chủ nhật lạnh tê tái, bạn muốn nằm cuộn mình trong chăn và tiếp tục ngủ đến trưa, thế nhưng ông sếp quý hóa bất chợt gọi điện đến và bắt bạn è cổ ra làm việc suốt sáng. Điều này đã đi ngược lại một quy tắc rõ ràng được xác định trong đầu bạn, Ngủ suốt sáng. Bạn cảm thấy máu mình sôi lên sùng sục, và điều bạn muốn làm với sếp mình lúc này có lẽ chẳng cần bàn tiếp.
 

 
Các hiệu ứng của sự tức giận, thực chất để thúc đẩy chúng ta chịu trách nhiệm và bắt tay vào phục hồi sự thăng bằng giữa cái đúng và cái sai. Điều này có nghĩa là, bạn tức giận vì một thứ gì đó đi ngược là điều mà bạn cho là hoàn toàn đúng, và bạn bày tỏ sự tức giận của mình ra ngoài để giải quyết mâu thuẫn này. Vậy, làm sao để biết rằng điều gì sẽ làm bạn phát điên? Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Liệu máu bạn có thực sự sôi lên sùng sục không? Và làm cách nào để bày tỏ sự tức giận mà không gây ra những thiệt hại ngoài ý muốn? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
 
Điều gì làm bạn thực sự sôi máu?
 
Rõ ràng là bạn có thể nghĩ ra rất nhiều thứ. Trọng tài không chịu để MU yêu quý của bạn hưởng một quả phạt 11m. Ông bạn trời đánh quên mất buổi hẹn với bạn. Hai đứa cháu đến nhà bạn chơi và biến nơi đây thành bãi chiến trường. Tài xế xe bus lạnh lùng đi thẳng qua bến đỗ mà không dừng lại cho bạn lên, mặc dù bạn đã chờ ở đây cả tiếng đồng hồ. Giá điện lên. Giá gas lên. Giá xăng lên. Văn hóa, chính trị, giáo dục....
 

 
Danh sách trên có thể tiếp diễn thêm vài trang A4 nữa, nhưng tựu chung lại, có thể quy chúng thành điều sau: chúng đi ngược lại sự kỳ vọng của bạn, và chúng cản trở những mục tiêu của bạn. Bạn mong chờ được đối xử công bằng, và bạn sẽ giận dữ khi bị hét vào mặt mà chẳng có lý do gì. Bạn đã khát cháy cổ, bạn đi ra chỗ máy bán nước, nhét vào đó 1 đồng xu và chợt nhận ra rằng cái máy này hoàn toàn trống rỗng. Nói cách khác, khi người khác không tuân theo những tiêu chuẩn xã hội, hoặc những tiêu chuẩn của cá nhân bạn, bạn sẽ trở nên tức giận.
 
Các nguyên nhân gây nên sự giận dữ có sự khác biệt giữa từng cá thể. Chúng khác giữa từng độ tuổi, từng dân tộc, giới tính, từng nền văn hóa khác nhau. Một nghiên cứu đánh giá sự tức giận ở trẻ sơ sinh của các dân tộc khác nhau đã được tiến hành, kết quả là trẻ sơ sinh Trung Quốc có sự điềm tĩnh cao nhất.
 

 
Nghiên cứu này có vẻ thú vị, nhưng nó không thực sự chỉ ra sự khác biệt giữa những nền văn hóa cụ thể đối với cơn giận dữ. Mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ chịu tác động rất lớn từ môi trường bên ngoài, môi trường này sẽ ảnh hưởng đến cái cách mà chúng chấp nhận, cũng như giải quyết cơn giận dữ.
 
Phụ nữ có vẻ như dễ bị kích động hơn phái mạnh, khi mà họ có quá nhiều mối quan tâm, họ bị ràng buộc với quá nhiều mối quan hệ đối với gia đình và bạn bè, họ cảm thấy mình bị đòi hỏi quá nhiều, trong khi không hề có sự đền đáp xứng đáng. Trong khi đó, một người đàn ông lại dễ lên cơn khi họ chịu tác động từ những nhân tố bên ngoài nhiều hơn - họ dễ bị kích động bởi những người xa lạ, bởi công việc và bởi những yếu tố chính trị văn hóa. Nói cách khác, sự tức giận của đàn ông có chút trừu tượng hơn, trong khi đó những cơn giận dữ của phái yếu xuất phát chủ yếu từ những người thân xung quanh họ. Đối với trẻ em, nguồn gốc của sự tức giận chủ yếu đến từ việc không đạt được cái chúng mong muốn - và điều này nghe có vẻ hợp lý hơn khi so sánh với người lớn.
 

 
Thế nhưng, chỉ với những nguyên nhân trên thì chưa đủ để bạn lên cơn. Cơn giận dữ là một phức hợp bao gồm rất nhiều yếu tố. Nói cách khác, dù bạn đang phát điên, nhưng bạn có bộc lộ nó ra ngoài hay không thì còn phụ thuộc vào việc bạn sẽ trút cơn giận dữ lên đầu ai, liệu nó có gây ra hậu quả gì tai hại hay không, liệu bạn có kìm chế được hay không....
 
Bộ não của bạn giờ đây đang bận rộn với cơn giận dữ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra trong cơ thể bạn?
 
Những hiệu ứng cơ năng trong cơn giận dữ
 
Khi một nhân vật hoạt hình nào đó nổi cơn giận dữ, bạn sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc: tai xì ra một đống khói, đỏ rực từ đầu đến chân, thậm chí là một vụ nổ đinh tai nhức óc. Rõ ràng điều này không hề mang tính giải trí nếu như bạn thấy nó trong đời thực, thế nhưng, những điều tương tự cũng xảy ra trong cơ thể chúng ta. Phản ứng giận dữ khác nhau đối với từng người, nhưng ở nhiều người, có thể bạn đã từng thấy những thứ như nghiến răng, siết chặt nắm đấm, mặt mũi đỏ bừng, cảm giác gai lạnh, tê liệt, các cơ bắp thi nhau gồng lên cuồn cuộn, đổ mồ hôi, tăng nhiệt độ cơ thể....
 

 
Hạch hạnh nhân, một phần trong não bộ, là nơi mà bộ não giải quyết những vấn đề về cảm xúc - giờ đây đang bốc hỏa. Khoảng thời gian giữa lúc cơn tức giận được kích hoạt cho tới khi có phản ứng có thể chỉ là 1/4 giây ngắn ngủi. Nhưng trong lúc này, lượng máu tới thùy trán ở vỏ não tăng lên, đây là khu vực kiểm soát những hành động có ý thức - và đây cũng chính là nguyên nhân giữ cho bạn không ném thẳng cốc cà phê vào mặt ông sếp yêu quý. Hai khu vực này luôn có sự cân bằng nhất định, và theo nhiều nhà nghiên cứu, những phản ứng giận dữ chỉ kéo dài chưa tới hai giây - đó là nguyên nhân tại sao bạn nhận được rất nhiều lời khuyên nên đếm tới 10 khi tức giận.
 

 
Nếu như bạn liên tục cáu kỉnh, cơ chế này có thể bị tổn thương ở mức độ nào đó. Những cá thể giận dữ kinh niên sẽ không có cơ chế để tự điều chỉnh. Họ có thể sẽ giảm bớt sự sản xuất acetyl choline, 1 hormon giúp dịu đi sự nóng nảy đến từ adrenaline. Hệ thống thần kinh của họ liên tục làm việc và cuối cùng trở nên quá tải, trái tim của họ trở nên suy yếu và các động mạch dần xơ cứng. Điều này có thể dẫn đến nhiều tác hại tiềm năng cho gan và thận, cũng như là bước đệm dẫn tới bệnh mỡ máu. Sự tức giận còn mang theo rất nhiều vấn đề khác, ví dụ như trầm cảm và lo âu. Một nghiên cứu gần đây trên khoảng 13.000 người cho thấy, những người thường xuyên giận dữ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp 2-3 lần người bình thường. Nhiều nhà khoa học cho rằng, sự tức giận mãn tính thậm chí còn nguy hiểm hơn cả thuốc lá và béo phì.
 
Bạn có thể sợ hãi, và bạn cũng có thể cho rằng những gì người viết đề cập trên đây chỉ mang tính chất hù dọa, thế nhưng, để cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, điều quan trọng là bạn cần biết cách tiếp nhận và xử lý cơn giận dữ của mình.
 
Cách biểu hiện cơn giận dữ
 
Bạn có thể đã nghe đến câu nói, "Tức giận không giải quyết được vấn đề gì.". Hoàn toàn đúng. Tức giận sẽ làm bạn mất bình tĩnh, và thứ làm bạn tức giận thì vẫn sờ sờ ra đó. Nhưng sự giận dữ là một tín hiệu cho bạn thấy rằng, bạn cần phải làm gì đó. Và cách bạn thể hiện sự giận dữ có thể sẽ dẫn đến cách giải quyết vấn đề.
 

 
Mục đích của sự giận dữ bao gồm:
 
Sửa chữa những điều sai trái, hoặc cho ai đó biết rằng họ đang phạm sai lầm.
 
Duy trì mối quan hệ, hoặc giải quyết xung đột giữa các cá nhân.
 
Thể hiện sức mạnh bản thân, để đảm bảo rằng những chuyện tương tự sẽ không xảy ra nữa.
 
Mục đích của cơn giận dữ có thể khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn đang phải đối phó với ai. Sự ứng xử của bạn với người thân sẽ khác hoàn toàn so với một tên ất ơ từ trên trời rơi xuống.
 

 
Thể hiện sự giận dữ, về cơ bản sẽ có 3 dạng chính: Kìm nén, bộc phát và kiểm soát sự tức giận. Ở một người phụ nữ , họ thông thường sẽ chọn cách kìm nén. Thế nhưng, sự tức giận cuối cùng vẫn sẽ rò rỉ ra ngoài, và biểu hiện bằng một cách nào đó: hờn dỗi, mỉa mai... Sự tức giận bộc phát ra ngoài thường gặp ở nam giới hơn, thể hiện bằng những lời nói to tiếng, hay tệ hại hơn là việc nói chuyện với nhau bằng nắm đấm.
 
Có thể bạn đã nhận được lời khuyên rằng, bạn không nên kìm giữ mọi thứ ở trong lòng, nhưng việc xả tất cả cảm xúc ra ngoài sẽ chẳng làm bạn thấy khá hơn. Cả hai cách trên cuối cùng đều sẽ dẫn bạn đến sự mất kiểm soát, sau đó sẽ là cảm giác bất lực. Hãy thăng bằng cơn giận dữ của mình, hoặc giải quyết nó một cách hợp lý - đó là phương pháp lý tưởng.
 

 
Bạn không nên chỉ biết giải quyết vấn đề thông qua việc than vãn, kể lể - hay tệ hơn là la hét, đập phá. Hãy đối mặt trực tiếp với vấn đề và giải quyết nguyên nhân đến tận gốc. Đây có thể là lý do tại sao tức giận cũng là một cách để chúng ta giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Cái xe máy cả năm chưa sửa, tay hàng xóm luôn mở nhạc HKT vào lúc 12h đêm - đã đến lúc bạn ra tay dọn dẹp đống bề bộn này.
 
Nhưng điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải giải quyết vấn đề theo hướng triệt để đến tận gốc. Nói chính xác hơn, bạn không thể làm được điều này. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể vô tư đập phá đồ đạc mỗi khi bạn cáu giận. Thay vào đó, bạn có thể chọn những cách lành mạnh hơn - đi tắm, đi dạo, chơi game...., bất cứ thứ gì. Hãy làm cơ thể bạn tạm thời thoát khỏi cơn giận dữ, và khi đã bình tâm trở lại, hãy bắt tay giải quyết vấn đề.
 

 
Thực tế cho thấy rằng, việc nói chuyện với người thứ ba có thể trở nên hữu ích. Trút bầu tâm sự với ai đó, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, đồng thời có thể bạn sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề. Huyết áp dần tụt xuống, sức khỏe của bạn cũng bớt bị đe dọa hơn bởi cơn tức giận. Nhưng có những lúc sẽ chỉ có mình bạn ở đó,đơn độc đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Bởi vậy, hãy tập lấy cách cứu lấy chính mình trước khi cầu khẩn một ai đó.
 
Tham khảo Howstuffworks